Trên hồ Hòa Bình có những vịnh nước nhỏ, trong xanh suốt bốn mùa, hai bên bờ hồ là những cánh rừng bạt ngàn với hệ thực vật phong phú xen lẫn những bản làng dân tộc còn nguyên bản sắc. Tất cả đã tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, bình yên giữa một vùng sông nước mênh mang. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư phát triển nhiều loại hình du lịch.
Đến với Khu du lịch hồ Hòa Bình, ngoài việc thưởng ngoạn phong cảnh tươi đẹp, khám phá hang động, leo núi, cắm trại, đi lễ cầu may, du khách còn có thể thăm các điểm du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Những người dân Mường, Thái, Dao vốn sinh sống trong thung lũng dọc sườn đồi hai bờ sông Đà, do mực nước dâng khi xây dựng thủy điện, họ đã chuyển lên cao trú ngụ. Mặc dù vậy, họ đều giữ nếp sinh hoạt và tập quán tự ngàn xưa, sống trong những ngôi nhà truyền thống, làm nương, trồng rừng, chăn nuôi và đánh bắt tôm, cá trên hồ.
Tùy theo sở thích và quỹ thời gian mà du khách có thể chọn cho mình những điểm du lịch cộng đồng khác nhau. Dọc theo hai bên hồ là các cụm nhà nghỉ cộng đồng thuộc thành phố Hòa Bình, huyện Đà Bắc, Cao Phong và Mai Châu. Chỉ cách đập thủy điện chưa đầy nửa giờ đồng hồ, bản Bích Trụ là điểm đến lý tưởng cho du khách muốn tận hưởng thiên nhiên, ngắm cảnh đẹp hoàng hôn rực rỡ trên hồ Hòa Bình. Tại đây, du khách có thể thư thái dạo bước trên những con đường nhỏ ven hồ, ngắm toàn cảnh đập thủy điện từ trên cao, gặp gỡ và trò chuyện với người dân bản Mường luôn thân thiện và hiếu khách.
Xa thêm chút nữa, xóm Ké, Mó Hém (dân tộc Mường), xóm Sưng (dân tộc Dao)… là các điểm du lịch cộng đồng nằm trong các vịnh nhỏ thơ mộng trên hồ. Du khách sẽ có cơ hội đạp xe, đi bộ thăm bản, tắm thác, leo núi, chèo thuyền, nghỉ tại nhà dân, xem biểu diễn văn nghệ, tắm lá thuốc dân tộc và mua các sản phẩm địa phương. Đặc biệt, cụm bản làng du lịch cộng đồng của huyện Đà Bắc có điểm du lịch cộng đồng Đá Bia đã vinh dự được nhận giải thưởng du lịch cộng đồng Asian năm 2018, trở thành một điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Tạm biệt Đà Bắc, du khách tiếp tục hành trình đến vịnh Ngòi Hoa, nơi sinh sống của hơn 80 hộ dân ở Điểm văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mường xóm Ngòi, xã suối Hoa, huyện Tân Lạc. Tại đây, du khách được tận hưởng cảm giác thật bình yên, ung dung tản bộ trên những con đường nhỏ trong thung lung giữa bạt ngàn cây trái. Xóm Ngòi trên Khu du lịch Hồ Hoà Bình chính là điểm đến lý tưởng cho những kỳ nghỉ cuối tuần. Đến với nơi này, du khách được tìm hiểu đời sống văn hóa người Mường trong những nếp nhà sàn với những phong tục tập quán cổ xưa còn được lưu giữ, hòa mình giữa âm thanh vang vọng của tiếng chiêng, điệu múa sênh tiền, diễn xướng Mo Mường…, được vui chơi dưới nước, chèo thuyền đánh bắt cá, đi bộ, leo núi khám phá thắng cảnh quốc gia động Hoa Tiên. Cho đến nay, xóm Ngòi là một trong những bản ven lòng hồ đẹp và nguyên sơ nhất của tỉnh. Người dân xóm Ngòi mộc mạc và hiếu khách, là một trong những lý do khiến nhiều du khách muốn quay trở lại nhiều lần.
Tiếp tục hành trình dọc hồ Hòa Bình là cụm bản làng người Thái ở các xã Ba Khan, Phúc Sạn thuộc huyện Mai Châu. Nơi này du khách có thể đi bằng đường bộ sau khi thăm đèo Đá trắng (Tân Lạc). Đường giao thông khá thuận lợi, hai bên đường dẫn tới các bản có cảnh vật vô cùng sống động, bắt mắt và tươi đẹp. Từ Ba Khan, du khách có thể ngắm toàn cảnh vùng hồ rộng lớn với những góc nhìn đẹp nhất, những nếp nhà nhỏ xinh của người Thái, Mường dưới chân núi xen lẫn những rừng tre, trúc thẳng tắp một màu xanh. Ở Phúc Sạn, du khách còn có thể thăm thác Gò Lào hùng vỹ, thác đổ những dòng trắng xóa suốt bốn mùa.
Với những tiềm năng và lợi thế về vị trí địa lý, được sự tạo điều kiện và hỗ trợ của chính quyền các cấp, du lịch cộng đồng trên Khu du lịch hồ Hòa Bình đã được hình thành và ngày càng phát triển. Mỗi điểm du lịch đều có nét độc đáo riêng, mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc và là nơi hấp dẫn cho du khách đến khám phá, trải nghiệm tại Hòa Bình.
Kim Oanh