Sẽ “trẻ hóa” chương trình khai mạc “Những ngày Hà Nội tại Điện Biên“

Admin
(PNTĐ) - Vừa thành công với vai trò đạo diễn chương trình khai mạc “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh”, đạo diễn Phạm Hoàng Giang lại cấp tập chuẩn bị cho chương trình khai mạc “Những ngày Hà Nội tại Điện Biên” dự kiến diễn ra vào lúc 20h00 ngày 13/9/2024 tại quảng trường 7/5 thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với anh về chương trình cũng như tâm huyết đối với việc đưa hình ảnh Thủ đô Hà Nội lên sân khấu.
Sẽ “trẻ hóa” chương trình khai mạc “Những ngày Hà Nội tại Điện Biên“ - ảnh 1
Đạo diễn Phạm Hoàng Giang.

Sau dấu ấn của “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh”, anh lại đảm nhiệm vai trò đạo diễn chương trình khai mạc “Những ngày Hà Nội tại Điện Biên”, bên cạnh NSND Trần Ly Ly. Anh có thể tiết lộ một chút về chương trình sẽ khắc họa một Hà Nội ra sao tại Điện Biên được không? 

Chương trình Khai mạc “Những ngày Hà Nội tại Điện Biên” với Chủ đề "Hà Nội - Điện Biên vang mãi khúc khải hoàn" là một chương trình sẽ thể hiện được tinh thần, ý chí tự hào dân tộc và điều đặc biệt là chúng tôi sẽ làm trẻ hoá nội dung để truyền tải thông điệp, cũng như phù hợp với các đối tượng khán giả trẻ tuổi. Đích đến của chúng tôi là mong muốn thông qua chương trình này các bạn trẻ sẽ hiểu hơn về lịch sử, cũng như giá trị mà cha anh ta đã để lại. Cũng giống như khai mạc “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh”, sân khấu vẫn sẽ lấy Cột cờ Hà Nội làm điểm nhấn, kết hợp với đó những bậc thang thể hiện cho vẻ đẹp đặc trưng của Tây Bắc. Toàn bộ sân khấu sẽ được tái hiện theo dạng bán thực cảnh để khán giả có góc nhìn chân thật hơn.
Được biết, anh và ekip đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng với nhiều trăn trở cho chương trình khai mạc này, điều gì khiến anh tâm đắc với ý tưởng của chương trình?

Chương trình khai mạc “Những ngày Hà Nội tại Điện Biên” với chủ đề “ Hà Nội - Điện Biên vang mãi khúc khải hoàn” kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chỉ đạo nghệ thuật, Nhà hát Múa rối Thăng Long sản xuất, Tổng đạo diễn: NSND Trần Ly Ly; Phạm Hoàng Giang. 

Đó là sự kết nối mang tính lịch sử, từ chiến thắng Điện Biên Phủ để có bàn đạp dẫn tới Giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Nhưng để có được chiến thắng vang dội, hào hùng đó, rất nhiều các chiến sĩ đã ngã xuống, họ đã lấy xương máu để đổi lấy hòa bình cho dân tộc. Chúng tôi muốn khắc hoạ hình ảnh của sự Chiến thắng, và phía sau chiến thắng đó là những câu chuyện, những sự chia xa, những giọt nước mắt mà những người ở lại không thể nguôi ngoai. Để ngày hôm nay, chúng ta mãi mãi biết ơn cha anh đã đem đến hòa bình, độc lập, tự do cho chúng ta như thế nào. Chương trình được dàn dựng với sự tham gia của khoảng hơn 300 diễn viên và nghệ sĩ, đặc biệt chúng tôi sẽ đưa cả dàn nhạc giao hưởng lên Điện Biên để khắc hoạ sự trầm hùng như một "Bản giao hưởng thanh âm của núi". 

Để thực hiện việc ban nhạc chơi tại một sự kiện ngoài trời là điều không hề dễ dàng cho việc xử lý kỹ thuật, nhưng chúng tôi cũng đã chuẩn bị tất cả các giải pháp về kỹ thuật âm thanh tối ưu nhất về mặt kỹ thuật để đảm bảo chất lượng chương trình.

Sau thành công của Lễ khai mạc chương trình Festival áo dài Hà Nội 2023, rồi khai mạc “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh”, và bây giờ là “Những ngày Hà Nội tại Điện Biên”, cùng với nhiều chương trình nghệ thuật khác, Phạm Hoàng Giang dường như đã trở thành cái tên rất gắn bó với Hà Nội. Hình ảnh nào của Hà Nội luôn xuyên suốt trong các chương trình của anh?  

Sẽ “trẻ hóa” chương trình khai mạc “Những ngày Hà Nội tại Điện Biên“ - ảnh 2
Khai mạc “Những ngày Hà Nội tại Điện Biên” với chủ đề “Hà Nội - Điện Biên vang mãi khúc khải hoàn”.

Hà Nội với tôi luôn là một điều gì đó rất nhẹ nhàng, lãng mạn và sâu lắng. Hà Nội không ồn ào nhưng lại có cái duyên ngầm và sự tinh tế. Mỗi khi thực hiện các chương trình về Hà Nội, tôi luôn đem những sự nhẹ nhàng mà sâu lắng đó lên sân khấu. Những giá trị cốt cách Hào hoa, Thanh lịch của người Hà Nội thể hiện qua đời sống, qua chất liệu âm nhạc, hoặc những nét gì đó rất phố Phái. Tôi luôn dàn dựng và cấu trúc kịch bản để khắc hoạ rõ nét những yếu tố đó cho những chương trình về Hà Nội mình thực hiện. Hà Nội với một vẻ đẹp đa diện và có lẽ không chỉ riêng tôi mà các đồng nghiệp khác cũng luôn có rất nhiều góc nhìn, có nhiều mảng miếng để thể hiện được một Hà Nội "Ngàn năm văn hiến - thanh lịch - hào hoa"

Sắp tới anh cũng giữ vai trò đạo diễn trong chương trình nghệ thuật mừng 70 năm giải phóng Thủ đô của Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Liên tiếp thực hiện các chương trình về Hà Nội, có khi nào anh sợ bị "cạn" ý tưởng hoặc "chai" cảm xúc không?

Thật lòng thì cảm hứng về Hà Nội luôn là bất tận, còn có rất, rất nhiều khía cạnh có thể khai thác bởi bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến của Hà Nội là kho tàng chất liệu, cảm hứng vô tận đối với các nghệ sĩ. Dẫu vậy, đối với chúng tôi vẫn luôn nỗ lực để tìm tòi những mảng miếng chưa được chú trọng khai thác hoặc tìm hướng khai thác theo một hướng mới, tư duy mới, cách thức mới. Ví dụ những mảng miếng âm nhạc truyền thống của Hà Nội, chúng tôi thường đặt hàng các tác giả viết mới một số điệu Xẩm hoặc Ca trù theo phong cách hiện đại. Có làm như vậy âm nhạc truyền thống mới có tính hấp dẫn tới đối tượng khán giả trẻ và qua đó mình sẽ truyền bá, góp phần gìn giữ âm nhạc truyền thống cho Thủ đô. Hoặc cách chúng tôi làm cái bản mashup giữa các bài về Hà Nội để mang tới những luồng gió mới cho tác phẩm đó. Và ở mỗi chương trình của chúng tôi sẽ luôn là một câu chuyện, một góc nhìn mới mẻ về Thủ đô, góp sức khắc sâu hơn nữa lịch sử, hình ảnh Thủ đô Hà Nội với khán giả và du khách.