Từ sau Tết, 61% lao động công nhân muốn tìm việc khác

Admin
Lao động công nhân cần tìm việc làm online, gia công tại nhà, bán hàng, tài xế... với mong muốn làm những công việc linh hoạt về thời gian.
tu-sau-tet-61-lao-dong-cong-nhan-muon-tim-viec-khac-dulichgiaitri-1655953337.jpeg
 

Sàn giao dịch phổ biến về việc làm của lao động phổ thông là Việc Làm Tốt - nền tảng của Công ty TNHH Chợ Tốt, thuộc Tập đoàn Carousell (Singapore) mới đây đã có báo cáo về cung - cầu thị trường lao động phổ thông nửa đầu năm 2022.

Theo thống kê từ dữ liệu lớn của chuyên trang Việc Làm Tốt, thị trường lao động phổ thông tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng đáng chú ý về nhu cầu tìm việc. Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, nền kinh tế đã có những chuyển biến và phục hồi tích cực.

Thị trường lao động phổ thông nửa đầu năm 2022 ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt trong nhu cầu tìm việc dù có trải qua giai đoạn trầm lắng thường niên trước và sau Tết Âm Lịch (vào tháng 12 đến tháng 1 hàng năm). Đỉnh điểm gia tăng lượng tìm việc kể từ khi hết giãn cách là tháng 3/2022 khi tăng 31% so với tháng 10/2021.

Theo đó, mọi nhóm ngành chính của lao động phổ thông đều ghi nhận sự tăng trưởng trong quý I/2022. Đáng chú ý, nhóm ngành nhân viên nhà hàng - khách sạn có sự phục hồi mạnh mẽ khi tăng tới 25% so với cao điểm quý IV/2021. Bên cạnh đó, nhóm ngành bán lẻ (làm việc tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) và tài xế, giao nhận cũng ghi nhận mức tăng trưởng trong nhu cầu tìm việc từ giai đoạn sau Tết lần lượt là 13% và 19%.

Lương shipper tăng mạnh

Tài xế là nhóm lao động phổ thông có mức lương cao nhất và tăng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm, theo dữ liệu của Việc Làm Tốt.

Dữ liệu cho thấy mức lương bình quân toàn thị trường tăng trưởng xuyên suốt trong những tháng đầu năm 2022, và đạt đỉnh vào tháng 4/2022 khi tăng trưởng 12,4% so với thời điểm đầu năm. Đặc biệt là thời điểm sau Tết Âm Lịch (tháng 3/2022) ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt nhất với mức tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhóm ngành tài xế giao nhận và nhà hàng khách sạn tăng trưởng cao nhất với mức tăng lần lượt là 11,2% và 10,4%.

Từ sau Tết, 61% lao động công nhân muốn tìm việc khác - dulichgiaitri

Tài xế là nhóm lao động phổ thông có mức lương cao nhất và tăng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm, theo dữ liệu của Việc Làm Tốt. (Đơn vị: triệu đồng)

Đáng chú ý ở nhóm ngành công nhân, mức lương trung bình ghi nhận được ở Tp.HCM vượt lên dẫn đầu ở mức 9,8 triệu đồng/tháng. So với giai đoạn quý IV/2021, mức lương của nhóm ngành này ở Bình Dương và Đồng Nai giữ nguyên, không có sự thay đổi nào.

Trong khi đó, mức lương của công nhân ở Tp.HCM vốn luôn ở mức thấp so với cùng vị trí tại các tỉnh tập trung khu chế xuất, nhà máy như Bình Dương, Đồng Nai, vẫn tiếp tục tăng từ sau thời điểm giãn cách xã hội đến nay.

Việc các doanh nghiệp tại Tp.HCM liên tục nâng cao mức lương cho nhóm ngành công nhân phản ánh mức độ thiếu hụt nguồn nhân lực so với nhu cầu sản xuất thực tế.

Lý giải cho điều này, Việc Làm Tốt cho rằng phần nào có thể do sự dịch chuyển của hơn 500.000 người lao động từ Tp.HCM trở về quê vào cuối năm 2021 (theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê trong tháng 1/2022).

Lao động nhập cư muốn quay lại thành phố lớn làm việc

Trong thời gian giãn cách xã hội từ tháng 8/2021 để phòng chống dịch Covid-19 lần thứ 4 tại TP.HCM, phần đông lao động nhập cư thất nghiệp đã lựa chọn về quê (chiếm hơn 22%). Bên cạnh đó, chỉ có khoảng 16% cố bám trụ lại thành phố để tìm việc khác, hy vọng dịch qua đi sẽ nhanh chóng đi làm ngay, hoặc lựa chọn các công việc thời vụ, bán thời gian để trang trải thu nhập trong ngắn hạn.

Khi nền kinh tế dần phục hồi sau dịch, có đến hơn 2/3 lao động muốn quay trở lại tìm việc ở các thành phố trọng điểm, theo khảo sát của Việc Làm Tốt.

Từ sau Tết, 61% lao động công nhân muốn tìm việc khác (Hình 2). - dulichgiaitri

Có đến hơn 2/3 lao động muốn quay trở lại tìm việc ở các thành phố trọng điểm, theo khảo sát của Việc Làm Tốt.

Trong số những lao động đã về quê trong thời gian qua, có hơn 68% lao động còn lại mong muốn quay trở lại thành phố tìm việc, khoảng 18% người đã tìm được việc và chỉ 13% có dự định tiếp tục tìm việc ở quê nhà thay vì quay lại các thành phố trọng điểm.

"Trong số những ngành nghề phổ thông phổ biến, lao động công nhân là nhóm có xu hướng tìm việc thay đổi rõ rệt hơn hẳn", báo cáo nêu.

Việc Làm Tốt cho biết khảo sát cho thấy có khoảng 61% số lao động từng làm công nhân nay bắt đầu tìm việc ở những nhóm ngành khác, với mong muốn làm những công việc linh hoạt về thời gian.

Do vậy, đa phần những công việc mà nhóm lao động này tìm kiếm là những công việc làm trực tuyến (online) hoặc gia công tại nhà, bán hàng, tài xế, giao vận.

Trần Thu Thảo