Lý Tú Nhã (22 tuổi) là một nhà sáng tạo nội dung trẻ. Em chia sẻ mình từng là nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục trực tuyến và miệt thị ngoại hình (body shaming) vài năm trước. Do đó, em hiểu mức độ gây hại của những hành vi này đối với nạn nhân. Ngay cả khi đó chỉ là những từ ngữ, tổn thương chúng gây ra vãn sẽ tồn tại vĩnh viễn.
Vào tháng 10 năm 2021, Lý Tú Nhã và các nhà lãnh đạo thanh niên khác đã tham gia vào khóa đào tạo trực tuyến do UN Women (cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ), CSDS (Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững) và CED Link (phần mềm hệ thống quản lý) tổ chức tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc. Khóa đào tạo giúp nâng cao kiến thức và hiểu biết của các học viên trẻ về bình đẳng giới, an ninh mạng và môi trường mạng xã hội hiện nay ở Việt Nam. Khóa đào tạo cũng đã nâng cao kỹ năng của các học viên về huy động tiềm năng của mạng xã hội để thu hút sự tham gia của thanh niên và những người sử dụng Internet khác nhằm chống lại các mối nguy hại trên môi trường mạng, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới.
Sau khóa đào tạo kéo dài 1 tuần, Nhã và các bạn đã xây dựng một dự án mạng xã hội nhằm chống lại vấn đề bạo lực tình dục trực tuyến và bắt nạt trên mạng nhắm vào đối tượng thanh thiếu niên, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ UN Women. Riêng trong tháng 11 năm 2021, dự án HOPE của các em đã tiếp cận tới hơn 300.000 người thông qua việc phổ biến các video, áp phích, bảng thông tin số cũng như các phương tiện truyền thông khác.
Ngoài ra, cũng từ khóa đào tạo trực tuyến này, nhiều dự án xã hội đã ra đời, đã đạt được những kết quả đáng kinh ngạc, nhận được 4,9 triệu lượt xem, 19.100 bình luận và 4.382 lượt chia sẻ trên tất cả các nền tảng mạng xã hội lớn và phổ biến tại Việt Nam.
Theo Quyền Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam Gaelle Demolis: "Sự lan truyền của những thông tin sai lệch và ngôn từ thù ghét đối với phụ nữ và các nhóm thiểu số làm phá vỡ cấu trúc xã hội. Chúng tôi thấy được nhiều cơ hội trong việc chống lại các hành vi bạo lực và thúc đẩy sự tham gia của người dân thông qua việc họ tích cực tham gia vào lĩnh vực số".
THẢO CHI