Tôi có việc ở Sài Gòn, rồi tranh thủ xuống Cần Thơ chơi với cháu ngoại mấy hôm. Nói là chơi với cháu nhưng thực ra là... chơi một mình, vì chúng đi học từ 6 giờ sáng tới 5 giờ chiều, ăn sáng, trưa ở trường, tối thì tự học, chơi với chúng được mỗi ngày 1 tiếng là mừng.
Thế nên bèn tranh thủ đi loanh quanh. Mỗi lần tới một tỉnh nào đấy, tôi thường tranh thủ đi thêm vài tỉnh lân cận, rất thích. Trước thì miền Bắc, khi ra Hà Nội bao giờ cũng kiếm cớ lân la vài tỉnh, cứ thế mà rồi đã hết miền Bắc. Trước 1975 tôi sống ở miền Bắc, rất mê mùa thu và mùa đông ngoài ấy, thích nhất là mùa đông, dù tôi bị viêm họng mạn tính. Một hồi, cứ cuối năm là tôi lại kiếm cớ ra miền Bắc hưởng đông.
Gần đây con gái về Cần Thơ sống, thì tôi lại tranh thủ mỗi lần xuống thăm con cháu, cũng loanh quanh vài tỉnh. Nhiều lần loanh quanh thì thành nhiều tỉnh. Miền Tây được cái là các tỉnh rất gần nhau, nên có lần tôi với cố nhà văn Nguyễn Đức Thọ, từ Đồng Nai đi xe máy, 4 ngày được... 7 tỉnh, và tới đâu cũng... nhậu, tất nhiên thời ấy chưa có món "một trăm"- cấm bia rượu khi lái xe.
Sáng sớm, ông con rể bảo, con đi Kiên Giang có việc, ba có đi con "thồ" đi luôn. OK đi ngay chứ xá gì, mấy chục năm nay đã thực hiện "một điểm đến nhiều hướng đi", tức tới đâu đều không lấy vé khứ hồi, để tranh thủ đi vài nơi lân cận nữa, thì lần này xá gì dù mỗi năm tuổi tác mỗi khác.
Thế nên nó nói chưa dứt câu là đầu bố vợ đã gật hơn bổ củi.
Mất hơn 40 phút loanh quanh trong thành phố Cần Thơ để đưa 3 đứa nhỏ đi học, 2 trường khác nhau, đưa vợ tới cơ quan xong thì 2 bố con mới ăn sáng, cà phê. Cần Thơ giờ cao điểm được cái là cũng giống các đô thị khác, là... tắc đường, chính xác là xe vẫn... nhúc nhích được nhưng rất chậm. Lại nhớ hồi ông nào nói câu không phải tắc vì vẫn nhúc nhích được thánh thật. Nó không uống cà phê nên gần như bố vợ dốc tuột ly cà phê vào miệng để lên xe, một kiểu cà phê rất công nghiệp.
Những cái tên quen lần lượt hiện trên đường, những Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành vân vân. Cách đây hơn hai chục năm, tôi đã từng tới Kiên Giang, thủ phủ là Rạch Giá, rồi xuống tận Hà Tiên ngủ, vào thăm nhà nữ sĩ Mộng Tuyết, thi sĩ Đông Hồ, nghe sóng vỗ tơi bời trong giấc mơ...
Trên xe nói chuyện với con rể về những địa danh ở miền Tây. Ví dụ Giồng Trôm, Giồng Riềng..., tôi nghiêng về Giồng tức là vồng, như vồng khoai, vồng sắn, tức những luống đất cao lên để tránh lụt. Tất nhiên Giồng ở đây là những vồng đất cực lớn chứ không như vồng khoai vồng sắn...
Hay như Châu Thành, hầu như tỉnh nào cũng có, là những vùng nông thôn sát, gần đô thị, được giải nghĩa là địa phương (nông thôn) bao quanh, bao vây thành phố, đô thị. Nhưng ông con rể lại bảo vẫn có 2 tỉnh Nam bộ không có huyện Châu Thành là Bạc Liêu và Cà Mau. Đại loại cứ rỉ rả trên đường thế...
Và tôi kịp nhận ra, những con đường ở đây đẹp hơn lên rất nhiều nhờ những cây hoa Huỳnh Liên, có người bảo là Hoàng Yến, hoa màu vàng, thân gỗ được trồng rất nhiều bên đường. Xe trôi giữa hoa, giữa những cánh đồng đang tích nước chờ vụ mới, mà lại mưa rả rích, cứ nao nao một thuở xứ Bắc.
Những hàng huỳnh liên bên đường.
Chạy vào đường ven biển thành phố Rạch Giá, những khối nhà liền kề giống nhau từ kiểu dáng, màu sơn, ban công, cửa, cả những đường chỉ, và bằng nhau chằn chặn, chắc họ bảo vệ biển nên tất cả chỉ 2 tầng. Các khu nhà treo biển Hotel cũng y hệt thế. Lại nhớ mấy thành phố biển miền Trung, những tòa nhà lừng lững gieo bóng xuống mặt nước biển khiến dân không ngắm được biển đã đành, một số nơi còn rào đường lại không cho dân sở tại xuống tắm. Nên rất nể việc tỉnh Bình Định đã rất cương quyết di dời mấy cái khách sạn lớn từng là thương hiệu của Quy Nhơn. Có điều từ sự cương quyết tới ngày di dời có vẻ... hơi xa và hơi lâu.
Lần đầu tiên trong đời không cõng theo cái laptop thì lại rất nhiều việc bạn bè gọi phải xử lý ngay bằng laptop chứ điện thoại, dẫu Smartphone, vẫn thua.
Tới cái quán cà phê rất lớn và đẹp ngay bên bờ biển của khu đô thị mới, ông con rể mần thêm tô bún rồi đi làm việc bằng xe đối tác, để lại laptop và ô tô cho tôi xài.
Ngồi làm vài việc tới lúc ngẩng lên thì đã hơn 12h, hỏi cháu nhân viên ở đây có gì ăn trưa, nó bảo dạ có bún nhưng hết lúc 11h rồi.
OK không sao, tớ già nhưng đi bụi thành thần. Bỏ laptop vào ô tô khoá lại, tôi đi bộ dưới mưa lâm thâm như mưa xuân miền Bắc, quá trữ tình chứ lại. Cái chính là liên tục 2 buổi sáng qua và nay không đi bộ thể dục được vì phải dậy di chuyển sớm, nên bèn tranh thủ đi và ngắm...
Ở Kiên Giang tôi quen 2 nữ nhà văn, đã từng ăn nằm, ấy chết bập bập, ăn nhậu vài lần, nhưng một bạn thì đang có đại tang, một bạn tận huyện Hòn Đất, cái huyện nổi tiếng nhờ nhà văn Anh Đức, có nhân vật chính là chị Sứ và "thằng" Săm ấy. Bạn nhà văn này là chủ một vườn cò nổi tiếng, giờ là một trong những khu du lịch có tiếng của Kiên Giang, nên đều trong diện không gặp được. Mà làm khách lạ một mình ở thành phố không người quen cũng hay mà.
Thực ra như đã nói, tôi đã tới Rạch Giá, xuống cả Hà Tiên ngủ đêm, nhưng khá lâu rồi, cái thời còn rất khó khăn, xuống ngủ được một đêm Hà Tiên là phải tính toán mãi. Nhìn sang bên kia là đất Campuchia, ăn trái sầu riêng Thái đầu tiên trong đời thấy nó ngon chi lạ... có thể vì vừa ngồi chồm hổm ăn vừa nhìn sang... vịnh Thái Lan chăng? Thì đặt đầu đề bài này là "Rạch Giá một chuyến về" là vì thế.
Khu này toàn nhà biệt thự kín cổng cao tường, các khách sạn cũng nhỏ, 2 tầng cùng mẫu kiến trúc chung như thế, biết sẽ không có quán ăn nhưng vẫn đi một vòng cho biết và đủ cây số, để điện thoại nó không léo nhéo: hôm qua bạn đã không đạt cự ly, hôm nay tới giờ vẫn chưa được mét nào, cố lên, bạn là chàng trai dũng cảm mà?
Rồi nhắm tới khu công sở, khu ấy mới nhiều quán ăn. Kia rồi, toà nhà của một ngân hàng lớn, bên cạnh là điện lực, dăm ba công sở nữa, tiến lên thôi.
Và gặp một nhà hàng cơm niêu, lịch sự, ấm cúng và thân thiện. Nào cho chú kêu, chỉ mình chú nhé, cơm cháy (đắt hơn không cháy hẳn 5 ngàn hihi), cá kèo kho rau răm, rau muống xào tỏi. Chú uống gì? Một chai nước suối. Nhớ đoạn tôi viết về mẹ mới in báo Ninh Bình "Ninh Bình ký ức mẹ" tả đưa mẹ đi ăn nhà hàng, kêu cơm niêu, cá kho, rau xào, canh cua cà muối, bia lon nước suối, đã giấu lúc tính tiền mà bà phát hiện ra bảo: ngày xưa chúng tôi cơm niêu nước lọ khổ quá mới đi phản đế phản phong, giờ quay một vòng về các anh lại nước lọ cơm niêu. Những món này xưa tôi nấu ngon gấp mấy lần mà các anh cứ gẩy gẩy, ép mãi mới hết bát cơm, các anh chả nghe anh Ăng Ghen anh Mác nói gì cả? Tôi lè lưỡi hỏi ông em ruột, thường vụ huyện uỷ, rằng hai bác ấy nói gì về cơm niêu nước lọ, nó lắc đầu: không biết.
Là ngồi tí thì nhà hàng biện cơm ra, và trời ạ, tôi đã xơi nhẵn lì, chả thừa tí gì cho... mèo. À có, một chén xì dầu. Nhà hàng đưa chén xì dầu ra, tôi bảo, cho chú chén nước mắm, xứ cháu là nước mắm nổi tiếng mà, nước mắm Phú Quốc ấy. Dẫu nước mắm Phú Quốc hơi ngọt, tới đây thì phải ăn, chứ nhà tôi toàn ăn nước mắm nhĩ Mỹ Thủy, Quảng Trị. Nước mắm nhĩ đúng nhĩ, hạt cơm rơi vào là nổi lềnh phềnh, các cô gái muốn môi đỏ, không cần son, chỉ nhấp một tí nước mắm cho ướt môi, đỏ chót ngay, lại tự nhiên ngay, có điều, khoản... hôn thì hơi khó, nhất là các ông tây.
Và, nó rẻ tới bất ngờ.
Tôi hay lái xe một mình, khó nhất là tới bữa vào quán ăn, một mình rất khó gọi món. Ở đây cũng thế. Và té ra, ngoài gọi món rất vừa miệng thì giá rất rẻ, tổng tất cả chỉ có 120 ngàn, đã có cả khăn, nước...
Thực ra là tôi mới chỉ men men Rạch Giá nhưng đã đầy những ấn tượng về thành phố này. Nơi đây cũng sinh ra nhiều người nổi tiếng mà cụ Nguyễn Trung Trực là tiêu biểu. Ngay tên gọi Rạch Giá cũng có nhiều giả thiết. Tôi thích cách giải thích rất Nam Bộ này: Là nơi có nhiều cây giá mọc thành rừng theo những con rạch chảy ra biển. Dân ta là thế, cứ đơn giản và trực quan thế, nhưng giờ trở thành địa danh quen thuộc.
Về tới Cần Thơ, tắm rửa xong, vào facebook thấy rất nhiều tin nhắn: em/ tôi/ cháu... ở Rạch Giá đây, mời cà phê, mời nhậu... búa xua. Vừa tiếc vừa... mừng, vì mình còn đi nữa, say một bữa sẽ mất hứng tới mấy ngày...
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả