Nổi nóng lãng xẹt

Admin
Đi trên đường, hay trên báo chí, ta rất thi thoảng gặp những vụ ẩu đả nhau giữa các tài xế. Có thể là cùng là tài xế ô tô, hoặc tài xế ô tô với xe máy, tài xế ô tô với người đi bộ...

Nguyên nhân có thể từ hai phía, nhiều khi tài xế ô tô là bị hại, như mấy vụ người đi xe máy vác hung khí chặn đầu xe ô tô “xử” tài xế, có cả xe cứu thương.

Có vụ thì lẳng lặng cho qua, có vụ cơ quan chức năng phát hiện, mời lên “uống trà”, nặng thì xử lý hình sự.

Nhưng gần đây có mấy vụ rất buồn cười, hung hãn và ngổ ngáo.

Ít nhất là có hai vụ lái ô tô tông vào... ô tô của nhau. Hai vụ đều rất mới.

Vụ đầu tiên ở Bà Rịa Vũng Tàu, hai người, một nam một nữ, lái xe tông vào xe nhau.

Đầu tiên là cô gái lái xe mình tông vào đuôi xe người nam, tới 2 lần. Á à, “mày” láo, muốn đọ độ cứng của xe à? Chàng trai quay xe, cũng đâm vào xe người nữ, nhưng vì là... đàn ông nên anh này không thèm đâm đuôi xe, mà đâm hẳn vào đầu xe, và cũng không chỉ hai lần, mà nhiều hơn hai lần. Kết quả: người nữ đền cho người nam 11,5 triệu đồng, và người nam đền cho người nữ 32,5 triệu. Đúng rồi, đâm vào đầu và nhiều lần hơn, và là “điền ông” nữa thì đền nhiều tiền hơn.

Nhưng cái này thì bằng nhau: sau đấy cả hai cùng bị bắt giam với 2 tội danh: "Hủy hoại tài sản" và "Gây rối trật tự công cộng".

Báo chí đăng, mạng xã hội bình phẩm, nhưng hình như chuyện dùng xe tông xe nhau nó... gây nghiện, nên tuần vừa rồi, một cô gái ở Buôn Ma Thuột cũng bị bắt khẩn cấp vì cũng dùng xe của mình tông vào xe đối thủ.

Đa chiều - Nổi nóng lãng xẹt

Một cô gái ở Buôn Ma Thuột lái ô tô tông vào xe đối phương (ảnh: MXH)

Ở vụ này, việc sai đầu tiên là... lái xe đi nhậu. Tôi cũng có xe ô tô, và ngày xưa cũng thường xuyên lái xe đi nhậu, nhưng từ khi có nghị định 100 thì cương quyết nói không với việc ấy. Đi nhậu là tắc xi hoặc grab. Đây hai nhóm, đa phần là nữ, đi nhậu, ít nhất có 2 người của hai nhóm lái ô tô. Và mâu thuẫn, đánh nhau. Đánh người chưa ăn thua, cô gái này lên xe của mình tông uỳnh uỳnh vào xe cô gái đối phương. Và cũng như vụ trước, tông một lần rồi còn lùi, tông thêm lần nữa cho nó... chẵn số lần.

Ba ngày sau thì cô gái, khá xinh và diện, mới tới công an trình diện sau khi bị thông báo nếu không tới trình diện thì sẽ bị truy nã.

Tất nhiên là ân hận, và khóc nữa. Nhưng muộn rồi.

Và đây, hôm kia.

Một cái xe tập lái có thầy dạy lái ngồi bên phụ, chả hiểu sao dừng xe hùng hổ chặn một xe khác. Ông thầy, trông rất hầm hố, xuống xe và chửi tục loạn xạ, lệnh cho học trò xịt lốp xe bị chặn, bắt tài xế xe đối phương hạ kính, đánh, và xịt hơi cay vào người lái, rồi bắt xóa clip khi biết anh này đang quay bằng điện thoại.

Sau khi clip xuất hiện trên mạng, báo chí dẫn lại, công an đã vào cuộc. Vụ này xảy ra ở Thái Bình. Đúng là nó chả hợp với tên địa phương gì cả.

Nhiều người xem clip và phán đoán, với hai vụ trên, thủ phạm đều bị bắt khẩn cấp, thì vụ này, tính chất còn nặng hơn thế, xử dụng công cụ hỗ trợ, thì việc bắt giam là điều rất có thể.

Vấn đề là, có vẻ như những “tội phạm ô tô” này mới phát sinh từ hồi dân ta có nhiều ô tô cá nhân. Ở hai trường hợp trên, các đối tượng gây án đều “có điều kiện”, có ô tô, mà ô tô xịn. Cô gái trường hợp sau còn như một tiểu thư, nhìn cô ấy khóc khi bị công bố lệnh bắt giam người viết bài này cũng thấy lòng mình chùng xuống, và thương. Nhưng ai bảo gieo gió thì giờ gặt bão thôi.

Còn vụ ba, chặn đầu xe nhau để gây sự thì lâu nay cũng từng có rồi, nhất là các xe khách tranh khách của nhau. Nhưng sử dụng “vật như bình xịt” thì quả là hơi hiếm.

Nó nói lên điều gì?

Ấy là hiện nay chúng ta rất dễ nổi nóng. Thay vì bình tĩnh nói chuyện, xin lỗi nhau, làm hòa, hoặc “giữ nguyên hiện trường” mời cơ quan chức năng tới, thì chúng ta tự xử lý, tự giải quyết, và đa phần là không qua “phần đệm” tức phải giải thích lằng nhằng, mà chúng ta xông thẳng ngay tới “giải pháp cuối cùng” là nắm đấm hoặc vũ khí thô sơ.

Đa phần các cuộc va chạm trên đường ở Việt Nam người ta ít bình tĩnh giải quyết, mà sử dụng bạo lực ngay. 

Bây giờ thì có thứ vũ khí mới là chính... ô tô. Dùng ô tô của mình tông vào ô tô đối phương. Cái này thì quá hiện đại và xa xỉ nữa

Và phương pháp cũng mới, là... xịt lốp xe, để đối phương không chạy được.

Mà nổi nóng, nó chỉ vài chục giây tới vài phút là hết.

Những “phương pháp mới” kia nó tốn khá nhiều thời gian, tức thời gian đủ để hạ hỏa, nhưng người ta vẫn cương quyết không hạ hỏa, thậm chí hun đúc thêm cho nó hừng hực, áp dụng triệt để nguyên tắc “liên tục tấn công”, nên đã tông một lần rồi, còn cẩn thận cài số lùi, rồi lại lên số tiến, xông tới. Hoặc bình tĩnh ngồi xịt lốp xe, không chỉ một lốp thì phải, rồi sai người quay lại ô tô lấy bình xịt... vân vân.

Hay là sự nổi nóng bây giờ nó cũng bị ảnh hưởng bởi... biến đổi khí hậu nên nó khác sự nổi nóng ngày xưa. Nó cẩn thận, nó chỉn chu, nó khoa học, nó lớp lang, nó điềm tĩnh và lạnh lùng.

Và tất nhiên, trời ạ, cái còng số tám cũng lạnh lùng.

Tôi, khi đi trên đường, luôn tự nghĩ mình chỉ là con kiến. Điềm tĩnh và nhẫn nhịn, dẫu có người nói, lái xe ở Việt Nam, không chửi tục không thể lái được.

Và tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy khá nhiều tài xế khi bị cảnh sát giao thông vẫy lại, việc đầu tiên là lăm lăm điện thoại quay clip, việc thứ hai là... cãi.

Tôi mà bị vẫy, sẽ rất nhũn nhặn xuống xe, chào hỏi đàng hoàng rồi hỏi: anh/ chú bị lỗi gì đấy em/ cháu?

Tất nhiên những người hay cãi và quay clip khi bị vẫy lại nhiều khi họ cũng có lý của họ.

Nhưng gì thì gì, tôi nghĩ không nên nổi nóng. Và vì thế tôi gọi đấy là sự “nổi nóng lãng xẹt”.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.