Thái Nguyên: “Tréo ngoe” giáo viên công tác 30 năm lương chỉ bằng người mới đi làm

Admin
Làm việc với chúng tôi, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên đã nhiều hơn 3 lần dùng từ “tréo ngoe” khi nhắc đến việc xếp lương của cô giáo Ngô Thị Hạnh.

Lương không bằng giáo viên mới đi làm

Cô giáo Ngô Thị Hạnh (SN 1971), giáo viên trường Mầm non Bình Sơn, Tp.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên đã có những trải lòng về quá trình công tác cũng như những thiệt thòi trong việc xếp lương khi tuyển dụng đối với cô trong suốt hơn 30 năm qua với Người Đưa Tin.

Theo lời cô Hạnh, từ năm 1994 Hiệu trưởng trường mầm non Bình Sơn cùng Trưởng xóm Tân Sơn tới gia đìnhvận động cô đi làm giáo viên mầm non tại trường mầm non xã Bình Sơn, huyện Phổ Yên (nay là Tp. Sông Công – PV), tỉnh Thái Nguyên.

Giáo dục - Thái Nguyên: “Tréo ngoe” giáo viên công tác 30 năm lương chỉ bằng người mới đi làm Cô giáo Ngô Thị Hạnh trải lòng về quá trình công tác cũng như những thiệt thòi trong việc xếp lương khi tuyển dụng đối với cô.

Trong quá trình làm việc, cô Hạnh được lãnh đạo trường tạo điều kiện đi tham quan học tập kinh nghiệm từ một số trường bạn và tập huấn chuyên môn tại phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phổ Yên.

Đến ngày 1/4/1994 cô chính thức nhận công tác tại Trường mầm non Bình Sơn và thành lập nên lớp mẫu giáo xóm Tân Sơn của xã Bình Sơn. Cô Hạnh được giao trực tiếp giảng dạy trẻ 5-6 tuổi chuẩn bị vào lớp 1.

“Trường mầm non Bình Sơn là trường mầm non dân lập thuộc một xã nghèo vùng sâu của huyện Phổ Yên, nên những năm đầu công tác gặp rất nhiều khó khăn, giao thông đi lại khó khăn. Ngày ấy, muốn vào được trung tâm xóm thì phải đi qua một hồ lớn, đi bằng thuyền thúng, không có lưới điện quốc gia, cơ sở vật chất cũng hạn hẹp, đồ dùng, đồ chơi phục vụ công tác giảng dạy cho trẻ chơi là do bàn tay giáo viên tự làm, tự sáng tạo để thu hút trẻ ra lớp…”, cô Hạnh nhớ lại những khó khăn ban đầu khi nhận nhiệm vụ.

Cô Hạnh cũng chia sẻ, thời điểm đó trình độ chuyên môn của giáo viên cũng hạn chế, vì chưa qua đào tạo sư phạm chuyên ngành, chỉ học tập các lớp tập huấn bồi dưỡng do Sở giáo dục và Đào tạo tổ chức… Đời sống giáo viên khi ấy vô cùng khó khăn, đi làm với đồng lương ít ỏi thu từ nguồn học phí do phụ huynh đóng góp.

“Thậm chí, có những gia đình khó khăn họ trả bằng thóc, gạo, đỗ, lạc...”, cô Hạnh nhớ lại quãng thời gian đã qua.

Trong quá trình công tác, cô Hạnh không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tháng 9/2004 cô tốt nghiệp Trung cấp sư phạm mầm non hệ tại chức vừa học vừa làm. Đến tháng 9/2009 tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm mầm non hệ vừa học vừa làm.

Đến tháng 7/2011 trường mầm non Bình Sơn được chuyển từ trường mầm non dân lập sang trường mầm non công lập. Và như vậy, theo Quyết định số 31/2010 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc Ban hành Quy định xét tuyển viên chức đối với đối tượng đã hợp đồng lao động trong các trường mầm non bán công được chuyển sang loại hình Trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thì từ ngày 25/7/2011 cô Hạnh được tuyển dụng và bổ nhiệm ngạch viên chức của trường mầm non Bình Sơn. 

“Thế nhưng, bản thân tôi thời điểm đó đã công tác được 17 năm và có 11 năm đóng bảo hiểm xã hội khi được tuyển dụng, có trình độ Cao đẳng sư phạm mầm non từ tháng 9/2009 lại chỉ được hưởng lương bậc 1 hệ số 2,1. Cùng năm vào công tác với tôi có cô Nguyễn T. T. lại được xếp lương cao hơn tôi bậc 3, rồi có những giáo viên mới công tác 5 năm, 8 năm… được hưởng lương bậc 2. Tôi thấy việc xếp lương khi được tuyển dụng là bất hợp lý không công bằng đối với tôi”, cô Hạnh ngậm ngùi.

Cô Hạnh đã có thâm niên hơn 30 năm công tác và có 29 năm 05 tháng đóng bảo hiểm xã hội, sắp đến tuổi nghỉ hưu, hiện tại cô Hạnh mới được hưởng lương ở bậc 5 hệ số 3,34 (tháng 1/2023).

“Lương của tôi quá thấp so với năm công tác, so với tuổi đời và quá trình đóng bảo hiểm xã hội và thấp hơn mặt bằng lương giáo viên mầm non trong thành phố Sông Công”, cô Hạnh nói và cho biết trong suốt cuộc đời lao động công hiến vì sự nghiệp giáo dục, cô luôn là lao động tiên tiến, được nhận nhiều giấy khen của UBND Tp. Sông Công.

Đem những thắc mắc về quá trình xếp lương của mình gửi đến Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên; Liên đoàn lao động tỉnh Thái Nguyên; Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên; Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên… Cùng với đó, cũng có những cuộc đối thoại giữa cô Hạnh và đại diện Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên. “Thế nhưng, trong buổi làm việc đó không đưa ra được minh chứng chứng minh cho việc xếp lương của tôi là đúng hay sai, không thuyết phục người lao động”, cô Hạnh bày tỏ sự bức xúc. Đồng thời mong muốn các cấp có thẩm quyền xem xét lại quá trình xếp lương ban đầu để cô đỡ thiệt thòi so với quá trình lao động, cống hiến.

Sở Nội vụ nói gì?

Ngày 23/5, đem những thắc mắc của cô Ngô Thị Hạnh đến Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, trao đổi với Người Đưa Tin ông Tạ Hoàng Thanh Long – Trưởng phòng Công chức, viên chức, Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên cho biết trước khi công tác tại Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên ông công tác tại Phòng Nội vụ thị xã Sông Công và đã làm việc trực tiếp với cô giáo Ngô Thị Hạnh.

Ông Long cho hay, việc xếp lương là do Sở Nội vụ tỉnh thẩm định, quá trình thẩm định có căn cứ theo quy định.

“Chúng tôi cũng rất muốn lương cô Hạnh sẽ được cao hơn, nhưng do quy định không thể cao hơn được’, ông Long nói và đưa ra những lý do vì sao không thể xếp lương cao hơn cho cô Hạnh.

Cụ thể, nguyên tắc xếp lương, khi tuyển dụng vào những người nào trước đó đã có thời gian hợp đồng ở cơ quan Nhà nước, thời gian đó có đóng bảo hiểm xã hội thì được xem xét để “nối lương”. Khi nối lương bao giờ cũng có một nguyên tắc là những người nào được xếp lương vào ngạch bậc đúng vào vị trí đang tuyển. Ví dụ như giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học… thì trước đây đã từng xếp lương.

“Bất kể ngành nào cũng vậy, phải được xếp vào ngạch bậc thì mới nối lương lại cho”, ông Long nói.

Ông Long cũng cho biết trường hợp của các cô mà cô Hạnh nêu trong trước thời gian được tuyển dụng thì được hợp đồng rất lâu. Tuy nhiên, trước đây không chỉ riêng Sông Công mà nhiều nơi khác do kinh phí không có nên cứ hợp đồng xong trả lương không theo ngạch bậc.

Ông Long lấy ví dụ: Giáo viên mầm non đáng ra bậc 1 thì phải bằng 1,5, 1,6 chẳng hạn nhưng lại chỉ trả 1 phẩy. Như vậy, không vào mã ngạch của ngạch giáo viên mầm non nên khi nối lương là không có cơ sở, không có căn cứ.

“Tất cả các cô giáo nêu trên thời điểm để được xếp lương vào ngạch bậc bắt đầu từ 1/9/2009 mới được xếp ngạch bậc. Do vậy, tất cả các cô khi đưa vào tuyển dụng và xét thời gian trước khi tuyển dụng thì chỉ được xét từ 1/9/2009. Vì từ 1/9/2009 được xếp lương vào ngạch bậc của giáo viên mầm non thì mới có cơ sở để nối tiếp”, ông Long tiếp tục lý giải.

Cô Hạnh, trước đó không có thời gian để xếp lương như vậy, tất cả chỉ xếp 1 phẩy, trả theo lương tối thiểu 1 phẩy nên thời gian đó không có cơ sở để xếp lương. “Cả tỉnh khi ấy đều xếp lương theo nguyên tắc nếu như ai đã được xếp lương ngạch bậc thì nối lương, còn không xếp lương ngạch bậc thì không được nối”, ông Long nói.

Về việc cô Hạnh có thâm niên công tác lâu năm nhưng lương cũng giống các cô công tác ít thâm niên hơn, ông Long cho biết là bởi thời gian được hợp đồng xếp lương theo ngạch bậc là như nhau, cho nên lương sẽ giống nhau.

Thái Nguyên “tiên phong” nhưng giáo viên thiệt thòi

Ngược trở lại, năm 2014 UBND thị xã Sông Công có công văn số 774 về việc xếp lương đối với giáo viên mầm non đã được tuyển dụng theo Quyết định số 31/2010 của UBND tỉnh Thái Nguyên và Thông tư liên tịch số 09 năm 2013 ngày 11/3/2013 hướng dẫn chuyển xếp lương đối với giáo viên mầm non. Cô Hạnh cũng đã làm hồ sơ theo hướng dẫn và nộp ra phòng Nội vụ thị xã Sông Công nhưng đến nay cô Hạnh chưa được hưởng chế độ này.

Ông Long thừa nhận đây là một thực tế “tréo ngoe”. Theo đó ông Long cho biết, Quyết định số 31/2010 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc Ban hành Quy định xét tuyển viên chức đối với đối tượng đã hợp đồng lao động trong các trường mầm non bán công được chuyển sang loại hình Trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là “tiên phong” so với tỉnh khác.

Giáo dục - Thái Nguyên: “Tréo ngoe” giáo viên công tác 30 năm lương chỉ bằng người mới đi làm (Hình 2).

Trong suốt cuộc đời lao động công hiến vì sự nghiệp giáo dục, cô luôn là lao động tiên tiến, được nhận nhiều giấy khen của UBND Tp. Sông Công.

“Lúc ra Quyết định số 31 này mục đích đưa vào biên chế những người đang hợp đồng nên các cô giáo rất mừng. Bởi, chưa có tỉnh nào giải quyết được những trường hợp giáo viên đang hợp đồng”, ông Long nói và cho biết thời điểm đó không chỉ tỉnh Thái Nguyên mà tỉnh nào cũng có, vì biên chế không có thì chỉ làm hợp đồng, lương cũng chỉ trả 1 phẩy để có người làm. Mặc dù, 1 phẩy không vào ngạch bậc gì nhưng người lao động vẫn sẵn sàng làm.

3 năm sau Quyết định “tiên phong” của UBND tỉnh Thái Nguyên, năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ có Thông tư liên tịch số 09 hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non theo quy định tại quyết định số 60/2011 ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phỉ Quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015.

Khi ra Thông tư 09 này cũng không nhắc và tính đến những người đã được tuyển dụng trước đó. “Khi Thông tư 09 ra đời thì các cô như cô Hạnh đã là viên chức nên không còn là đối tượng áp dụng thông tư này”, ông Long một lần nữa dùng từ “tréo ngoe” khi được đặt câu hỏi về việc áp dụng Thông tư 09 cho cô Hạnh trong bối đã thực hiện Quyết định 31 của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Vị trưởng phòng cũng cho biết thêm, ngày còn công tác ở Sông Công, ông cũng có kiến nghị xếp như vậy thì có người làm lâu năm sẽ thiệt thòi, lương cũng chỉ bằng người mới đi làm.

“Những người bị thiệt là những người làm hợp đồng càng dài càng thiệt. Nhưng về căn cứ thì không có cơ sở pháp lý nên không thể bảo vệ đối tượng, người lao động được”, ông Long nói và cho biết cũng mong lương của các cô càng cao càng tốt, vì các cô cũng đã có thời gian công tác lâu năm, nhưng về mặt pháp lý lại không có cơ sở nào.

Kết thúc buổi làm việc chúng tôi đặt câu hỏi “Việc xếp lương cho cô Hạnh có đúng không?” ông Long trả lời “phù hợp với quy định tại thời điểm đó”. Đồng thời vị này cũng mong muốn các cấp cao hơn có thêm những giải pháp phù hợp để có thể giải quyết trường hợp của cô Ngô Thị Hạnh cũng như những giáo viên khác.

Hoàng Bích