Nỗi lo nhiều không gian nghệ thuật công cộng Hà Nội bị xuống cấp

Hoàng Huyền
Nhiều năm nay, Hà Nội có nhiều không gian nghệ thuật công cộng khi mới được đưa vào hoạt động đã trở thành một không gian thu hút đông đảo người dân. Đây vừa là không gian nghệ thuật vừa là địa điểm check-in lý tưởng cho các bạn trẻ. Đồng thời cũng là điểm hấp dẫn du khách quốc tế khi ghé thăm Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay các không gian nghệ thuật này đang bị xuống cấp trầm trọng.

nhieu-khong-gian-nghe-thuat-cong-cong-ha-noi-sap-mat-tich-dulichgiaitri-van-hoa-1671093073.jpg
Phố bích họa Phùng Hưng biến thành điểm vui chơi tự phát của người dân từ bao giờ Ảnh: TG

Phố bích họa sắp “mất tích”?
Các công trình như: Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân, Phố bích họa Phùng Hưng khi ra đời vốn được coi là hình mẫu trong việc biến những nơi ô nhiễm, nhếch nhác thành không gian văn hóa, nghệ thuật.
Xuất hiện với công chúng vào năm 2020, Con đường nghệ thuật Phúc Tân với những tác phẩm được sáng tạo từ những vật liệu tái chế đã thay thế bãi rác ô nhiễm ven sông Hồng.
Tương tự, con đường gốm sứ ven sông Hồng cũng từng đem đến sinh khí mới cho người dân Thủ đô và khách tham quan. Con đường Gốm sứ dài hơn 3,8km - công trình nghệ thuật chào đón đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, được Tổ chức Guinness thế giới công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới, đạt kỷ lục Guinness, mặc dù đã được nhiều lần duy tu, chỉnh trang, nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng.
Tuy nhiên, hiện nay, không khó để thấy những hình ảnh bong tróc, nứt vỡ, ố bẩn, tập kết rác... trên con đường gốm sứ này.
Cùng chung cảnh ngộ là dự án phố bích họa Phùng Hưng được các họa sĩ Hàn Quốc và Việt Nam thực hiện, khai trương tháng 2/2018. Đoạn phố dài hơn 200m, trưng bày 17 tác phẩm trên tổng số 127 vòm cầu, gợi nhớ về Hà Nội xưa như: Bách hóa tổng hợp; gánh hàng rong, đặc biệt là những hình ảnh gợi nhớ về lịch sử của con phố này trải qua nhiều năm tháng, trong đó có hình ảnh biểu tượng cho phố xe máy với chiếc xe cúp kim vàng giọt lệ hay vòi nước công cộng đã gắn với bao đời người dân nơi đây...
Tiếc rằng, đã từng là con phố thu hút nườm nượp giới trẻ ghé thăm, là phố Tết tưng bừng mỗi độ Xuân về nhưng sau hơn 4 năm, hiện tại phố bích họa đã xuống cấp, nhếch nhác. Điển hình như cổng vòm đầu phố bích họa giao với phố Lê Văn Linh có nhiều trụ đá được đặt để ngăn xe đậu trên vỉa hè. Nhiều người dân còn tự ý lắp đặt các mái che, rào chắn che lấp nhiều hạng mục trong công trình, sử dụng làm nơi vui chơi, giải trí tự phát... Có nơi, còn xuất hiện các điểm trông giữ xe tự phát, xe đến ăn ở các hàng ăn đối diện cũng ngang nhiên đậu tại đây...
Dẫu rằng từ khi thực hiện dự án đã biết phố bích họa Phùng Hưng công trình mang tính nhất thời, các hình vẽ đều được thực hiện trên các tấm ốp sau đó ốp thẳng vào vòm cầu, không phải là công trình nghệ thuật vĩnh viễn. Qua thời gian, mưa gió, công trình nhanh chóng xuống cấp là điều dễ hiểu. Nhưng, dù bất cứ lý do gì thì con phố náo nhiệt ngày nào giờ gần như biến mất, đã để lại quá nhiều tiếc xót với những người đã từng yêu mến nơi đây.
Trả lời báo chí, đại diện Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, UBND quận Hoàn Kiếm đã giao cho đơn vị này tiến hành duy tu phố bích họa Phùng Hưng. Nhưng, người ta cũng không thể mong chờ gì quá nhiều bởi nhìn thấy một số công trình mà điển hình là Con đường Gốm sứ, được sự chỉ đạo của UBND Thành phố đã trải qua vài lần sửa chữa nhưng vẫn không thấm vào đâu so với việc hỏng hóc, bong tróc cũng như tình trạng xả rác, biến nơi đây thành nhà vệ sinh thiên nhiên… gây xấu xí, nhếch nhác rất xót xa.

Cần lắm sự quan tâm mang tính bền vững

Hà Nội vẫn được các du khách nhìn nhận như một thành phố sôi động và náo nhiệt của các sinh hoạt công cộng.
PGS.TS Phạm Quỳnh Phương (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh trong tọa đàm, tập huấn về “Nghệ thuật công cộng - Không gian văn hóa sáng tạo công cộng vì sự phát triển bền vững của Hà Nội” diễn ra cách đây hơn 1 tháng rằng: “Không gian công cộng đặc biệt quan trọng đối với đời sống văn hóa, nhất là với những đô thị chật chội và ngột ngạt, địa điểm này có vai trò như “châm cứu, chữa lành” cho sức khỏe tinh thần. Chính vì vậy, dù có diện tích nhỏ hẹp hay quy mô rộng lớn, những không gian này cần được kiến tạo để trở thành những không gian văn hóa thực thụ, một trường văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn cộng đồng, góp phần tạo nên một thành phố sống tốt và nhân văn; trong đó có vai trò không nhỏ của nghệ thuật công cộng”.
Rõ ràng, ai cũng nhận thấy sự cần thiết của các không gian nghệ thuật công cộng đối với đô thị như Hà Nội. Nhưng, TS. Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam, lại trăn trở, tiếc nuối với các công trình nghệ thuật công cộng của Hà Nội. Ông cho rằng, phần lớn không gian công cộng của Hà Nội còn thiếu tính bền vững. Ví dụ như những dự án vẽ hoa văn trên nền gạch của phố Tràng Tiền chỉ tồn tại được vài tháng đã hư hỏng hay tình trạng con đường gốm sứ bị bong tróc. Từ đây, TS. Emmanuel Cerise nhấn mạnh việc cần lưu ý, chú trọng cấp thiết đến tính bền vững cho các công trình, do không gian nghệ thuật công cộng mang đặc thù là ở ngoài trời, chịu nhiều tác động về thời gian, khí hậu.
Có thể thấy một thực tế là việc kiến tạo các không gian nghệ thuật công cộng liên quan đến nhiều chủ thể trong xã hội, không chỉ các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, các nhà thiết kế tổ chức không gian và nghệ thuật, mà còn cả cộng đồng xã hội cùng chung tay sáng tạo và đóng góp ý tưởng. Chính vì vậy, việc xây dựng tính bền vững, gia tăng “tuổi thọ” cho các công trình này cần phải có sự chung tay của cả chính quyền và người dân.
Theo các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, mỗi công trình đã được xây dựng nên đều chuyên chở rất nhiều tâm huyết, khát vọng của người thực hiện về một Hà Nội đẹp hơn, hấp dẫn hơn. Và, người ta cũng thấy rõ tác dụng tích cực của các công trình khi biến những không gian “chết” trở thành điểm đến sôi động, đáng nhớ của mỗi người dân Thủ đô cũng như du khách. Việc các công trình nhanh chóng xuống cấp không chỉ là nỗi tiếc xót mà đương nhiên sẽ để lại ấn tượng không tốt cho du khách đến Hà Nội.
Vì vậy, Hà Nội cần thiết phải có chủ trương, kế hoạch, chính sách duy tu, bảo dưỡng tăng tuổi thọ cho các công trình một cách rõ ràng, thường xuyên, liên tục chứ không đợi hỏng mới sửa thì nhiều thứ đã muộn.
Cùng với đó, theo các chuyên gia, một yếu tố rất quan trọng trong tạo tính bền cho các công trình chính là từ ý thức người dân. Chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, tổ dân phố để tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ các công trình, thậm chí là cùng đưa ra quy định xử phạt những người xả rác, vệ sinh bậy hoặc phá hoại công trình… Khi người dân cùng có ý thức, các công trình sẽ được bảo vệ mỗi ngày, chắc chắn sẽ gìn giữ được giá trị về mọi mặt mà khi kiến tạo các công trình này hướng tới, đảm bảo gìn giữ vẻ đẹp cho Thủ đô.

HƯƠNG THỊNH