“Tôi và thế giới 8 tỉ người” là cuộc thi được Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức từ ngày 28/10 đến 14/11/2022 với thông điệp “Con người là giải pháp, không phải là vấn đề”.
Theo Ban tổ chức, cuộc thi đã nhận được gần 120 bài dự thi của công dân Việt Nam, ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là các em học sinh tiểu học. Họ không chỉ có đam mê vẽ tranh, thiết kế và sáng tạo mà còn nuôi dưỡng nhiều ước mơ cho tương lai. Tác giả nhỏ tuổi nhất tham gia cuộc thi là một bạn nhỏ 5 tuổi với tác phẩm “Hãy để tình yêu sưởi ấm ngôi nhà Trái đất của bạn”. Nhìn chung, các bài dự thi chia sẻ những ý tưởng sáng tạo để xây dựng một thế giới tốt đẹp và vững mạnh hơn, nơi mọi người có thể tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau.
Ban tổ chức đã trao giải thưởng Tập thể cho Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng; Giải Đặc biệt cho bạn Lê Bảo Linh với tác phẩm mang tên “City of Lights” với thông điệp “mỗi người đều có tiềm năng riêng, những người đó như những ngôi sao trên trời tỏa sáng rực rỡ”. Ngoài ra, ban tổ chức còn trao giải sáng tạo, thẩm mỹ… cho các tác giả Nguyễn Phương Thảo (5 tuổi); Nguyễn Phúc Long…
Cuộc thi vẽ “Tôi và thế giới 8 tỉ người” là hoạt động thuộc Chiến dịch truyền thông "Một thế giới 8 tỉ người" nhằm mục đích lan tỏa niềm vui đến cộng đồng cũng như nhằm tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền con người và gợi mở về những cơ hội, thách thức khi dân số thế giới đạt con số 8 tỉ. Đây là một chiến dịch mang tính toàn cầu, chiến dịch không chỉ tập trung vào những con số mà còn nhìn vào những thách thức thật sự mà chúng ta phải đối mặt: Đảm bảo cuộc sống trọn vẹn cho một thế giới 8 tỉ người.
Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam nhấn mạnh, mặc dù còn nhiều thách thức trước mắt như biến đổi khí hậu, xung đột và COVID-19, việc thế giới đạt 8 tỉ người là một câu chuyện về thành công. Chúng ta đã giảm được tỉ lệ nghèo đói và đạt được những tiến bộ vượt bậc trong các vấn đề xã hội. Chúng ta đang có dân số đông đảo hơn bao giờ hết, một phần là do tuổi thọ tăng lên, đồng thời tỉ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh giảm đi. Con người chính là giải pháp, không phải là vấn đề. Kinh nghiệm trước đây cho thấy đầu tư vào con người, vào quyền và sự lựa chọn của con người, là con đường dẫn đến xã hội hòa bình, thịnh vượng và bền vững.
Bày tỏ tại Lễ trao giải, BTV Quang Huy, Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng, thế giới đạt cột mốc 8 tỉ người với tâm thế hoàn toàn khác với mốc 6 tỉ, 7 tỉ người. Và, chúng ta cùng nhau giải quyết những vấn đề của thế giới 8 tỉ người như thông điệp của cuộc thi vẽ "Tôi và thế giới 8 tỉ người": Con người là giải pháp, không phải là vấn đề.
Được biết, bên cạnh cuộc thi vẽ, các hoạt động trong Chiến dịch truyền thông "Một thế giới 8 tỉ " còn có hành trình chuyến xe bus "I’m in 8 billion" di chuyển từ Hà Nội - Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh từ ngày 16 đến 30/11/2022. Thông điệp “8 tỉ hi vọng, 8 tỉ giấc mơ, 8 tỉ giải pháp” cũng sẽ được in lên chuyến xe buýt liên tỉnh này. Ngoài ra, còn có các chương trình, talkshow của Đài Truyền hình Việt Nam về sự kiện "I’m in 8 billion".
Các phát hiện chính của Báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới năm 2022:
1. Dân số thế giới được dự báo sẽ đạt mức cao nhất, khoảng 10,4 tỷ người vào những năm 2080 và duy trì ở mức đó cho đến năm 2100.
• Mất khoảng 12 năm để tăng từ 7 tỉ lên 8 tỷ, xấp xỉ thời gian thời gian từ 6 tỷ lên 7 tỷ. Một tỷ tiếp theo dự kiến sẽ cần khoảng 14,5 năm (năm 2037).
2. Một nửa trong số 8 tỷ người được bổ sung vào dân số thế giới là kết quả của khuynh hướng nhân khẩu học ở châu Á. Châu Phi đóng góp lớn thứ hai (gần 400 triệu người).
• 10 quốc gia đã đóng góp hơn một nửa mức tăng trưởng dân số từ 7 tỷ đến 8 tỷ. Cho đến nay, Ấn Độ là nước đóng góp lớn nhất, tiếp theo là Trung Quốc và Nigeria.
• Châu Phi và châu Á sẽ thúc đẩy sự gia tăng dân số cho đến khi đạt được con số 9 tỷ người vào năm 2037.
3. Ngày nay, 2/3 dân số toàn cầu sống ở một quốc gia hoặc khu vực có mức sinh dưới 2,1 con trên một phụ nữ (còn gọi là mức sinh thay thế).
• Tuổi thọ trung bình toàn cầu đạt 72,8 tuổi vào năm 2019, tăng gần 9 năm tuổi kể từ năm 1990. Nhưng vào năm 2021, tuổi thọ của các nước kém phát triển nhất đã tụt hậu 7 năm tuổi so với mức trung bình toàn cầu.
• Ở nhiều nước đang phát triển, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (từ 25 đến 64 tuổi) ngày càng tăng.