Nông nghiệp tăng tốc cán mốc xuất khẩu 54 tỷ USD

Add
Ngày 28/6, Bộ NN&PTNT tổ chức Họp báo thường kỳ quý II năm 2024. Với kết quả đạt được của 6 tháng đầu năm, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của toàn ngành nông nghiệp năm 2024 rất khả quan đạt 54 tỷ USD.
nong-nghiep-tang-toc-can-moc-xuat-khau-54-ty-usd-dulichvn-1719576439.jpg
Toàn cảnh cuộc Họp báo thường kỳ quý II của Bộ NN&PTNT - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, triển khai kế hoạch 6 tháng đầu năm 2024 của ngành nông nghiệp có những thuận lợi, thách thức đan xen, trong đó có yếu tố tác động của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam…

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT và toàn ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.

Nhờ vậy, nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, điều này khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, đóng góp quan trong vào tăng trưởng GDP của cả nước.

Ông Tiến khẳng định, với giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản nửa đầu năm ước khoảng 20,92 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành nông lâm ngư nghiệp trong nửa đầu năm 2024 đạt khoảng 8,28 tỷ USD, tăng 62,4% so với cùng kỳ năm trước…mục tiêu từ nay đến cuối năm ngành nông nghiệp chắc chắn xuất khẩu nông sản sẽ cán đích 54 tỷ USD.

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo các đơn vị của Bộ NN&PTNT đã trả lời nhiều vấn đề được xã hội quan tâm.

nong-nghiep-tang-toc-can-moc-xuat-khau-54-ty-usd-1-dulichvn-1719576613.jpg
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Vừa qua Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã có khiến nghị về thủ tục cấp giấy xác nhận nguyên liệu thuỷ sản khai thác (S/C) tại các cảng cá. Ở nhiều nơi đang kéo dài và mất rất nhiều thời gian, thậm chí hàng tháng ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và xuất khẩu hàng hoá.

Trả lời vấn đề này, ông Nhữ Văn Cẩn, Phó cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, do đã có những sai sót nên vừa qua một số địa phương đã thận trọng hơn trong cấp giấy xác nhận. Điều này làm cho thời gian cấp bị tăng lên.

Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ông Nhữ Văn Cẩn cho biết, Cục Thủy sản đã triển khai phần mềm truy xuất điện tử. Cục Thủy sản đã tổ chức các lớp tập huấn và triển khai ở 28 tỉnh thành ven biển, nhất là cho các ban quản lý cảng cá, bộ đội biên phòng…

Việc triển khai phần mềm truy xuất điện tử được Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá cao. Việc truy xuất điện tử cũng sẽ đảm bảo sự tin cậy, minh bạch trong việc cấp giấy chứng nhận cũng như góp phần khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" của EC, ông Nhữ Văn Cẩn chia sẻ.

Trước vấn đề một số diện tích lúa ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang bị nhiễm mặn, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho thấy, vụ Đông Xuân 2023-2024 và vụ Hè Thu có khoảng trên 2ha bị nhiễm mặn và cùng một vị trí. Khu vực lúa bị nhiễm mặn gần với khu vực xây dựng đường cao tốc. Để đánh giá thiệt hại ở vụ Hè Thu thì cần phải chờ đến cuối vụ.

Về xác định nguyên nhân, ông Nguyễn Như Cường cho rằng, đây là vấn đề khó, cần có sự đánh giá hệ thống và toàn diện. Việc xác định này cần có thời gian.

"Nếu họ sử dụng cát biển thì cần đánh giá không chỉ ở khu vực này mà cả ở các khu vực khác để đánh giá tổng quan và mang tính chất khái quát. Việc đánh giá này cần sự vào cuộc của các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học", ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.

Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá

Kết quả thực hiện đối với ngành trồng trọt, trong 6 tháng đầu năm, cả nước gieo cấy 5,03 triệu ha lúa, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 28/6, cả nước đã thu hoạch 3,48 triệu ha lúa, tăng 0,5%; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch đạt 23,3 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Diện tích và sản lượng nhiều loại cây ăn quả chủ lực tăng, như: Sầu riêng 487,7 nghìn tấn, tăng 20,3%; Xoài 629,4 nghìn tấn, tăng 2,3%; Cam 519,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; Quýt 65,9 nghìn tấn, tăng 2,2%; Nhãn 199,6 nghìn tấn, tăng 2,9%. Một số giảm như: Vải 134,3 nghìn tấn, giảm 7,3%; Nho 14,6 nghìn tấn, giảm 7,6%; Thanh long 581,1 nghìn tấn, giảm 1,9%; Chôm chôm 186 nghìn tấn, giảm 1%.

nong-nghiep-tang-toc-can-moc-xuat-khau-54-ty-usd-dien-dan-du-lich-dulichvn-1719576935.jpeg
Tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm ướckhoảng 20,92 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành trong nửa đầu năm đạt khoảng 8,28 tỷ USD, tăng 62,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với ngành chăn nuôi, trước nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm (đặc biệt là dịch Tả lợn Châu Phi), Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024 về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Bộ đã tăng cường chỉ đạo các địa phương ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nhờ đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định: Đàn lợn ước tăng 2,9%; sản lượng thịt hơi 2,54 triệu tấn, tăng 5,1%. Đàn gia cầm ước tăng 2,3%; sản lượng thịt hơi 1,21 triệu tấn, tăng 4,9% và trứng gần 10,1 tỷ quả, tăng 5,1%.

Thông tin về ngành lâm nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay cả nước đã chuẩn bị 593 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng; diện tích rừng trồng mới tập trung 125,5 nghìn ha, tăng 1,2%; trồng phân tán 40,8 triệu cây, tăng 0,5%. Tổng số tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng đạt 1.513,84 tỷ đồng (đạt 47,3% kế hoạch năm); lũy kế đến nay diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) 506.934 ha (vượt 1,39% so với mục tiêu đến năm 2025).

Đối với ngành thủy sản, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho cả nuôi trồng và khai thác thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản đạt 4,38 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Khai thác 1,95 triệu tấn, tăng 1% (khai thác biển 1,86 triệu tấn, tăng 0,9%); Nuôi trồng 2,43 triệu tấn, tăng 4,1% (cá tra 831,8 nghìn tấn, tăng 5,4%; tôm sú 122,1 nghìn tấn, tăng 2,3%; tôm thẻ 332,7 nghìn tấn, tăng 5,6%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 29 tỷ USD

Về xuất khẩu nông lâm thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin, trong quý 2 năm 2024, Bộ đã tập trung triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ cuối năm 2023 (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU), mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Châu Phi...

Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm nông sản chính 15,76 tỷ USD, tăng 24,4%; lâm sản chính 7,95 tỷ USD, tăng 21,2%; thuỷ sản 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%; sản phẩm chăn nuôi 240 triệu USD, tăng 3,8%. Riêng đầu vào sản xuất 904 triệu USD, giảm 1,8% và muối 2,3 triệu USD, giảm 1,7%.

Đóng góp vào kết quả đó, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ). Trong đó gạo và hạt điều là hai sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu: Gạo 4,68 triệu tấn (tăng 10,4%), giá trị 2,98 tỷ USD (tăng 32%); hạt điều 350 nghìn tấn (tăng 24,9%), giá trị 1,92 tỷ USD (tăng 17,4%). Riêng xuất khẩu cà phê tuy giảm về khối lượng (đạt 902 nghìn tấn, giảm 10,5%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 50,4% nên giá trị xuất khẩu đạt 3,22 tỷ USD (tăng 34,6%).

Tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm ướckhoảng 20,92 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành trong nửa đầu năm đạt khoảng 8,28 tỷ USD, tăng 62,4% so với cùng kỳ năm trước.

Từ những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, trên cơ sở dự báo những khó khăn, thách thức và thuận lợi, cơ hội đối với ngành nông nghiệp, nông thôn trong 6 tháng cuối năm; để hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ và nhiều giải pháp.

Đối với trồng trọt: Chỉ đạo sản xuất lúa vụ Hè Thu, vụ Thu Đông và vụ Mùa phù hợp với diễn biến thời tiết và thị trường. Theo dõi sát sản xuất các cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt đối với cây ăn quả chủ lực (như thanh long, nhãn, sầu riêng, xoài, chôm chôm) để có chỉ đạo rải vụ phù hợp, tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận (an toàn, GAP).

Ngành chăn nuôi sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm theo chỉ đạo tại Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ (đặc biệt là các bệnh DTLCP, bệnh LMLM, cúm gia cầm, viêm da nổi cục…). Tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.

Ngành thuỷ sản tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư và Chương trình hành động, Kế hoạch của Chính phủ số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thuỷ sản; chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của EC.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng: Với kết quả 29 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, chắc chắn cả năm sẽ hoàn thành mục tiêu 55 tỷ USD, thậm chí có thể đạt 56-57 tỷ USD.

Tú Quyên (t/h)