Thị trường trang phục và dụng cụ thể thao lao đao bởi dịch COVID-19

Hoàng Huyền
Cùng với những tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, đại dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng rất lớn đến thị trường trang phục và dụng cụ thể thao do hàng loạt giải đấu bị hoãn hủy. Với những giải đấu vẫn được tổ chức thì người hâm mộ không được vào sân để cổ vũ cho các CLB và ngôi sao mình yêu thích khiến doanh thu bán áo đấu cũng như đồ lưu niệm giảm mạnh.

Thị trường trang phục và dụng cụ thể thao lao đao bởi dịch COVID-19

Các thương hiệu thể thao thế giới lỗ lớn

Theo thông tin được đăng tải trên tờ South China Morning Post, trong giai đoạn đỉnh dịch ở châu Âu gần như tất cả các cửa hàng của Puma và các đối tác đã bị đóng cửa, điều tương tự cũng xảy ra với hầu hết các nhà bán lẻ lớn. Ngày 6/8 vừa qua, Adidas công bố khoản lỗ lớn nhất trong quý II do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến hầu hết các cửa hàng của hãng phải đóng cửa. Cụ thể, doanh số bán hàng theo quý giảm 35% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 3,6 tỷ euro (4,3 tỷ USD), kéo theo khoản lỗ vận hành 333 triệu euro (394 triệu USD).

Đại diện của hãng cũng cho biết, khoảng 70% cửa hiệu của họ trên toàn thế giới đã đóng cửa vì đại dịch và nếu có cửa hiệu nào đã tái hoạt động thì số khách hàng ghé thăm vẫn rất thưa thớt.

Trong khi đó, tập đoàn Nike thông báo doanh thu trong 3 tháng (từ tháng 3-5/2020) đã sụt giảm mạnh cho dù doanh thu bán hàng trực tuyến tăng cao hơn. Nike đã chịu mức lỗ lên tới 790 triệu USD, doanh thu giảm 38% (còn 6,3 tỉ USD). Tại Bắc Mỹ - thị trường lớn nhất của Nike, doanh thu đã giảm tới 46% xuống còn 2,2 tỉ USD; 90% số cửa hàng của tập đoàn này phải đóng cửa trong khoảng 8 tuần. Điểm sáng duy nhất mà Nike có được chính là bán hàng trực tuyến, với doanh thu tăng tới 75%.

Với riêng môn bóng đá, ngày 16/9, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) cho biết, đại dịch COVID-19 đã khiến các đội bóng trên toàn thế giới mất 14 tỷ USD, tương đương 1/3 tổng giá trị.

Theo ước tính của tờ Telegraph, các CLB ở 2 giải đấu cao nhất xứ sở sương mù là Premier League và Championship sẽ phải đối mặt với khoản lỗ kinh hoàng lên tới hơn 1 tỷ bảng nếu như các trận đấu ở mùa giải 2020-2021 không mở cửa cho khán giả vào sân. Ban đầu, Chính phủ Anh cho phép khán giả vào sân (với số lượng rất hạn chế) kể từ ngày 1/10. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hoãn lại bởi vẫn có nhiều mối lo ngại về nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2.

Tại đấu trường Premier League, Manchester United là đội bóng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi thiệt hại tới gần 140 triệu bảng. Trong khi đó, Arsenal xếp sau với thiệt hại ước tính khoảng 122,27 triệu bảng. Liverpool hay Tottenham cũng phải đối diện với khoản lỗ hơn 100 triệu bảng. Ở mức độ thấp hơn là Chelsea và Manchester City. Tính ra, khoản lỗ dự kiến của 20 CLB ở giải Ngoại hạng Anh lên tới 911,66 triệu bảng.

Rõ ràng, việc mở cửa cho khán giả vào sân chẳng khác gì “liều thuốc tiên” với các CLB lớn ở xứ sở sương mù cũng như toàn thế giới ở thời điểm này. Dù vậy, hiện tại, mới chỉ có Bundesliga cho phép khán giả (số lượng từ 10-25% sức chứa) ở một vài sân vận động, với quy tắc nghiêm ngặt. Điều này khiến doanh số bán áo đấu và đồ lưu niệm cũng sụt giảm, các nhà tài trợ hùng mạnh khó tìm hơn. Bóng đá nói riêng và các môn thể thao khác nói chung vẫn bị COVID-19 tấn công.

Công ty CP Động Lực chuyển hướng đầu tư sang sản xuất bóng đá, giày, thời trang thể thao để giúp tăng trưởng

Thị trường trong nước cũng đìu hiu

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và tái bùng phát vào cuối tháng 7 tại TP. Đà Nẵng đã tác động đến đà khôi phục việc làm, cải thiện thu nhập của người lao động và doanh thu của các đơn vị kinh doanh trang phục, dụng cụ thể thao sau thời gian giãn cách toàn xã hội hồi tháng 4.

Anh Nguyễn Thanh Bình - thành viên của Ban Tổ chức giải bóng bàn Hà Đông Super League chia sẻ, tác động tiêu cực của dịch COVID-19 thời gian qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định mua đồ dùng, trang phục thể thao mới của nhóm VĐV phong trào. Theo anh, trước những tác động của dịch thì các VĐV phong trào không có nhiều cơ hội tập luyện cũng như thi đấu. Bên cạnh đó, nhiều người cũng bị giảm thu nhập nên phải hoãn lại kế hoạch mua đồ mới và tận dụng lại những đồ tập luyện và thi đấu cũ của mình đã mua trước đây.

Anh Trần Anh Đức - chủ cửa hàng Anh Đức Sport ở huyện Thường Tín (Hà Nội) lo lắng, COVID-19 đã khiến doanh thu của cửa hàng anh giảm tới 60% trong thời gian qua. Anh Đức thừa nhận, đây là thiệt hại rất lớn đối với những cửa hàng chuyên kinh doanh trang thiết bị, dụng cụ và trang phục thể thao. Tương tự, anh Dinh - chủ một chuỗi cửa hàng về trang phục thể thao tại quận Đống Đa (Hà Nội) cũng cho biết, kể từ đầu năm 2020 đến nay, xu hướng mua sắm trang phục thể thao của người dân có sự sụt giảm đáng kể so với những năm gần đây.

Trong khi đó, ông Lê Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Động Lực chia sẻ: “Cũng như bao doanh nghiệp khác, công ty chúng tôi cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ trong hoạt động kinh doanh sau 2 đợt dịch COVID-19. Mặc dù hết sức khó khăn, nhưng Động Lực vẫn duy trì sản xuất để tạo việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động. Cái khó khăn nhất là các hoạt động TDTT trên cả nước bị tạm dừng, mà doanh nghiệp lại kinh doanh sản xuất các mặt hàng liên quan đến TDTT nên hầu như hàng hóa không tiêu thụ được. Doanh thu giảm còn 10% so với thời kỳ chưa có dịch. Nhất là các mặt hàng xuất khẩu chịu thiệt hại nặng nề vì hàng hóa không được thông thương. Trong khi đó, công ty phải lo các khoản chi phí liên quan đến người lao động như trả lương, đóng bảo hiểm, nộp phí công đoàn... và các khoản chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào, thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng...”.Thị trường trang phục và dụng cụ thể thao lao đao bởi dịch COVID-19

Được biết, trước những khó khăn thách thức, Động Lực đã buộc phải giảm giờ làm cho cán bộ, nhân viên, cho phép một số bộ phận làm việc tại nhà và giãn thời gian nhận hàng của đối tác. Cùng với đó, công ty cũng gửi công văn đề nghị các đơn vị liên qua cho giãn trả quyền lợi tài trợ, giảm giá thuê mặt bằng...

Trong thời gian này, công ty Động Lực cũng rà soát kiểm tra lại các phương tiện máy móc để bảo dưỡng và vệ sinh công nghiệp... Đặc biệt, doanh nghiệp hết sức quan tâm chăm lo đến sức khỏe của cán bộ, công nhân viên bằng cách trang bị khẩu trang, thuốc sát khuẩn và tăng cường phổ biến, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng tăng cường tổng vệ sinh trong và ngoài công ty để hạn chế dịch bệnh. Nhờ có những biện pháp tích cực đó nên toàn công ty không có ai bị nhiễm virus COVID-19.

Ông Lê Văn Thành thừa nhận, “khủng hoảng do COVID-19 đã thay đổi nhiều đến mọi vấn đề, từ mô hình kinh doanh đến cách vận hành doanh nghiệp và đặc biệt phải thích nghi với trạng thái bình thường mới... Ngay trong thời gian chưa hết dịch, chúng tôi đã phải cân bằng chiến lược, cắt giảm chi phí không cần thiết, đồng thời chuyển hướng đầu tư sang các yếu tố giúp tăng trưởng (sản xuất bóng đá, giày, thời trang thể thao...). Đây chính là thời điểm thích hợp để xem xét lại các lĩnh vực ưu tiên và đào tạo nhân viên theo cách vận hành mới, đồng thời tăng cường ứng dụng kỹ thuật số vào tất cả các khâu công tác. Việc phải nắm bắt thị trường, những thay đổi sau đại dịch để có giải pháp phù hợp với giai đoạn hậu COVID-19 để công ty đưa ra những ý tưởng có thể áp dụng tốt hơn nhằm cạnh tranh trên thị trường. Đương nhiên, chúng tôi vẫn phải có kế hoạch đối phó nếu dịch bùng phát trở lại để hạn chế khủng hoảng...”.

Lê Thị Thu Hương/tapchithethao.vn