
Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường sáng 13/5
Phân cấp, phân quyền, đơn giản thủ tục hành chính
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, trong quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, các cơ quan đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và đồng chí Chủ tịch Quốc hội về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Dự thảo Luật đã bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp có vốn nhà nước; kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kết luận số 127-KL/TW và thể hiện trong các điều, khoản của dự thảo Luật.
Về phân cấp, phân quyền, đơn giản thủ tục hành chính, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; người đại diện phần vốn nhà nước; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp.
Dự thảo Luật đã được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm có 8 Chương, 59 Điều, giảm 3 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
Về đối tượng áp dụng, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, quy định đối tượng áp dụng bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp từ dưới 50% vốn điều lệ.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, bổ sung quy định để quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp từ dưới 50% vốn điều lệ là"Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên".
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý, hoàn thiện quy định về người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, bảo đảm bao quát cả việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp có từ 50% vốn nhà nước trở xuống theo nguyên tắc ở đâu có vốn của nhà nước thì ở đó phải có quản lý của Nhà nước với biện pháp với mức độ phù hợp.
Về nguyên tắc quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ quy định "Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp".
UBTVQH cho rằng, việc quy định nội dung trên tại dự thảo Luật có thể phát sinh những bất cập, vướng mắc như: Luật Doanh nghiệp không quy định cụ thể tài sản góp vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp. Nếu bổ sung nguyên tắc này có thể xung đột với khái niệm vốn nhà nước tại doanh nghiệp được quy định tại khoản 6 Điều 3 dự thảo Luật.
Doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội
Đối tượng áp dụng của dự thảo Luật là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và dưới 50% vốn điều lệ do đó ngoài vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp còn có vốn của các thành viên góp vốn/cổ đông khác. Các quy định trong dự thảo Luật đã bảo đảm nguyên tắc doanh nghiệp được chủ động, tự chủ trong việc sử dụng vốn và tài sản cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo phân cấp của đại diện chủ sở hữu nhà nước. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội không quy định nội dung này tại dự thảo Luật.
Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm đúng tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 12-NQ/TW, chỉ tập trung đầu tư vốn vào một số DNNN hoạt động trong lĩnh vực then chốt, thiết yếu hoặc lĩnh vực mà các doanh nghiệp khác không đầu tư.
Thể chế hóa chủ trương của Đảng và tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, quy định phạm vi đầu tư vốn của nhà nước vào doanh nghiệp là những lĩnh vực mà nhà nước cần đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp và đầu tư bổ sung vốn nhà nước, gồm: Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động tại những địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế; doanh nghiệp thuộc lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế.
Về huy động vốn, cho vay vốn, một số ý kiến đề nghị rà soát, chỉnh lý quy định về huy động vốn của doanh nghiệp theo hướng vừa tăng sự chủ động của doanh nghiệp, có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ; giao doanh nghiệp được bảo lãnh hoặc cho công ty con vay vốn và giao Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện được bảo lãnh, cho vay vốn. UBTVQH đã tiếp thu ý kiến ĐBQH và chỉnh lý tại Điều 18 dự thảo Luật.
Quy định này đã thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp do doanh nghiệp thành lập hoặc đầu tư vốn tiếp cận được nguồn vốn hợp lý, tạo nguồn lực để doanh nghiệp phát triển; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định về đánh giá, xếp loại doanh nghiệp. Đánh giá doanh nghiệp dựa trên hiệu quả hoạt động tổng thể của doanh nghiệp, có tính đến thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ không vì mục tiêu lợi nhuận, việc thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới và tác động của yếu tố khách quan.
Dự thảo Luật cũng quy định doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, đây là nội dung để đánh giá mức độ hoàn thành của doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao và trách nhiệm xã hội.
Hải Liên