Nuôi con kiểu... “lười“

Admin
(PNTĐ) - “Một kỳ nghỉ hè dài đã đến. Không biết nhà các chị em thế nào chứ nhà mình ăn chơi cùng con quần quật từ 5h sáng: Hết bơi lội, lại yoga, đưa con đi ăn, đi du lịch, chuẩn bị lại đăng ký cho các bạn ấy người bóng rổ, người bóng bàn. Sau đó chợ búa trong cái nắng 35-360C, mình bắt đầu lên cơn... lười”.

Những bà mẹ… lười

Đó là tâm sự của chị Hoàng Vân (ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên) về những ngày đầu tiên trong kỳ nghỉ hè của các con. Ngày thường, trong năm học, việc học hành chiếm hết thời gian của con nên chị thường không bắt con phải làm gì. 2 con của chị Vân đã quen với việc được mẹ đổi món ăn hàng ngày. Thế nên, khi vào hè, ngày nào cũng cơm rau luộc ăn cùng trứng rán, “chúng không chịu được”, chị bảo. Vậy là tận dụng cơ hội này, chị Vân bảo các con, “các con thích ăn ngon thì tự nấu đi, cả năm các con đi học, mẹ đã nấu suốt rồi. Bây giờ 2 đứa trổ tài, không biết nấu món gì thì mẹ sẽ dạy”.

Được cái nhà có hai chị em sát tuổi nhau nên lời đề nghị này của mẹ nhanh chóng được cả hai đồng tình. “Thế là, mẹ vừa ngồi vẽ tranh thư giãn giờ nấu cơm, vừa dạy con nấu ăn. Sau khoảng 3 ngày thì “trình” các bạn ấy cũng đã lên tay khá rõ, có thể thiết kế một bữa ăn đơn giản nhưng đủ chất, dù khoản đẹp mắt, ngon miệng thì mới chỉ ở mức khá thôi. Bữa nào cô chị nấu thì cậu em rửa bát và ngược lại. Với riêng mẹ thì bữa nào các con nấu mẹ ăn cũng thấy ngon miệng hết”, chị Vân cười. Được mẹ chỉ cho cách nấu, nên các con của chị Vân bây giờ có thể nấu được những món như: Đậu non sốt nấm thịt bằm, thịt bò xào súp lơ cà rốt, canh khoai sọ rau rút ninh xương, gà xào sả ớt… Niềm vui “được giải phóng sức lao động” hiện rõ trên gương mặt người mẹ… lười.

Nuôi con kiểu... “lười“ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bé Hồng Vy nhà chị Bùi Phương Thanh (phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm) vừa kết thúc năm học lớp 2 với thành tích vượt trội hơn hẳn lớp 1. Theo mẹ bé, thành quả này có được có lẽ là nhờ hai vợ chồng đã “lười” hơn với con. Chị Thanh kể, bé Hồng Vy hồi mới vào lớp 1 tiếp thu bài khá chậm cho nên hai vợ chồng rất lo lắng và kèm cặp bé rất sát. Chị Thanh đọc rất nhiều sách nuôi dạy con, tìm hiểu các khóa học bổ ích cho con, đưa con đi học thêm mỗi tối, chăm con ăn đầy đủ mỗi ngày.

Học thì mẹ ngồi bên đọc đề và chỉ dẫn. Nhưng tình hình không được khả quan lắm khi bé không tiến bộ hơn là bao. “Đến khi bé vào lớp 2, vợ chồng mình nhận được một lời khuyên là hãy để bé tự tiếp thu, tự nhận thức và hai vợ chồng quyết định thử làm theo xem sao.  Kết quả là sau một thời gian để bé tự học, thi thoảng kiểm tra bài vở của con thấy bé có tiến bộ rõ rệt, bé làm đúng gần hết các bài tập toán và viết ít sai lỗi chính tả”.

Chị Thanh nhận ra rằng, ở trường con đã được các cô dạy đầy đủ, học giỏi hay không là do tư chất của mỗi bé, về nhà con cần được giải lao và vui chơi và không cần có thêm một cô giáo theo “chuẩn mẹ” ở nhà nữa, bố mẹ chỉ cần kiểm tra đôn đốc, uốn nắn thêm cho bé là đủ.

Lười biếng có mục đích cũng là cách mà người mẹ Ngọc Ánh (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) rèn cho con của mình. “Nhà mình bạn lớn 12 tuổi, bạn nhỏ 8 tuổi, sáng bố mẹ đi làm, 2 bạn nhỏ ở nhà dọn dẹp nhà cửa, xếp và phơi quần áo, tự quyết định nấu món gì cho bữa trưa, chiều với những thứ có sẵn... Đặc biệt, hè mình không cho con đi học thêm, mua sách về tự học và làm bài tập, chỗ nào không biết thì hỏi. Chị dạy em, mẹ sẽ dạy chị. 2 bạn tự lên thời gian biểu trong ngày, mình không can thiệp vào việc này mà chỉ nhắc là phải làm cho được những gì còn trong kế hoạch”.

Từ khi nghỉ hè tới giờ, cứ thế mà làm, vợ chồng chị Ánh yên tâm đi làm từ sáng đến chiều. Ông bà hoặc khách đến chơi nhà đều khen 2 bé ngoan, biết giúp mẹ. “Mình cười và nói rằng chắc tại mẹ lười”, chị Ánh vui vẻ cho biết.

Nuôi con kiểu... “lười“ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Mẹ lười thế nào để con tự lập, tự giác?

Theo các chuyên gia, những bà mẹ lười ở đây là những bà mẹ có sự sáng suốt, lý trí trong cách dạy con tự lập. Họ biết cách từ bỏ việc phải chăm chút đến con 24/24, bỏ đi những bận rộn vốn dĩ không nên có trong cách chăm con để cho bản thân thoải mái và con cái từ đó cũng rèn được thêm các kỹ năng sống. Thậm chí, họ có thể “quẳng” đi những cuốn sách nuôi dạy con với đầy lý thuyết để “nhìn con sửa mình”, cho con cái không gian tự do vui chơi, sáng tạo và tự xử lý các vấn đề. Nhưng nuôi con bằng cách này, mỗi người mẹ đều phải hết sức kiên trì và dũng cảm.

Câu chuyện của chị Quỳnh Hoa là một ví dụ. “Mình là một người mẹ lười. Lười vì mình không ngồi vào bàn kèm con học hay kiểm tra bài vở của con mỗi ngày. Mỗi ngày con tự đi học, tự ăn uống, chuẩn bị đồ đến trường, đi học về tự vệ sinh cá nhân rồi tự ngồi vào bàn học. Mình không đánh giá, không phán xét, không cáu giận chuyện con đi học, không so sánh con với các trẻ khác, không gây áp lực buộc con phải đạt thành tích nọ kia. Điều mình quan tâm là hôm nay con đi học có vui không, có vấn đề gì không…”, đó là cách chị giải thích về sự lười nuôi con của mình.

Đổi lại, chị chưa bao giờ ngại hay lười trong các hoạt động hàng ngày cùng con.  “Tuổi nào cũng có những áp lực và khó khăn riêng cần giải quyết, nhưng trẻ con khác người lớn ở chỗ, chúng chưa có đủ kinh nghiệm để giải quyết vấn đề của mình. Bởi vậy, chúng cần cha mẹ là hai người bạn tin cậy nhất ở bên cạnh, đồng hành cùng chúng, định hướng cho chúng”, chị nói.

Nuôi con kiểu... “lười“ - ảnh 3
Ảnh minh họa

Vì thế, người mẹ lười này thay vì làm hết mọi việc cho con thì đã rèn con tự lập từ sớm. “Lúc còn sơ sinh, mình rèn con tự ngủ, 6 tháng tuổi bắt đầu tập ăn. Một tuổi, con biết ngồi ngay ngắn trên bàn, sử dụng đũa thìa thành thạo, nhai nuốt gọn gàng. 2 tuổi, con biết rửa chiếc bát của mình sau khi ăn xong, biết vệ sinh cá nhân. 3 tuổi, con được dạy về cách liên lạc với gia đình, dạy nhớ số nhà, dạy cách bảo vệ bản thân”- chị nói.

Chị Hoa nghĩ rằng, tập luyện cùng con cũng chính là tập luyện và phát triển cho chính bản thân mình.

Lớn thêm một chút nữa, các con của chị Hoa được mẹ dạy nấu ăn, cách sống gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ. “Dù lười nhưng gia đình mình không bao giờ để bát bẩn qua đêm cũng sẽ không đi ngủ khi nhà cửa chưa lau dọn sạch sẽ, đồ đạc chưa trở về đúng vị trí. Đó cũng là cách mình rèn con sống có trách nhiệm với gia đình, với mọi người”, chị cho hay.

Theo chị Hoa, lười biếng ở đây là bố mẹ đứng lùi lại, cho phép con được tự đối mặt với thách thức và vượt qua khó khăn, thay vì nhanh chóng chạy đến và giúp đỡ con gạt bỏ mọi chướng ngại vật trước mắt. Nuôi dạy con theo kiểu lười biếng không dễ dàng, đòi hỏi cha mẹ phải thật kiên nhẫn. “Nhưng mình thấy, dạy con thêm một điều, mẹ nhàn hơn một chút, cho mình được lười đi một chút mà con lại thưởng thức cuộc sống thêm một điều ý nghĩa nữa. Những hành trang nhỏ bé ấy, mình tin sẽ giúp con trở thành người tử tế, sống có mục đích, có đủ giá trị yêu thương khi bước vào đời”- bà mẹ hai con cho hay.