Phú Thọ: Ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy du lịch phát triển

Hoàng Huyền
Theo xu hướng tất yếu của ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, ngành du lịch Phú Thọ đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin. Qua đó góp phần quảng bá hiệu quả hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh đến với du khách.

phu-tho-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-de-thuc-day-du-lich-phat-trien1-dulichgiaitri-du-lich-1656408645.png
Quảng bá du lịch Phú Thọ trên website dulichphutho.com.vn

Ngành du lịch Phú Thọ hiện đã thực hiện công tác truyền thông, quảng bá du lịch qua xây dựng hệ thống website tại các địa chỉ: dulichphutho.com.vn; svhttdl.phutho.gov.vn; dulichtaybac.vn.., thông qua các fanpage mạng xã hội như: Sản phẩm du lịch Phú Thọ; Du lịch Phú Thọ; Trungtamthongtinxuctiendulich Phú Thọ… Từ đó đưa hình ảnh du lịch Phú Thọ đến gần du khách, cũng như đưa các doanh nghiệp du lịch kết nối cộng đồng du lịch toàn cầu một cách nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí và thời gian.

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2022, tại các khu, điểm du lịch của huyện Thanh Thủy như: Đảo Ngọc xanh, Vườn vua resort, Bamboo Resort, Tre nguồn resort, Thanh Lâm resort… cho đến các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn huyện đều đã được các đoàn khách đặt trước trong 4 ngày nghỉ lễ. Tại khu du lịch Đảo Ngọc xanh đã có khoảng hơn 30.000 lượt khách (chiếm 1/3 tổng số lượt khách của cả tỉnh dịp này) đến vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng. Để có được kết quả ấn tượng đó, huyện Thanh Thủy đã đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh du lịch trên các phương tiện truyền thông như website của huyện, qua các cơ quan báo chí truyền thông của tỉnh và của trung ương. Cũng như tăng cường liên kết với website các công ty du lịch, các trang web đặt phòng khách sạn trực tuyến. Thực tế cũng cho thấy, sau khi đẩy mạnh việc ứng dụng du lịch thông minh thì du khách đến với huyện nhiều hơn.

Fanpage của Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Phú Thọ đến nay đã có gần 10.000 người theo dõi thông tin. Ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc Trung tâm cho biết: Hiện thông tin về các sự kiện, chương trình mở cửa, phục hồi, thu hút khách du lịch đến Phú Thọ được cập nhật liên tục trên fanpage do trung tâm quản lý, vận hành. Bên cạnh đó, trung tâm cũng hỗ trợ doanh nghiệp du lịch viết bài quảng bá miễn phí trên website và fanpage của đơn vị.

phu-tho-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-de-thuc-day-du-lich-phat-trien2-dulichgiaitri-du-lich-1656408692.jpg
Đồi chè ở xã Long Cốc, huyện Tân Sơn được quảng bá mạnh mẽ trên mạng xã hội

Cùng với các cơ quan nhà nước, hầu hết các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đều ứng dụng mạng xã hội mạng (Facebook, Zalo, Instagram) để quảng bá, tuyên truyền, giúp các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh hiệu quả. Từ đó, một số địa chỉ du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm sinh thái cũng nổi lên nhờ các tính năng này của Facebook, Zalo...

Chia sẻ những tiện ích trong việc bắt kịp xu hướng mới để quảng bá du lịch, ông Hà Văn Luận, người điều hành khu nghỉ dưỡng Đồi chè Long Cốc, huyện Tân Sơn cho biết: Việc quảng bá Đồi chè Long Cốc trên mạng xã hội giúp tôi gửi những thông tin, hình ảnh cho bạn bè và khách hàng trong và ngoài nước để họ có cái nhìn tổng quan, thực tế khi chuẩn bị đến Long Cốc. Những bài đăng giới thiệu điểm đến, các chương trình ưu đãi cụ thể đã thu hút lượng tương tác lớn của khách hàng.

Cùng với du lịch, việc ứng dụng CNTT cũng được ngành văn hóa của tỉnh tích cực triển khai để vừa làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ, vừa góp phần quảng bá văn hóa, du lịch tâm linh của Phú Thọ, giúp du khách có thể tìm hiểu các thông tin về các danh lam thắng cảnh, các di tích văn hóa một cách thuận lợi và đơn giản trên mạng internet.

Tiêu biểu phải kể đến Ứng dụng du lịch thông minh “Đền Hùng” do Sở Thông tin - Truyền thông Phú Thọ và Khu di tích lịch sử Đền Hùng thực hiện ra mắt năm 2019 và được nâng cấp phiên bản mới năm 2022. Chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối Internet, người dân tải ứng dụng “Đền Hùng” trên App Store, CH Play/Google Play hoặc truy cập đường link. Ứng dụng giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm đầy đủ thông tin về Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng với các công trình kiến trúc văn hóa, tín ngưỡng như: Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Cột đá thề, chùa Thiên Quang, Lăng Vua Hùng, Đền Giếng, Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ, Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân…

phu-tho-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-de-thuc-day-du-lich-phat-trien3-dulichgiaitri-du-lich-1656408725.png
Ứng dụng Đền Hùng giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm đầy đủ thông tin về Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng

Bên cạnh đó, là thông tin về các dịch vụ, tour du lịch, các điểm lưu trú, ẩm thực, mua sắm đáng tin cậy; giới thiệu các lễ hội truyền thống, danh lam thắng cảnh đặc sắc khi về thăm thành phố lễ hội và vùng Đất Tổ… với đầy đủ tính năng gọi điện thoại liên hệ và hướng dẫn đường đi gần nhất đến địa điểm mong muốn. Đồng thời, trên ứng dụng cũng có tính năng công đức để giúp đồng bào, du khách hành hương về Giỗ Tổ và tất cả người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đều có thể thực hiện công đức mọi lúc, mọi nơi theo hình thức trực tuyến đến số tài khoản ngân hàng tiếp nhận xây dựng, tu bổ Đền Hùng của Khu di tích.

Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Việc ứng dụng CNTT để hỗ trợ cho việc tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến cũng như thúc đẩy các hoạt động du lịch là hết sức cần thiết. Do đó, Sở đã tăng cường sự chủ động, tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi cách thức hoạt động đối với đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch mới; khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, sử dụng các tiện ích để phục vụ tốt hơn đối với người dân và du khách.

Theo nhận định của các chuyên gia, ngành du lịch đang chủ động và tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, việc đầu tư cho ứng dụng CNTT sẽ giúp du lịch của Phú Thọ bắt kịp với sự phát triển của du lịch khu vực và trong cả nước.

Theo Cổng TTĐT Phú Thọ