Tri thức lịch Đoi và Lễ hội Khai Hạ của người Mường trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Hoàng Huyền
Bộ VHTTDL vừa ban hành 2 quyết định công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cả hai di sản này đều thuộc về tỉnh Hòa Bình.

Cụ thể, Bộ VHTTDL quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với "Tri thức dân gian Tri thức Lịch Đoi (Lịch tre) của người Mường" tỉnh Hòa Bình và Lễ hội truyền thống "Lễ hội Khai hạ của người Mường" huyện Tân Lạc, huyện Lạc Sơn, huyện Cao Phong, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

Tại các quyết định này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL giao Chủ tịch UBND các tỉnh nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

tri-thuc-lich-doi-va-le-hoi-khai-ha-cua-nguoi-muong-tro-thanh-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-dulichgiaitri-van-hoa-1659250692.jpg
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường ở Hòa Bình (Ảnh: Báo Hòa Bình Điện tử)

Lịch Đoi là bộ lịch cổ của người Mường. Người Mường quan sát sự vận động của mặt trăng, dựa vào đặc tính của trăng trong chu kỳ tháng, cũng như sự vận chuyển của sao Đoi, để phân định thời gian, ngày, giờ, tuần, tháng, năm và chế định ra 12 thẻ tre (còn gọi là lịch tre). Mỗi thẻ tre là một tháng, trong đó có số ngày trong tháng, ghi theo lối khắc gạch những ngày tốt, xấu, ngày mưa, ngày gió, ngày cá, ngày thú, ngày đại cát hay ngày xích khẩu… để đi làm ăn, làm nhà mới, cưới vợ, gả chồng hay công to việc lớn trong Mường.

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường ở Hòa Bình hay còn gọi là lễ hội Khuống mùa, là lễ hội dân gian truyền thống có từ rất lâu đời của người Mường Hòa Bình. Lễ hội gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ; là hoạt động văn hóa-tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình, đặc biệt là ở 4 vùng mường lớn của tỉnh Hòa Bình: Bi, Vang, Thàng, Động.

Lê Chung