Số phận trắc trở của tàu phá băng chở LNG Nga ra khỏi Bắc Cực

Admin
Các tàu chở LNG có khả năng phá băng lớp Arc7 mới sẽ vẫn cần thiết, ngay khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga được dỡ bỏ. Nhưng thực tế rất khó khăn.

Tàu chở LNG có khả năng phá băng lớp Arc7 có tên gọi Alexey Kosygin, hạ thủy vào cuối năm ngoái, cho đến nay vẫn chưa hoàn tất thử nghiệm trên biển và thử nghiệm neo đậu.

Trong phần lớn mùa đông, con tàu đã nằm im bên ngoài xưởng đóng tàu Zvezda gần Vladivostok, cảng lớn nhất của Nga trên Thái Bình Dương.

Những sự trì hoãn như vậy đã kìm hãm kế hoạch của Nga nhằm đẩy nhanh quá trình sản xuất nội địa các tàu có khả năng phá băng chở LNG và hàng lỏng cực kỳ cần thiết cho các dự án năng lượng ở Bắc Cực.

Bản thân xưởng Zvezda và các tàu đang được đóng tại xưởng này cũng đã nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.

Số phận trắc trở của tàu phá băng chở LNG Nga ra khỏi Bắc Cực- Ảnh 1.

Tàu chở LNG có khả năng phá băng lớp Arc7 Alexey Kosygin (ở đằng sau) tại xưởng đóng tàu Zvezda. Ảnh: High North News

Đợt thử nghiệm trên biển đầu tiên của tàu Alexey Kosygin chỉ kéo dài 72 giờ vào cuối tháng 12 năm ngoái. Kể từ đó, con tàu đã neo đậu tại Vịnh Amur, cách xưởng đóng tàu không xa. Có vẻ như con tàu đã bắt đầu một vòng thử nghiệm khác trong tuần này, hướng về phía Vịnh Nakhodka ở phía Đông.

Sau khi đưa vào hoạt động, con tàu chở LNG này dự kiến sẽ được vận hành bởi công ty vận tải biển Nga đã bị trừng phạt là Sovcomflot.

Alexey Kosygin là tàu dẫn đầu trong hạm đội tàu chở LNG có khả năng phá băng lớp Arc7, vốn gồm 15 tàu được chế tạo với sự hỗ trợ của Samsung Heavy Industries của Hàn Quốc để phục vụ cho dự án Arctic LNG 2.

Samsung Heavy Industries – một trong những công ty đóng tàu lớn nhất trên thế giới và là một trong những công ty đóng tàu "Big Three" của Hàn Quốc – đã cung cấp phần lớn thân tàu, trong khi quá trình lắp ráp và chế tạo cuối cùng được thực hiện tại xưởng Zvezda.

Chỉ có 5 thân tàu được giao trước khi các lệnh trừng phạt của phương Tây ngăn chặn sự hợp tác và buộc các công ty phương Tây phải rời khỏi xưởng đóng tàu của Nga. Các tàu khác đang được đóng tại Hanwha cũng đã bị chặn bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Một thách thức chính vẫn là hoàn thành màng khí của tàu, được sử dụng trong các bể chứa LNG. Chỉ một số đơn vị được hoàn thành trước khi công ty GTT của Pháp – nhà cung cấp bộ phận này – rời khỏi Nga vào năm 2023.

Alexey Kosygin và tàu tiếp theo trong danh sách đưa vào sử dụng là Pyotr Stolypin dự kiến được đưa vào hoạt động vào năm 2024. Sau đó, các sự trì hoãn đã đẩy mốc thời gian này sang quý I/2025.

Số phận trắc trở của con tàu vẫn chưa dừng tại đó. Với tiến độ chậm chạp của các thử nghiệm trên biển và thử nghiệm neo đậu, có khả năng mốc thời gian sẽ tiếp tục bị đẩy lùi đến nửa cuối năm 2025.

Tuyên bố mới nhất của Hungary về quan hệ năng lượng với Nga

Tuy nhiên, dù Nga có nôn nóng muốn hoàn thành quá trình đến thế nào, họ vẫn có ít lựa chọn để thực hiện khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dự án Arctic LNG 2 vẫn còn "treo lơ lửng".

Gã khổng lồ Novatek, chủ sở hữu phần lớn của dự án sản xuất LNG ở Bắc Cực Arctic LNG 2, đã đóng cửa cơ sở này vào tháng 10 năm ngoái sau khi không thể tìm được khách hàng nào chịu mạo hiểm mua 8 lô hàng bị trừng phạt được chất tại nhà máy vào tháng 8 và tháng 9 năm ngoái.

Nhưng các tàu phá băng Arc7 mới sẽ vẫn cần thiết, ngay khi các lệnh trừng phạt của phương Tây được dỡ bỏ.

Việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga có khả năng sẽ được đưa ra thảo luận trong các cuộc đàm phán hòa bình dự kiến giữa Washington, Moscow và Kiev để chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Một trong những mối quan tâm chính của Điện Kremlin sẽ là việc dỡ bỏ các hạn chế đối với xuất khẩu dầu và LNG của Nga.

Tuy nhiên, trong khi Mỹ có thể cân nhắc nới lỏng các biện pháp đang ảnh hưởng đến doanh số bán dầu thô của Nga, thì họ có động lực rõ ràng và mạnh mẽ để duy trì các hạn chế đối với LNG của gã khổng lồ Á-Âu và trong dài hạn.

Đơn cử, chỉ trong vòng 8 năm kể từ khi triển khai đợt xuất khẩu LNG đầu tiên, Mỹ đã khẳng vị thế là nước xuất khẩu nhiên liệu siêu lạnh lớn nhất thế giới, cung cấp kỷ lục 88,3 triệu tấn cho thị trường toàn cầu vào năm 2024, nhờ vào cuộc cách mạng khí đá phiến.

Ngành công nghiệp này của "xứ cờ hoa" đã được hưởng lợi rất nhiều từ việc Nga mất thị phần khí đốt tại châu Âu trong 3 năm qua, với châu Âu chiếm 55% tổng lượng LNG xuất khẩu của Mỹ vào năm ngoái.

Đối với châu Á, việc ngăn LNG của Nga xâm nhập vào các thị trường này trong những năm tới sẽ giúp đảm bảo rằng công suất LNG bổ sung của Mỹ có một nơi chắc chắn để cập bến.

Để làm được điều đó, tất cả những gì chính quyền Trump cần làm là duy trì các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với Arctic LNG 2 và các dự án LNG mới khác được đề xuất tại Nga vào cuối năm 2023. Không giống như các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu mỏ của Nga, những hạn chế này rất hiệu quả.

Minh Đức (Theo gCaptain, bne IntelliNews)

Tham khảo thêm
Động đất Myanmar: Nỗ lực giải cứu người sống sót bị thách thức nghiêm trọngĐộng đất Myanmar: Nỗ lực giải cứu người sống sót bị thách thức nghiêm trọng
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
450 triệu công dân EU được khuyên chuẩn bị cho điều này450 triệu công dân EU được khuyên chuẩn bị cho điều này