Xã Bắc Lý là một xã biên giới nghèo của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú sinh sống. Nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân ở đây còn chưa đầy đủ. Hơn nữa, tuyến biên giới lại nhiều đường mòn, lối mở. Đây là những điều kiện để các đối tượng phạm tội lợi dụng lôi kéo người dân tham gia hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy.
Ngày 7/4/2022, Công an tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định về thực hiện Đề án Xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy” trên địa bàn tỉnh với mục tiêu làm sạch 27 xã biên giới, tạo vành đai ngăn ma túy thẩm lậu vào địa bàn
Chỉ sau 4 tháng triển khai thực hiện Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy”, bằng sự quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền xã và sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, xã Bắc Lý đã được công nhận đạt các tiêu chí "sạch về ma túy", là một trong 3 địa bàn cấp xã đầu tiên của huyện Kỳ Sơn được hoàn thành các tiêu chí “sạch về ma túy” và thực hiện hiệu quả công tác “giữ sạch” ma túy trên địa bàn cho đến nay.
Chủ tịch UBND xã Bắc Lý Cụt Văn Long cho hay, việc triển khai và nhân rộng Đề án xây dựng "Xã biên giới sách về ma túy" của Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An là chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế, tạo "lá chắn", "vành đai biên giới" sạch về ma túy để ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với tội phạm, tệ nạn ma túy, góp phần giữ gìn bình yên địa bàn biên giới Việt - Lào, là nền tảng tiền đề vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa bàn.
Từ kinh nghiệm của địa phương, ông Cụt Văn Long chia sẻ để thực hiện tốt Đề án, cần phải triển khai đồng bộ, khẩn trương, quyết liệt và trên tất cả các nhóm giải pháp, huy động tối đa sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong công tác làm sạch và giữ sạch về ma túy, gắn trách nhiệm cụ thể đến từng lãnh đạo, cán bộ trong thực hiện các mục tiêu, yêu cầu, chỉ tiêu của Đề án.
Đồng thời thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền về sự cấp thiết, ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án, tuyên truyền phổ biến pháp luật về ma túy một cách thường xuyên, sâu rộng, lan tỏa nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức từ cán bộ đến nhân dân, từ đó thống nhất ý chí hành động của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện Đề án.
Tổ chức các diễn đàn để lắng nghe ý kiến nhân dân, gặp gỡ, trao đổi và vận động già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và toàn thể quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh tố giác tội phạm về ma túy. Tổ chức phiên tòa xét xử lưu động tội phạm ma túy để phục vụ công tác tuyên truyền.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng trong đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, trong đó chú trọng công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát tại các đường mòn, lối mở qua biên giới, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện qua biên giới để kịp thời phát hiện, bắt giữ xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm, từng bước chấm dứt nguồn cung ma túy từ nước ngoài để kéo giảm, sạch về ma túy.
Các lực lượng chức năng triển khai hiệu quả các biện pháp theo dõi quản lý chặt chẽ số đối tượng nghiện có hồ sơ quản lý và đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, người sau cai nghiện, thường xuyên gọi hỏi, răng đe, giáo dục, không để các đối tượng phạm tội, tổ chức test nhanh ma túy thường xuyên, đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện...
Gắn chặt công tác "làm sạch" và "giữ sạch"
Việc “giữ sạch” địa bàn và tiếp tục triển khai nhân rộng “xã, phường, thị trấn sạch ma túy”, hướng tới xây dựng “huyện, thành, thị sạch ma túy” luôn được Công an Nghệ An xác định “là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược”. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi toàn lực lượng Công an Nghệ An phải tiếp tục nỗ lực quyết liệt và quyết tâm cao nhất để tiếp tục nhân rộng Đề án.
Theo Công an tỉnh Nghệ An, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện và nhân rộng Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch ma túy”, đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã có 227/460 địa bàn cấp xã được công nhận “sạch về ma túy”.
Trong đó, có 5 địa bàn cấp huyện đạt 100% địa bàn cấp xã “sạch về ma túy”; hiện tại, đã có thêm 76 địa bàn cấp xã đạt 2 tiêu chí “sạch đường dây, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy”, “sạch người nghiện” và đang được Công an tỉnh tiến hành thẩm định kết quả theo quy định.
Đại tá Nguyễn Duy Thanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, việc “làm sạch” đã khó, nhưng “giữ sạch” càng khó khăn, phức tạp hơn nhiều.
Để duy trì và phát huy hiệu quả Đề án, phải gắn chặt công tác "làm sạch" và "giữ sạch", tuyệt đối không có tư tưởng nghỉ ngơi, buông lỏng sau khi làm sạch địa bàn mà phải triển khai ngay các biện pháp "giữ sạch" bảo đảm thường xuyên, đồng bộ, không chủ quan, lơ là để ma túy thâm nhập trở lại.
Chia sẻ về Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy” của tỉnh Nghệ An, Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho rằng đây là mô hình hay trong phòng chống ma túy, đặc biệt, Công an tỉnh Nghệ An có nhiều giải pháp đột phá để nhân rộng Đề án, phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương.
Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều vấn đề mới, khó khăn hơn trước. Công an Nghệ An cần tiếp tục nghiên cứu, quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt các giải pháp “giữ sạch” đối với những xã đã đạt tiêu chí, bảo đảm hiệu quả bền vững của Đề án, tuyệt đối không để ma túy phát sinh trở lại. Đặc biệt, phải coi trọng và triển khai thực chất, thường xuyên các giải pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, coi đây là hoạt động then chốt để “giữ sạch” địa bàn.
Đối với các tiêu chí và việc nhân rộng Đề án, Trung tướng Nguyễn Văn Viện cho biết, từ mô hình thí điểm của Nghệ An, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đang phối hợp với Văn phòng Bộ Công an để xây dựng bộ tiêu chí về "Xã sạch về ma túy" gửi xin ý kiến các địa phương, các bộ ngành để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành làm cơ sở triển khai thực hiện trên cả nước.
Hoàng Giang