Thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp giảm ấn tượng

Admin
(Chinhphu.vn) – Năm 2024, Bộ LĐTB&XH đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh”; thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp giảm ấn tượng, các chính sách xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp giảm ấn tượng- Ảnh 1.

Năm 2024, Bộ LĐTB&XH đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh” - Ảnh: VGP/TC

Sáng 27/12, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, lãnh đạo các ban của Đảng, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã dự Hội nghị.

Theo Bộ LĐTB&XH, năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, Bộ đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quán triệt phương châm điều hành của Chính phủ theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và tinh thần "5 quyết tâm", "5 bảo đảm" và "5 đẩy mạnh". Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo và điều hành một cách linh hoạt, đồng bộ và hiệu quả, đặc biệt trong các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Kết quả công tác năm cho thấy những con số khả quan, tích cực.

Trong năm 2024, công tác lao động, người có công và xã hội đã hoàn thành 100% chương trình công tác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Một trong những thành tựu nổi bật là việc tham mưu xây dựng và trình Chính phủ để trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), với tỷ lệ thông qua đạt 93,42%, bao gồm 14 nội dung lớn mang tính cải cách.

Lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc

Cùng với sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế, thị trường lao động đã được chú trọng điều hành theo định hướng hiện đại, linh hoạt và hội nhập. Việc kết nối cung cầu lao động được tăng cường, giúp người lao động tìm kiếm việc làm dễ dàng hơn.

Đặc biệt, lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc, giúp tăng cường sự kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp. Tình hình việc làm và thu nhập của người lao động có sự cải thiện so với cùng kỳ năm 2023.

Quan hệ lao động tại các doanh nghiệp tiếp tục duy trì ổn định, và hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi mạnh mẽ, đạt mức cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, với hơn 150.000 người. Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách ưu đãi cho người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, BHXH, BHTN, giảm nghèo, chăm sóc người cao tuổi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Đặc biệt, Việt Nam đã được mời làm thành viên sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và chính thức gia nhập Liên minh từ tháng 11/2024. Cùng với đó, việc chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội cũng được đẩy mạnh.

Về hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách, pháp luật, năm 2024, theo chương trình công tác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH được giao thực hiện 33 đề án. Tính đến nay, Bộ đã hoàn thành 24 đề án và dự kiến trình thêm 15 đề án.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm ấn tượng

Riêng trong năm 2025, việc triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, đảm bảo sự ổn định của lực lượng lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và vùng kinh tế trọng điểm.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thị trường lao động năm 2024 đã dần trở lại trạng thái bình thường như thời kỳ trước đại dịch COVID-19.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,5 triệu người, tăng 210,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 68,5%, duy trì ở mức cao, phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế.

Số lao động có việc làm đạt 51,4 triệu người, tăng 212.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Số lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 13,7 triệu người (chiếm 26,6%), giảm 126.000 người so với cùng kỳ.

Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận mức giảm ấn tượng, chỉ còn 2,38%, giảm 0,17% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,7%, trong đó 28,1% có bằng cấp hoặc chứng chỉ.

Trong năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về cải cách tiền lương, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; hỗ trợ, kiện toàn hệ thống giải quyết tranh chấp lao động.

Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động để thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7.

Thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp giảm ấn tượng- Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/TC

Đổi mới công tác đào tạo nghề

Bộ LĐTB&XH trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 37 về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Ước tuyển sinh năm 2024 được 2,4 triệu người, đạt 100% kế hoạch. Tổng quan giai đoạn 2021-2024, cả nước tuyển sinh khoảng 8,373 triệu người. Bên cạnh đó, khoảng 7,1 triệu người tốt nghiệp.

Bộ tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn.

Bộ cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng, tăng 35,7%, cao nhất từ trước đến nay.

Thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho 1,074 triệu người có công với cách mạng. Bộ đã làm tốt công tác chăm sóc, điều dưỡng người có công và các phong trào đền ơn đáp nghĩa…; tổ chức các hoạt động tri ân người có công dịp Tết Nguyên đán và Ngày thương binh liệt sỹ đảm bảo trang trọng, thiết thực, ý nghĩa…

Thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững

Bộ LĐTB&XH chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách về giảm nghèo; phân bổ đủ vốn năm 2024 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho các địa phương.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng tham mưu cho Chính phủ tổ chức Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, đến nay đã huy động trên 5.000 tỷ đồng; tham gia thành viên sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo (tại Hội nghị G20).

Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn dưới 1%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 26%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 13,5%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; có 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn và 1 huyện nghèo thoát nghèo.

Giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 4,2% (giảm bình quân khoảng 1,05%/năm); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân trên 4%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3%/năm.

Bộ đã triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội, góp phần ổn định đời sống.

Toàn quốc đã thực hiện chi trả trợ cấp xã hội cho trên 3,8 triệu đối tượng bảo trợ xã hội, kinh phí ước tính 32.000 tỷ đồng.

100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; khoảng 91% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội…

Khẳng định tầm nhìn của chính sách xã hội

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khái quát, nhìn lại năm 2024, ngành LĐ-TB&XH, đã đạt được nhiều điểm nhấn quan trọng.

Ngành ý thức rất sâu sắc trách nhiệm của mình, gần 80 năm từ 2 bộ đầu tiên trong Chính phủ, trải qua 4 lần sáp nhập, các nhiệm vụ xuyên suốt luôn là việc làm, an sinh xã hội, bồi đắp dần và phát triển như hiện nay.

Nói về những thay đổi, đóng góp của ngành trong thời gian qua, Bộ trưởng nhận định, Bộ LĐTB&XH tự hào về những dấu ấn tạo lập được trên hành trình xây dựng, hoàn thiện chính sách xã hội của Việt Nam. Những kết quả này không chỉ lãnh đạo Nhà nước, người dân ghi nhận mà còn giúp Việt Nam trở thành một điển hình ấn tượng với cả thế giới.

Theo Bộ trưởng, những công việc mà ngành đạt được trong thời gian vừa qua, đặc biệt những vấn đề mang tính thể chế. Những chính sách mà ngành đã tham mưu đặt nền móng cho đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đặc biệt là Nghị quyết 42 về tầm nhìn của chính sách xã hội, chuyển từ "ổn định và đảm bảo" sang "ổn định và phát triển".

Bộ trưởng khẳng định niềm tự hào vì nhiều thành tựu của ngành không chỉ được Việt Nam, mà cộng đồng quốc tế ghi nhận, như các lãnh đạo chủ chốt của nhà nước nhận xét, những vấn đề văn bản của ngành có tính chất dấu ấn lịch sử, mở ra một thời kỳ mới cho phát triển chính sách xã hội của Việt Nam.

Tháng 10, hội nghị G7 họp, Bộ trưởng LĐTB&XH Việt Nam là lãnh đạo duy nhất trong số các nước châu Á được mời dự, báo cáo về công tác chăm sóc người yếu thế.

Hội nghị G20 tại Brazil vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng là nhà lãnh đạo được mời để chia sẻ kinh nghiệm về xóa đói giảm nghèo như một điển hình thành công của thế giới. 

Thu Cúc

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Giải quyết bài toán thị trường lao động tại chỗ cho địa phươngGiải quyết bài toán thị trường lao động tại chỗ cho địa phương
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Thị trường lao động đang dần phục hồi sau đại dịchThị trường lao động đang dần phục hồi sau đại dịch
Tham khảo thêm
Tập trung cao độ phát triển thị trường lao độngTập trung cao độ phát triển thị trường lao động