Vi phạm quảng cáo hoạt động đặt cược và trò chơi có thưởng có thể bị phạt tới 80 triệu đồng

Add
Vi phạm về quảng cáo hoạt động kinh doanh đặt cược và trò chơi có thưởng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép kinh doanh hoặc nội dung và hình thức quảng cáo không đúng quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng. Đó là một trong nhiều điểm mới của Nghị định số 137/2021/NĐ-CP.
vi-pham-quang-cao-hoat-dong-dat-cuoc-va-tro-choi-co-thuong-co-the-bi-phat-toi-80-trieu-dong-bao-du-lich-dulichgiaitrivn-phap-luat
Ảnh minh họa (Ảnh: internet)

Bộ Tài chính đã thông tin chính thức về việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 137/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đặt cược và trò chơi có thưởng và Nghị định số 121/2021/NĐ-CP ngày 27/12/2021 về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài. Theo đó, Nghị định 137/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và thay thế toàn bộ các quy định về xử phạt vi phạm hành chính tại các Nghị định về kinh doanh đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng (TCĐTCT). Nghị định số 121/2021/NĐ-CP về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 12/02/2022 cũng có một số quy định mới nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý giám sát chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.

Quảng cáo sai quy định có thể bị phạt tới 80 triệu đồng

Nghị định số 137/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đặt cược và trò chơi có thưởng quy định cụ thể về hình thức xử phạt, thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực đặt cược và trò chơi có thưởng (gồm đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài (TCĐTCT).

Điểm nổi bật của Nghị định 137/2021 gồm: Quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực đặt cược và trò chơi có thưởng theo các hình thức: Cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (ĐĐKKD) có thời hạn (tối đa là 24 tháng), tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để VPHC. Mức phạt tối đa là 200 triệu đồng đối với tổ chức và 100 triệu đồng đối với cá nhân. Trong đó, quy định rõ: Phạt tiền từ 180 - 200 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm về điều kiện tổ chức kinh doanh, về phạm vi kinh doanh, về quản lý đối tượng được phép chơi đặt cược và trò chơi có thưởng, về số lượng máy trò chơi, bàn trò chơi và chủng loại, loại hình trò chơi có thưởng đối với kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng (TCĐTCT). Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận ĐĐKKD tối đa là 24 tháng.

Nghị định quy định cụ thể các chức danh có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt VPHC và mức phạt tối đa của từng chức danh trong lĩnh vực đặt cược và trò chơi có thưởng gồm:

Chánh Thanh tra Sở Tài chính có quyền phạt tiền đến 100 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện VPHC đến 200 triệu đồng; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tài chính có quyền phạt tiền đến 140 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện VPHC đến 280 triệu đồng;

Chánh Thanh tra Bộ Tài chính có quyền phạt tiền đến 200 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện VPHC và tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận ĐĐKKD có thời hạn.

Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Trưởng phòng Công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 40 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện VPHC đến 80 triệu đồng; Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 100 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện VPHC; Cục trưởng thuộc Bộ Công an có quyền phạt tiền đến 200 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện VPHC.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 200 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện VPHC và tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận ĐĐKKD có thời hạn.

Nâng mức phạt tiền đối với các hành vi VPHC về hồ sơ cấp Giấy chứng nhận ĐĐKKD, về Thể lệ trò chơi/Thể lệ đặt cược… nhằm phản ánh đúng tính chất, mức độ vi phạm và đảm bảo tính răn đe, nghiêm khắc của pháp luật. Phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, tẩy xóa các tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận ĐĐKKD, từ 80 - 100 triệu đồng đối với hành vi lập, xác nhận hồ sơ, tài liệu giả mạo tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận ĐĐKKD; phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi không gửi Thể lệ trò chơi/Thể lệ đặt cược cho cơ quan nhà nước, từ 90 - 100 triệu đồng đối với hành vi không công bố công khai Thể lệ trò chơi/Thể lệ đặt cược, từ 180 - 200 triệu đồng đối với hành vi không xây dựng và ban hành Thể lệ trò chơi/Thể lệ đặt cược.

Đối với một số hành vi vi phạm có tính tương đồng, Nghị định quy định mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh casino và đặt cược cao hơn mức phạt tiền trong kinh doanh TCĐTCT (như vi phạm quy định về quản lý máy trò chơi, bàn trò chơi, thiết bị trò chơi; về trả thưởng, xác nhận tiền trúng thưởng…) nhằm phản ánh đúng tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm giữa các loại hình vui chơi có thưởng và đảm bảo đúng nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính.

Ảnh minh họaẢnh minh họa (Ảnh: internet)

Đặc biệt, điểm mới của Nghị định số 137/2021/NĐ-CP là việc bổ sung 02 nhóm hành vi VPHC gồm: Đối với hành vi vi phạm về quảng cáo có thể bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng trong trường hợp quảng cáo hoạt động kinh doanh đặt cược và trò chơi có thưởng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép kinh doanh hoặc nội dung và hình thức quảng cáo không đúng quy định của pháp luật.

Đối với hành vi vi phạm về phòng chống rửa tiền: Phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với hành vi không cập nhật thông tin nhận biết khách hàng; Phạt tiền từ 60 - 100 triệu đồng đối với hành vi không áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng; không báo cáo các giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch đáng ngờ; Phạt tiền từ 180 - 200 triệu đồng đối với hành vi không giám sát đặc biệt đối với các giao dịch có giá trị lớn bất thường; tổ chức hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chỉ người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam được phép chơi TCĐTCT

Nghị định số 121/2021/NĐ-CP về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 12/02/2022 và thay thế các Nghị định số 86/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 và Nghị định số 175/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.

Nội dung Nghị định số 121/2021/NĐ-CP đã thể hiện được nhiều điểm nổi bật. Theo đó, chỉ người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam được phép chơi TCĐTCT. Quá trình chơi diễn ra hoàn toàn tự động giữa người chơi với máy TCĐTCT. Doanh nghiệp kinh doanh TCĐTCT có trách nhiệm theo dõi, kiểm soát tất cả các đối tượng được phép ra, vào Điểm kinh doanh. Nghị định quy định máy TCĐTCT sử dụng kinh doanh TCĐTCT phải là máy mới 100% và được tổ chức kiểm định độc lập hoạt động tại các nước G7 cấp chứng nhận. Về địa điểm kinh doanh TCĐTCT: phải được bố trí tại một khu vực riêng biệt trong cơ sở lưu trú du lịch và phải có hệ thống camera theo dõi toàn bộ hoạt động trong Điểm kinh doanh với thời gian lưu trữ hình ảnh tối thiểu là 180 ngày kể từ ngày ghi hình.

Các đơn vị muốn kinh doanh TCĐTCT cần phải có giấy chứng nhận ĐĐKKD gắn với hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ 5 điều kiện để được cấp giấy chứng nhận ĐĐKKD, gồm: đã đăng ký ngành, nghề kinh doanh TCĐTCT và sở hữu cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng 5 sao; có khu vực bố trí điểm kinh doanh biệt lập đáp ứng điều kiện kinh doanh TCĐTCT; có người quản lý, điều hành có trình độ từ đại học trở lên; có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm quản lý hoạt động kinh doanh TCĐTCT; có vốn điều lệ tối thiểu là 500 tỉ đồng và kinh doanh có lãi trong năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận ĐĐKKD; có phương án kinh doanh đảm bảo duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các Bộ Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND cấp tỉnh kiểm tra định kỳ 03 năm/lần để việc tuân thủ các điều kiện được cấp Giấy chứng nhận ĐĐKKD và việc tuân thủ đầy đủ, đúng các quy định về tổ chức hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Chính phủ giao UBND cấp tỉnh và cơ quan công an từ cấp huyện trở lên quyết định kiểm tra đột xuất khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm quy định về đối tượng được phép chơi, về đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, khi có tố giác tội phạm liên quan đến doanh nghiệp.

ANH HOA