Triển lãm “Màu sắc và Hoa văn: Đường đến với nghệ thuật Iran” gồm 2 khu trưng bày. Khu trưng bày ảnh gồm các tác phẩm tranh ảnh về họa tiết sen tại quần thể Cung điện Persepolis và về tranh tiểu họa đương đại Iran của tác giả Mahmoud Farshchian.
Khu trưng bày thủ công mỹ nghệ giới thiệu khoảng 10 loại hình nghệ thuật của Iran bao gồm: Chạm khắc đồng, pháp lam hay nghệ thuật tráng men, dệt thảm, khảm Ba Tư, khảm đá ngọc lam trên đồng, in họa tiết trên vải, thêu đính đá, vẽ trang trí trên đồng, dệt vải thủ công… Ngoài ra, khách tham quan bảo tàng còn được trải nghiệm hoạt động biểu diễn thư pháp Ba Tư tại Bảo tàng Hà Nội trong lễ khai mạc.
Với hàng nghìn năm lịch sử, nghệ thuật truyền thống Iran (Ba Tư) phản ánh tâm hồn của một nền văn minh cổ đại. Các loại hình nghệ thuật truyền thống này không chỉ thể hiện sự khéo léo của các nghệ nhân Ba Tư mà còn kể những câu chuyện về di sản và sự phát triển của văn hóa Iran.
Nghệ thuật truyền thống Iran đã có nhiều đóng góp vào sự phong phú của nghệ thuật và văn hóa thế giới với các loại hình nghệ thuật đặc sắc như: nghề dệt thảm, tranh tiểu họa Ba Tư, đồ gốm, kiến trúc, âm nhạc, thư pháp, men thủy tinh, khảm gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ,… Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của nghệ thuật truyền thống Iran là sự kết hợp tinh tế giữa các hoa văn, họa tiết và màu sắc, qua đó tạo nên vẻ đẹp ấn tượng của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Phát biểu tại triển lãm, ngài Ali Akbar Nazari, Đại sứ nước Cộng hòa hồi giáo Iran cho biết, Iran có nền văn hóa lâu đời, đóng góp vào sự phong phú của nghệ thuật và văn hóa thế giới. Từ nghề dệt thảm đến tranh tiểu họa Ba Tư, đồ gốm đến kiến trúc, từ âm nhạc đến thư pháp, hàng thủ công mỹ nghệ…
Triển lãm được tổ chức với mục đích giới thiệu sự kết hợp hài hòa giữa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị và các bức ảnh thể hiện vẻ đẹp đặc biệt của nghệ thuật Iran. Du khách có thể trải nghiệm những điển hình nghệ thuật cổ đại của Iran và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Iran vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay.
Ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao cho rằng, chia sẻ những giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết hiện tại và hướng tới tương lai là những cơ sở quan trọng để hai nước thiết lập mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt, xây dựng và phát triển quan hệ trong suốt 51 năm qua.
“Những hoạt động trao đổi văn hóa, nghệ thuật giữa hai nước thời gian qua thể hiện tình cảm gắn bó giữa hai dân tộc chúng ta, cùng nhiều hoạt động thiết thực khác, là những viên gạch góp phần xây dựng nên nền móng vững chắc cho quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt giữa hai đất nước”, ông Nguyễn Minh Vũ nói.