Hôm qua tôi đọc bài báo ghi lời kể của anh tài xế Phượng Quầy Châu, người thoát chết trong vụ lở núi ở quốc lộ 34 nối huyện Nguyên Bình đi Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng) mà rùng mình. Anh này đúng là thoát chết nhờ... vợ, xứng đáng để phải kính nể vợ, tôn trọng vợ, thần phục vợ... suốt đời.
Vụ này đã khiến nhiều người cùng nhiều ô tô, xe máy bị vùi xuống vực, có tới 32 người chết một cách hết sức tức tưởi và đau thương, trong sự bất lực và khốn khổ.
Đêm tối mù mịt, đường bị tắc 2 đầu, mưa lạnh, và đói. Mấy chục con người dúm vào nhau suốt đêm, vài người kiếm được ít củi, dạt vào cái lán ven đường cố đốt lên có tí lửa để chờ sáng. Nhiều người đói vì chiều đi làm về chưa kịp ăn gì? Họ hy vọng sẽ có người cứu, sẽ có máy móc thông đường để thoát khỏi chỗ bị đất cầm tù.
Suốt đêm như thế, có cái máy xúc thông được chỗ tắc đầu tiên, lên 1 km lại tắc, cái máy xúc thứ 2 xuất hiện gạt đất, được một tí thì nó... hỏng, và tất cả chôn chân ở đấy.
Và chờ đến sáng hôm sau.
Và sáng hôm sau thì tai nạn xảy ra, 32 người bị vùi chết cùng nhiều ô tô xe máy.
Tôi cũng đã từng phải ngủ đêm giữa đường Hồ Chí Minh hồi lở núi ở Khâm Đức, bi tắc từ trưa tới 4h sáng hôm sau.
Hồi ấy tôi cũng từng ngạc nhiên vì sự cứu hộ rất chậm. Cái máy xúc bé tí được điều đến, làm một tí thì hỏng, lại chờ mãi mới có cái khác tới. Tối và mưa mù mịt, mình nó lủi thủi làm giữa đống đất cao như... núi, thực tế thì nó chính là quả núi sath xuống, hàng đoàn xe, rất nhiều xe khách, xếp hàng im lặng chịu đựng trong đêm, chả ai có thông tin gì, không ai nhận được thông tin gì. Thi thoảng một xe nổ máy bật đèn là cả đoàn xe rùng rùng nổ máy bật đèn. Một lúc không thấy gì lại tắt. Thì ra là một anh lái xe nào đấy nổ máy sạc ắc quy hoặc chạy máy lạnh, thế là... tưởng bở.
Hồi ấy tôi đã phải kêu lên trong một bài viết: "Vấn đề là, không có một thông báo, một kế hoạch, một giải thích nào được đưa ra cho những người khách trên hàng trăm chiếc xe kia, rằng tại sao tắc, đang xử lý thế nào, bao giờ có thể xong... Những hành khách trên mấy chục chiếc xe giường nằm xuyên Việt cứ im lặng chịu đựng.
Tài xế không biết, họ lại càng không biết. Mấy cán bộ trên các xe biển xanh không biết, tôi vừa là cán bộ vừa kiêm lái xe cũng không biết, chả ai biết gì, cứ âm thầm chịu đựng rồi đoán mò. Thi thoảng lại có tin đồn khi có những người rón rén hé cửa bước xuống giải quyết nhu cầu, rằng 2 giờ thông xe, rồi chuyển lên 3 giờ... Và cũng không dám ngủ ngon, cứ luôn trong tâm thế sẵn sàng nổ máy đạp ga nên giầy cũng không cởi, chỉ hạ ghế ra chập chờn.
Mà cái giống ghế lái, nó không cho người nằm xoay trở, chỉ một lát là mỏi, lại bật dậy ngồi...", và "Một điều quan trọng nữa, hành khách cũng cần được cứu hộ, cả tâm lý và sức khỏe, chứ không chỉ cứu hộ đường. Họ cần biết họ không bị bỏ rơi khi hoạn nạn, chỉ cần những thông báo, những lời động viên, chia sẻ. Các cụ ta xưa đã nói "xảy nhà ra thất nghiệp".
Họ qua đường, lạ nước lạ cái. Chúng ta là chủ nhà, chủ đường, biết hoặc biết lờ mờ, chia sẻ với họ, an ủi họ. Chả ai muốn chuyện xảy ra để phải (được) chia sẻ, an ủi, nhưng những lời hỏi thăm đúng lúc nó có giá trị biết bao. Mà có phải đâu chỉ vài chục người, dù vài chục cũng nhiều rồi, mà đây hàng mấy trăm người, nếu tính cả hai đầu có khi lên cả ngàn, rất nhiều trẻ em, trong suốt gần một ngày và một đêm giữa rừng…
Chưa kể ốm đau đột xuất, do thời tiết, do tâm lý, rồi chuyện vệ sinh, cho khách và cho cả những người dân sở tại ở đấy, khi mà cả mấy trăm con người với biết bao nhu cầu cá nhân"…
Trở lại chuyện ở Cao Bằng.
Anh Phượng Quầy Châu kể, vợ anh liên tục điện giục chồng bỏ xe đấy lội bộ về. Anh thì cứ nấn ná vì... tiếc cái xe. Nhưng cuối cùng, sau dọa nạt, sau giận dỗi và cả quát, mắng, vợ anh nói toẹt ra: "trên đỉnh núi gần nơi ông cùng mọi người đang trú chân có ba bể nước lớn rửa quặng, nếu sạt xuống thì không thể sống sót". Lúc này thì anh đành về, rủ cậu em vợ cùng đi. Trước khi đi anh có rủ thêm một số người nhưng họ ngại, nhìn núi đất khổng lồ trước mặt, trời thì mưa rét. Ai cũng nghĩ sẽ có lực lượng cứu nạn thông đường, và họ sẽ thoát chỗ này trên các phương tiện của họ.
Bài báo tường thuật: "Trong đêm mưa mù mịt, ông Châu cùng cậu em nắm chặt tay, dìu nhau qua đống bùn đất cao hàng chục mét. Bùn lún quá đầu gối, có những lúc tưởng chừng không rút được chân lên nhưng ông vẫn cắn chặt răng, rướn người thoát qua". Và nhờ thế 2 anh em anh Châu đã thoát, 32 người ở lại đã thành người xấu số.
Vấn đề làm chúng ta day dứt là, vợ anh Châu biết trên đỉnh núi có 3 cái bể nước lớn nhưng lúc ấy, trừ chị này ra không có ai cảnh báo cho những người đang bị tắc đường biết. Nếu người có trách nhiệm, tiếng nói có trọng lượng nói, tôi tin là có khó khăn tới mấy thì mấy chục con người này cũng sẽ bỏ lại phương tiện, bò, trườn, lội... qua chỗ nguy hiểm.
Sau này được biết thêm, không chỉ anh Phượng Quầy Châu, mà vài người trên chiếc xe khách sau này bị vùi ấy, cũng bỏ xe đi bộ, và thoát chết, trong đó có anh Nguyễn Đức Thịnh (thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình), cũng bỏ xe đi bộ rồi nhờ được xe container đi tiếp. Anh cũng bỏ xe đi khi biết trên đỉnh núi có 3 cái bể nước lớn người nước ngoài dùng để rửa quặng.
Cũng theo anh Thịnh, may mắn thoát chết cùng anh còn có hai mẹ con của một người phụ nữ đi cùng xe và một người phụ nữ trung niên tự xuống xe đi bộ vào sáng hôm sau.
Vụ này, ngoài xe khách 29 chỗ của nhà xe Việt Trang mà anh Thịnh đi và thoát chết, còn 2 ô tô 5 chỗ và khoảng 10 xe máy bị cuốn trôi, có cả cái xe của anh Phượng Quầy Châu.
Sẽ còn rất nhiều điều được rút ra, được mổ xẻ sau vụ thiên tai rất lớn này.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả