Sầu riêng tại Tiền Giang tăng giá mạnh sau Tết Nguyên đán

Admin
Việc sầu riêng tăng giá mạnh mang lại niềm phấn khởi chung cho nông dân trước triển vọng một vụ thu hoạch mới bội thu.

Giá tăng gấp ba

Theo thông từ từ Báo Tin tức, hiện nay, tại Tiền Giang, sầu riêng đang hút hàng và được thương lái thu mua với giá từ 70.000 - 75.000 đồng/kg, tùy loại và địa bàn, tăng gấp ba lần so với tháng cuối năm 2021.

Đây là đợt tăng giá mạnh đối với sầu riêng - một trong những cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, theo nhiều nhà vườn, sản lượng trong dân chưa có nhiều do các vườn sầu riêng đang vào thời kỳ trổ hoa, xổ nhụy, khoảng vài tháng tới mới đến đợt thu hoạch rộ.

Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, giá sầu riêng ở Tiền Giang giảm xuống chỉ còn từ 20.000 đ đến 25.000 đ/kg, bà con lỗ năng. Do vậy, việc sầu riêng hút hàng, giá tăng mạnh mang lại niềm phấn khởi chung cho nông dân vùng chuyên canh trước triển vọng một vụ thu hoạch mới bội thu bù đắp phần nào những thua thiệt do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đối với sản xuất và đời sống vừa qua.

Xu hướng thị trường - Sầu riêng tại Tiền Giang tăng giá mạnh sau Tết Nguyên đán

Giá sầu riêng tăng mạnh giúp người nông dân bù đắp phần nào những thua thiệt do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đối với sản xuất và đời sống vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Ghi, canh tác 3.500 m2 sầu riêng giống RI6 ở xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy cho biết, nông dân địa phương trồng phổ biến hai giống sầu riêng chủ lực là RI6 và Mong Thong chất lượng cao. Tuy nhiên, tùy theo giống sầu riêng, thời gian cho thu hoạch khoảng 3 tháng (đối với RI6) hoặc 3 tháng 10 ngày (đối với Mong Thong) kể từ khi trổ hoa. Với việc nông dân áp dụng phổ biến kỹ thuật xử lý cho trái rải vụ, sầu riêng ở Tiền Giang có thể cho thu hoạch gần như quanh năm, tùy thời điểm nhiều hoặc ít mà thôi.

Theo ông Ghi, tiếc là trong thời gian này, hầu hết các khu vườn sầu riêng đều chưa tới lứa thu hoạch. Trong khi với năng suất bình quân 25 tấn/ ha, mỗi ha sầu riêng thu hoạch đúng vào thời điểm hiện nay sẽ cho lợi nhuận lên đến hàng tỷ đồng.

Còn ông Nguyễn Văn Hiếu, trồng 2.000 m2 sầu riêng ở xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy) cũng cho biết, những ngày qua, thương lái tới tận vườn lùng mua sầu riêng nhưng vườn nhà ông nói riêng, khu vực xã Cẩm Sơn nói chung chưa có sản phẩm tham gia thị trường. Dự kiến phải đến tháng 3 âm lịch trở đi, tại địa phương, sầu riêng mới vào đợt thu hoạch rộ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, tỉnh đã xây dựng được vùng chuyên canh sầu riêng trên 14.000 ha, tập trung tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây là: Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước, thị xã Cai Lậy; trong đó riêng huyện Cai Lậy có diện tích lớn nhất, khoảng 9.000 ha. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể cho trái “Sầu riêng Cai Lậy” ở Tiền Giang. Đây là cơ hội để nâng cao giá trị của sản phẩm trái cây đặc sản trên thị trường trong và ngoài nước.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết với năng suất bình quân khoảng 25 tấn/ha và giá bán dao động trong khoảng từ 50.000 đ đến 70.000 đ/kg, mỗi héc-ta sầu riêng cho nông dân lợi nhuận ròng từ 500 triệu đến hàng tỷ đồng/ ha, cao nhất so với các cây ăn quả đặc sản khác của địa phương như: thanh long, bưởi da xanh hoặc lúa năng suất cao, rau màu…

Giúp sầu riêng “tìm đường” chính ngạch sang Trung Quốc

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ năm 2010 đến nay, tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh, duy trì trung bình hàng năm hơn 16%.

Dẫn số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc trong 11 tháng năm 2021 đạt 809.000 tấn, trị giá 4,13 tỷ USD. Nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc chủ yếu từ Thái Lan.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng dưới dạng múi, đã tách vỏ và được cấp đông. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch. Việt Nam vẫn chưa đạt được Nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng với Trung Quốc.

Trao đổi với báo Công thương, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) - cho hay, nếu không xảy ra dịch Covid-19 thì việc đàm phán xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc đã kết thúc từ năm 2020. Trước đó, cơ quan chức năng hai bên đã đi đến những bước cuối cùng trong tiến trình đàm phán cũng như chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để có thể ký được Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch loại nông sản này. Tuy nhiên, mọi việc phải đình lại vì Covid-19.

Xu hướng thị trường - Sầu riêng tại Tiền Giang tăng giá mạnh sau Tết Nguyên đán (Hình 2).

Hiện nay, sầu riêng vẫn chưa được vào Trung Quốc theo đường chính ngạch.

Còn theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), để xuất khẩu trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, yêu cầu bắt buộc là sản phẩm phải được sản xuất từ vùng trồng và được đóng gói tại cơ sở do Bộ NN&PTNT cấp mã số, được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, muốn đi chính ngạch, doanh nghiệp Việt cần thực hiện nghiêm các quy định về truy xuất nguồn gốc, từ mã số vùng trồng đến mã số cơ sở đóng gói. Trong khi đây lại là khâu còn nhiều vướng mắc nhất. Muốn vậy, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp, việc hình thành những vùng nguyên liệu rộng lớn, liên kết với nông dân cũng đang được chú trọng.

Trung Quốc đã không còn là thị trường dễ tính. Do đó, việc thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng, giao dịch xuất khẩu và cách thức, quan điểm tiếp cận thị trường, từng bước chính quy hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh trái cây nói chung và trái sầu riêng sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững sang thị trường Trung Quốc.

Hiện các Bộ, ngành liên quan đã và đang phối hợp với phía Trung Quốc ưu tiên triển khai các thủ tục đánh giá rủi ro dịch bệnh, mở cửa thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng quả sầu riêng. Để đón đầu cơ hội xuất khẩu, các địa phương cũng đang xúc tiến đàm phán, xây dựng hồ sơ đề nghị phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng. Tại Lâm Đồng, nông dân đã chuẩn bị mọi điều kiện, trong đó có chất lượng sản phẩm, liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, gắn tem truy xuất nguồn gốc để đảm bảo tiêu chuẩn cho sản phẩm sầu riêng sẵn sàng xuất khẩu.

Tỉnh Bình Phước hiện có hơn 3.000ha sầu riêng. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và nông dân tại Bình Phước đã sớm nhận thấy tiềm năng từ thị trường Trung Quốc và thay đổi tư duy, chuỗi sản xuất. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước đã có lộ trình xuất khẩu trái cây chính ngạch vào Trung Quốc đối với loại trái cây này. Sở NN&PTNT tỉnh cũng sẽ tập trung hỗ trợ nông dân, tạo vùng nguyên liệu có mã vùng trồng để chuẩn bị và đảm bảo cho việc xuất khẩu đi Trung Quốc dễ dàng.

Với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, bên cạnh đó, việc các địa phương đã và đang từng bước hoàn thiện sản phẩm sầu riêng của mình cả về chất lượng thông qua việc sản xuất sầu riêng công nghệ cao cũng như xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng sầu riêng VietGAP có tem truy xuất nguồn gốc sẽ là những yếu tố quan trọng đảm bảo rằng sầu riêng của địa phương mình chắc chắn sẽ được xuất khẩu bằng con đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Hương Anh (tổng hợp)