Những dòng sông đang thở từ một cuốn sách đáng đọc

Admin
Đọc và cảm động, và rưng rưng, con sông chảy trên mảnh đất có nhiều liệt sĩ nhất nước, có nhiều nghĩa trang liệt sĩ nhất nước, mảnh đất mà mỗi bước chân ta, mỗi ngọn cỏ, đều vương vấn linh hồn liệt sĩ...

Là tôi đang nói tới cuốn "Chuyện của những dòng sông". Nó có những câu chuyện, mà những câu chuyện ấy lại gắn với những vùng đất, những miền đất, những thân phận người, số phận người, có số đông, có đơn lẻ, tạo nên một cộng đồng sông nước, sống với sông nước và cả chết với sông nước.

Phàm là người Việt ai cũng từng gắn, từng sống, từng đi qua, và cả đi cùng, những dòng sông. Để khẳng định là ở Việt Nam không tỉnh nào là không có sông, tôi đã search thử trên google câu lệnh: "những tỉnh nào ở Việt Nam không có sông" thì nó cho ra không kết quả, hay chính xác là nó chỉ ra đại loại: Tỉnh nào Việt Nam không có rừng, không có biển, không có núi...

Như tôi, giờ sống ở Tây Nguyên (thành phố Pleiku) nhưng có mẹ quê có sông Đáy, ba quê sông Hương và sinh ra ở gần đê sông Mã. Gần nơi tôi sống bây giờ là sông Đăk Bla, sông Ba, sông Ayun vân vân...

Tức là, tôi cũng từng sống cùng những con sông, từng đã có ký ức, từng sống với nó một thời. Và còn những con sông tôi từng qua, khá nhiều, từ sông Thao sông Thương đến sông Nhật Lệ, sông Bến Hải, sông Hàn, sông Hoài… xuôi Nam từng qua sông Tiền sông Hậu, đến tận sông Gành Hào ở cuối đất Cà Mau. 

Cũng từng tắm và ngắm mặt trời trên con sông nổi tiếng thế giới là sông Hằng của Ấn Độ. Mới thấy, những con sông không chỉ đã làm nên văn minh của loài người, mà nó còn là một phần của đời sống con người, gắn bó chặt chẽ với con người, để mỗi khi nhớ về, ta lại rưng rưng nhớ, rưng rưng xúc động…

Nên khi đọc bản tập sách, tôi hết sức bồi hồi.

Mỗi tác giả tiếp cận sông với cách riêng của mình, nhưng đều hết sức tâm huyết, hết sức gan ruột, hết sức yêu thương trìu mến, hết sức biết ơn và chia sẻ.

Những dòng sông đang thở từ một cuốn sách đáng đọc- Ảnh 1.

Ảnh/nguồn: VietNamNet

Như nhà báo Nguyễn Hồng Lam với sông rào Nậy. Tiếng Quảng Bình, rào chính là sông rồi, nhưng chắc anh cố tình nhấn mạnh để tiếp cận con sông này bằng những câu chuyện vừa li kỳ vừa thấm đẫm tình người, tình... sông. Những con người, những số phận đặc biệt, hết sức đặc biệt, được anh phát hiện và kể về họ làm ta có khi rơi nước mắt, có lúc rởn người vì li kì.

Và cái cách anh lý giải cũng rất thú vị. Ví dụ như vì sao tiền nhân không chọn đoạn hẹp nhất để chia, để làm giới tuyến, mà lại chọn chỗ mênh mang nhất, rộng nhất, phải chăng để khó binh đao, để "lợi dụng" sự khó này mà chờ tái hợp, để bớt máu xương vân vân.

Hay Tác giả Lê Trọng Nghĩa tự nhận là người mới sống ở Huế được gần 2 năm mà viết về sông Hương cũng khá... hồi hộp, khiến ta cũng hồi hộp theo. Miền Bắc sông cuồn cuộn hung dữ mùa lũ, miền Nam sông hiền hòa dềnh dang, sông miền Trung thực ra cũng rất dữ vì nó ngắn và dốc, riêng sông Hương chảy qua kinh thành Huế lại chảy như không chảy, Thu Bồn viết "con sông dùng dằng con sông không chảy/ sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu", nó hợp với áo trắng nữ sinh, với độ cong Trường Tiền và với tâm tính người Huế, hay chính xác, người Huế phải sửa mình để hợp với đời sông.

Hay như sông Lô, đẹp, rất đẹp. Tôi rất mê sông Lô. Nhớ có bạn đã tường thuật trong cuộc hội nghị Văn trẻ toàn quốc năm nào đó, khi đoàn xe dừng ở ngay đoạn đầu vào thành Tuyên, nơi dòng Lô đang hiền hòa chảy, nhà thơ VCH, tức là tôi, đã mở rất to bài hát "Sông Lô chiều cuối năm" trong điện thoại, và rất nhiều người đã hòa giọng. Đã từng vài lần được ngồi nhậu với các bạn văn thành Tuyên ngay trên những cái bè trên sông Lô, ăn ngọn rau lang luộc ngọt sểu, những con tôm sông cắn tới đâu biết tới đấy... ngồi và ngắm sông, nghe sông và bồi hồi cùng sông, con sông đầy huyền thoại, đầy những câu chuyện lịch sử thú vị, đầy chất văn hóa và hết sức trữ tình... 

Và sông Lô trong sách này lại có tới mấy tác giả viết, trong đó có nhà văn nhà báo rất tài hoa Nguyễn Thành Phong chăm chút tới từng dấu phẩy. Một sông Lô nhiều chiều nhiều cạnh nhiều phía và ngập tràn cảm xúc, và tỉ mỉ chuyện với hiện tại lẫn quá khứ đan xen. Đọc mà cứ sợ hết, đọc mà thương và cả giận mình đã tới sông Lô mà chưa hiểu hết sông Lô. Thì thời may, trời sinh ra các nhà văn nhà báo để kể cho chúng ta những điều ta không/ chưa thấy. Họ làm cho hiện thực huy hoàng lên dẫu có là những hiện thực xót xa...

Từ những dòng sông rất nhỏ, thậm chí rất ít người biết tên, như sông Ngô Đồng trong bài viết của Khuê Việt Trường, sông Bến Giá, sông Giang tới những con sông lừng danh, nghe tên ai cũng biết, ai chưa đến là muốn đến, muốn ngắm, muốn hòa mình vào sông như sông Hương, Nhật Lệ, Lô, Bến Hải, Thạch Hãn, Sài Gòn, Tiền giang, Hậu giang, Gianh vân vân...

Chúng ta đã có những bài thơ, bài hát, câu thơ, ca từ rất hay về sông, như "sông Thao thêm một lần tôi tắm/thêm một lần tôi đến để rồi đi/ gió cứ thổi trống không ngoài bãi vắng..." (Nguyễn Duy), như "mai đành xa sông Thương tóc dài/ Vạn Kiếp tình yêu xin gửi lại" (Hoàng Nhuận Cầm), như "Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ đáy sông còn đó bạn tôi nằm" (Lê Bá Dương), như "Con sông dùng dằng con sông không chảy/ sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu" (Thu Bồn), như "Sông Đăk Bla như một tiếng tù và/ thổi qua lòng xanh thị xã" (Trần Mạnh Hảo), như "Sinh ở đâu mà ai cũng anh hùng?/ Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông" (Bế Kiến Quốc), như các bài hát "Sông Lô chiều cuối năm" (Minh Quang), như "Ngẫu hứng sông Hồng" (Trần Tiến), như "Trở về dòng sông tuổi thơ" (Hoàng Hiệp)... vân vân, nhiều lắm. Và giờ ta có thêm một cuốn sách với nhiều bài rất hay, nhiều chi tiết rất đắt, nhiều câu chuyện rất xúc động về những con sông Việt.

Ví dụ như nhà thơ nhà báo Mai Nam Thắng, ông viết về những con sông giới tuyến. Viết sông nhưng là con người. Bao giờ cũng thế, trừ những con sông chết, còn đều gắn với con người. Mà dẫu sông có chết thì người vẫn sống trên đấy.

Mai Nam Thắng có biệt tài kể chuyện nên sông và người và những câu chuyện cứ bện vào nhau...

Ông viết về dòng sông hoa đăng, trên sông ấy, giờ là hoa là hương, là nước mắt và có cả nụ cười. Nhiều chuyện thú vị về con sông này lần đầu tiên được tác giả kể dù đã có hàng vạn bài báo về con sông Thạch Hãn, như chuyện trong số hai sáu ngàn bảy trăm tù binh được trao trả trên sông này có ông Trương Tấn Sang, sau này là chủ tịch nước.

Đọc và cảm động, và rưng rưng, con sông chảy trên mảnh đất có nhiều liệt sĩ nhất nước, có nhiều nghĩa trang liệt sĩ nhất nước, mảnh đất mà mỗi bước chân ta, mỗi ngọn cỏ, đều vương vấn linh hồn liệt sĩ...

Sách cũ, tri thức và tiền?Sách cũ, tri thức và tiền?ĐỌC NGAY

Hay bài viết thú vị của nhà văn Nguyễn Quang Lập với nhiều thông tin và đầy ắp cảm xúc về con sông quê ông, sông Gianh. Mỗi người có một góc sông, có dòng sông của riêng mình. Với nhà văn Nguyễn Quang Lập, nó đầy ắp... phong cách bọ Lập, nó vừa là văn vừa là sử vừa là thơ và trên hết, nó là một đời sông với bao vấn vương day dứt, bao kỷ niệm, hồi ức vọng về.

Đọc tập sách ta như được cùng một lúc tắm thỏa thích trên nhiều dòng sông Việt. Nhưng không phải chỉ tắm, mà ta được nghe, được cảm, được thấm những câu chuyện, những góc khuất lịch sử, những cung bậc cảm xúc của tác giả. Ta đọc được tình yêu cháy bỏng của từng người viết với những con sông của họ, con sông làm nên mùa màng, làm nên văn hóa, con sông chảy mãi trong tâm thức và con sông lưu giữ ký ức con người, đời này sang đời khác, làm nên một dòng chảy vô tận và liên tục của những đời người, của lịch sử, của văn hóa...

"Sông có đời sông. Người có đời người. Cuộc đời tôi cũng lớn lên từ bến, cũng vui buồn cùng chị Tím theo con nước lớn ròng. Trôi đi đâu, thì cũng quay về bến cũ.

Quá nửa đêm, trong cơn say hình như tôi đã khóc...", nhà văn nhà báo Trần Gia Bảo đã viết về con sông mình đã lớn lên như thế, dù nó rất nhỏ, và cũng rất khó nhớ tên, sông Trà Mơn, nhưng đọc xong, ta thấy ùa vào ta xối xả tưng bừng và cũng lặng lẽ những ắp đầy kỷ niệm về sông...

Cuốn sách này cho ta một cái nhìn toàn cảnh hơn về những con sông Việt. Và nó giúp ta hiểu thêm một phần đời sống Việt, văn hóa Việt, và tất nhiên, nó rất đáng đọc, để không chỉ hiểu, ta còn cảm được những dòng sông đang thở và đời sống đang trôi...