“Ban đầu, mục tiêu của mình chỉ đơn giản là chia sẻ với các mẹ cũng đang nuôi con nhỏ những cuốn sách về giáo dục, dinh dưỡng, nấu ăn, nuôi dạy con, phát triển bản thân,… Nhưng khi sắp xếp lại tủ sách, mình nhận thấy còn có rất nhiều cuốn sách, truyện thiếu nhi rất hay khác. Việc chia sẻ sách ngày càng rộng rãi hơn, cho mình biết thêm nhiều người bạn mới. Họ cũng động viên mình mở một thư viện nhỏ cho cộng đồng cùng đọc sách” - chị Hương kể.
Thư viện “Ban công của mẹ” với toàn bộ sách của gia đình ra đời từ đó. Cái tên nói lên tất cả, là tình yêu thương của mẹ dành cho con qua việc giúp con trau dồi tri thức từ những cuốn sách. Không chỉ vậy, “Ban công của mẹ” còn mang ý nghĩa đặc biệt khác, là bởi thư viện được xây dựng tại nhà của bố mẹ chị, cũng là nơi đại gia đình chị sinh sống.
Thư viện của chị Hương vẫn ngày ngày được bổ sung thêm các đầu sách mới, từ một số phụ huynh muốn gửi sách tới thư viện để làm phong phú thêm tủ sách. Sau một thời gian vận hành, chị Hương nhận thấy, điều căn bản để giúp con có niềm yêu thích đọc sách là được bố mẹ đồng hành, chỉ dẫn và con cũng được đọc cuốn sách phù hợp với sở thích, lứa tuổi của mình.
“Việc sử dụng mạng xã hội với nội dung ngắn quá sớm khiến các con dễ bị mất tập trung. Nên với những bạn khi đến với thư viện mà vẫn chưa thích đọc, tôi hướng dẫn các con đọc từ các quyển sách có tranh ảnh, dần dần, con đã yêu thích việc đọc sách hơn” - chị Hương nói.
Không chỉ là không gian “thắp lửa” văn hóa đọc, nhiều kỷ niệm đẹp được chị Hương nhớ mãi. Đó là những cặp mẹ con đến đọc sách, mượn sách về nhà đọc và nâng niu như một tài sản quý giá.
“Các con được mẹ dạy rằng sách mượn của bác nên đừng viết gì vào sách, hoặc con biết để sách mượn bác ra một ngăn tủ riêng để không bị lẫn lộn và tập thói quen cất sách đúng chỗ sau khi đọc. Những sự đáng yêu bé nhỏ đó như những ngọn nến lung linh, khiến mình ấm áp vô cùng” - chị Hương kể.