Cảnh 1: Tại khu sinh hoạt cộng đồng của tổ dân phố, bà Mai đang tập thể dục buổi sáng
Bà Thu (vô tình đi ngang qua): Ô kìa, có phải bà Mai đó không?
Bà Mai: Chào bà Thu, lâu lắm rồi không gặp bà, bà dạo này có được khỏe không?
Bà Thu: Nhờ trời, tôi khỏe bà à. Sáng nào sáng nấy đều ra đây tập thể dục với các ông bà trong tổ hưu, thấy người cũng khoan khoái, khỏe khoắn hẳn ra. Giờ cũng có tuổi rồi, chẳng mong gì bằng sức khỏe để sống vui cùng với con cháu bà à. Mà đã lâu rồi phải đến cả tháng nay tôi không thấy bà ra đây tập thể dục như mọi khi. Có chuyện gì không bà?
Bà Mai: Thú thật với bà, cả tháng nay tôi ốm nằm nhà, không đi đến đâu được. Hôm nay thấy trong người khỏe hơn một chút nên tôi cũng cố gắng ra đây để vận động tay chân một chút, chứ cả tháng quanh quẩn ở nhà cũng thấy bí bách lắm bà ạ.
Bà Thu: Thế nói tóm lại sức khỏe bà bị làm sao nói tôi nghe? Tôi với bà giờ đều có tuổi cả rồi, trái gió trở trời chút thôi là tay chân, đầu óc cứ quay cuồng nhức mỏi hết cả, bà cứ nói ra xem tôi có giúp được gì bà không nào?
Bà Mai: Nếu ốm đau vì trái gió trở trời thì cũng đã không nên chuyện bà ạ. Chẳng là nhà anh Sĩ ở sát cạnh nhà tôi khai trương kinh doanh karaoke đã hai tuần nay. Hôm nào cũng bật nhạc từ 9 giờ sáng đến tận 2, 3 giờ đêm, hệ thống cách âm không có, khách thì hát bất kể ngày đêm, nhà tôi sát vách nên nghe rõ mồn một. Hai tuần nay nhà ấy kinh doanh karaoke cũng là thời gian mà tôi đêm không ngủ được, ngày cũng chẳng yên. Mà bà bảo, tuổi già quý nhất giấc ngủ, không ngủ được thì còn mong gì sức khỏe, tôi lại bị triệu chứng đau đầu kinh niên, càng mất ngủ thì bệnh lại càng trầm trọng bà ạ.
Bà Thu: Trời ơi là trời, thế bảo sao mà ốm đến tận mấy tháng trời. Sao bà không sang tận nhà nói cho cái nhà anh Sĩ đó biết. Làm ăn gì thì làm, kinh doanh gì thì kinh doanh làm ảnh hưởng tới mọi người xung quanh thế, ai mà chịu nổi cho được. Bà định cứ tiếp tục chịu đựng như thế đến bao giờ? Mà con cái nhà bà, chẳng lẽ các cháu nó định cứ để mặc như vậy à?
Bà Mai: Bà cũng biết tính tôi rất ngại va chạm xích mích, người ta làm ăn kinh doanh không như vậy sao thu hồi được vốn. Con cái tôi cũng mấy lần định sang nhà anh Sĩ nói chuyện, nhưng tôi một mực ngăn cản, để họ tự biết tự điều chỉnh bà ạ, mình sang họ lại cho mình là cản trở tới việc làm ăn của họ.
Bà Thu: Bà Mai này, bà như thế là không được, ảnh hưởng gì chứ ảnh hưởng đến sức khỏe mình là không thể để yên được. Mà đâu chỉ có riêng bà mà rất nhiều bà con xung quanh cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Cảnh 2: 10 giờ đêm tại nhà anh Sĩ, tiếng nhạc ồn ào phát ra từ các phòng karaoke
Ông Quang: Nhà anh Sĩ có ai ở nhà không đấy?
Anh Sĩ (vội vàng chạy ra): À, chào bác Quang, Tổ trưởng Tổ dân phố, chẳng hay hôm nay có việc gì mà 10 giờ đêm rồi bác vẫn còn cất công sang tận đây thăm nhà?
Ông Quang: 10 giờ đêm rồi mà nhà anh vẫn còn kinh doanh miệt mài thế này thì việc tôi sang chơi có thấm tháp gì? Xem ra tình hình kinh doanh karaoke của nhà ta cũng có vẻ phát đạt nhỉ?
Anh Sĩ: Thì bác tính cháu bỏ mấy tỷ ra đầu tư kinh doanh thì cũng phải miệt mài còn thu hồi lại vốn chứ, thời buổi này kiếm được đồng tiền khó khăn lắm bác ạ.
Ông Quang: Có gì mà không hiểu, tôi cũng từng là người lao động làm công ăn lương, đồng tiền kiếm ra từ mồ hôi, nước mắt. Thời của chúng tôi có thể khác thời các anh chị bây giờ nhưng chúng tôi cũng hiểu rất rõ giá trị của đồng tiền.
Anh Sĩ: Hôm nay bác sang để thuyết giảng về giá trị của đồng tiền hả bác? Cháu đang rất bận nếu không phiền mời bác hôm khác sang thuyết giảng tiếp.
Ông Quang: Tôi về hưu rồi nhưng cũng không đến mức rảnh rỗi sang đây vào lúc 10h đêm để lên lớp cho anh.Tôi sang đây là có việc muốn trao đổi với anh.
Anh Sĩ: Có việc gì mời bác cứ nói.
Ông Quang: Thời gian vừa rồi, tôi nghe được rất nhiều ý kiến phản ánh của bà con Tổ dân phố, đặc biệt là những hộ gia đình sống xung quanh nhà anh về chuyện gia đình kinh doanh karaoke rất muộn, làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt có nhiều người già thường xuyên mất ngủ vì tiếng karaoke rất ồn ào.
Anh Sĩ: Ôi dào, lại mấy ông bà già nhiều chuyện, không chịu được thì chuyển ra khu vực khác mà sống.
Ông Quang: Anh Sĩ, anh không thể ăn nói kiểu như vậy được. Không ai cấm anh kinh doanh làm ăn buôn bán, nhưng không có nghĩa anh có quyền làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác. Nhà anh kinh doanh karaoke không có hệ thống cách âm đầy đủ, đến vợ con anh còn phải chuyển ra chung cư để sống, còn những người khác họ đi đâu được. Nhà anh gây ồn ào suốt ngày, suốt đêm như vậy, mà họ đã gặp tôi và đề nghị tôi nhắc anh lưu ý để điều chỉnh. Nếu anh tiếp tục có thái độ như vậy, chúng tôi sẽ kiến nghị với chính quyền địa phương có biện pháp xử lý nghiêm khắc.
Anh Sĩ: Bác Quang, bác đang dọa cháu đấy à?
Ông Quang: Tôi không dọa đâu. Pháp luật đã quy định rất rõ về hành vi vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung, theo đó tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định "Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau".
Như vậy, việc nhà anh kinh doanh karaoke muộn như vậy đã vi phạm quy định của pháp luật. Với tư cách là Tổ trưởng Tổ dân phố, tôi sẽ kiến nghị chính quyền địa phương có biện pháp xử lý, nếu gia đình anh còn tiếp tục tái phạm sẽ có những hình thức xử lý cao hơn.
Anh Sĩ: Thôi, thôi, thôi em xin bác, bác ăn chén cơm cũng phải cho em ăn chén cháo chứ. Em là em sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc. Một đồng kiếm được chẳng bù được mấy đồng tiền phạt. Ngày mai em sẽ cho lắp đặt ngay hệ thống cách âm và quán triệt nhân viên trong quán tuân thủ đúng giờ giấc theo quy định.
Ông Quang: Chú biết rút kinh nghiệm thế là tốt, nhớ tuân thủ và thực hiện nghiêm túc, giữ sự bình yên cho bà con nhé. Chú kiếm được tiền là quý nhưng tình cảm hàng xóm, láng giềng "tối lửa tắt đèn có nhau" âu cũng hết sức quý giá, đáng trân trọng chú ạ.