Thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường theo quy định khi Thông tư về dạy thêm, học thêm có hiệu lực

Admin
(PNTĐ) - Ngày 14/2, Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm sẽ có hiệu lực. Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết các nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động giáo dục theo quy định sau khi Thông tư này có hiệu lực.

Tin liên quan

Từ 15/1, Trường THPT Chu Văn An chính thức trở thành Trường THPT chuyên Chu Văn An

Hoàn thành triển khai thí điểm học bạ số bậc tiểu học với 11.400 trường tiểu học

Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định về dạy thêm, học thêm

Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm, có hiệu lực kể từ ngày 14/2/2025 và thay thế Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT hiện hành.

Trong đó, Điều 5 quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường như sau:

1. Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:

a) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;

b) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;

c) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

2. Nhà trường tổ chức cho học sinh thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này viết đơn đăng kí học thêm theo từng môn học ở từng khối lớp (theo Mẫu số 01 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).

3. Căn cứ vào số học sinh đăng kí, nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm đối với từng môn học ở từng khối lớp.

4. Việc xếp lớp, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm yêu cầu sau:

a) Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 (bốn mươi lăm) học sinh;

b) Không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường;

c) Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 (hai) tiết/tuần.

5. Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường hoặc niêm yết tại nhà trường.

Thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường theo quy định khi Thông tư về dạy thêm, học thêm có hiệu lực - ảnh 1
Ảnh minh họa.

Về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Điều 6 Thông tư 29 quy định:

1. Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:

a) Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).

2. Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.

3. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).

Thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường theo quy định khi Thông tư về dạy thêm, học thêm có hiệu lực - ảnh 2

Trước việc siết chặt vấn đề dạy thêm, học thêm, nhiều trường học và giáo viên đã có nhiều "tâm tư" khi hoạt động dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền, do nhà trường không có nguồn kinh phí để chi cho hoạt động này. Đồng thời băn khoăn liệu chất lượng ôn tập cho học sinh có chất lượng khi giáo viên phải dạy miễn phí. 

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Điều lệ nhà trường quy định: Các hoạt động giáo dục thực hiện theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, được tổ chức trong và ngoài giờ lên lớp, trong và ngoài khuôn viên nhà trường, nhằm thực hiện chương trình các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Hoạt động giáo dục thông qua một số hình thức chủ yếu: học lí thuyết, làm bài tập, thực hành, thí nghiệm, thực hiện các dự án học tập, tham quan, cắm trại, đọc sách, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng.

Vì vậy, ngoài giờ học trên lớp, các nhà trường cần phải dành thời gian tổ chức cho học sinh khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất của nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục theo quy định, qua đó luyện tập, vận dụng kiến thức đã học để phát triển phẩm chất, năng lực theo yêu cầu của chương trình.