Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Uzra Zeya đã nhấn mạnh nội dung trên khi trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về công tác phòng, chống mua bán người cũng như hợp tác quốc tế của Việt Nam thời gian qua.
Xin Bà cho biết đánh giá của mình về công tác phòng, chống mua bán người của Việt Nam trong thời gian qua?
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Uzra Zeya: Trước tiên, tôi hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong việc chống nạn buôn người, qua đó Việt Nam đã nâng hạng lên Nhóm 2 trong Báo cáo thường niên về nạn mua bán người năm 2024 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều cam kết chống nạn mua bán người và hai nước có nhiều biện pháp phối hợp trong vấn đề ưu tiên quan trọng này, bao gồm trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Như đã nêu trong Báo cáo năm 2024, những nỗ lực của Việt Nam nhằm xóa bỏ nạn mua bán người bao gồm: Tăng cường điều tra, truy tố và kết án đối với các tội danh mua bán người; xác định và hỗ trợ thêm nhiều nạn nhân của nạn mua bán người; hỗ trợ và đưa về nước 4.100 nạn nhân có nguy cơ từ các hoạt động lừa đảo trực tuyến ở các nước lân cận; tham vấn với các tổ chức phi chính phủ và quốc tế về việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 và trình dự thảo để Quốc hội để xem xét.
Không quốc gia nào miễn nhiễm với vấn đề này, đặc biệt khi các hình thức mua bán người ngày càng phức tạp. Vẫn còn việc phải làm và chúng tôi khuyến nghị Việt Nam tiếp tục phối hợp với cộng đồng quốc tế để chống nạn mua bán người.
Để duy trì đà phát triển của hoạt động chống mua bán người và duy trì trạng thái Nhóm 2, chúng tôi khuyến khích Việt Nam tiếp tục tiến hành triển khai khuyến nghị mà báo cáo đưa ra, bao gồm chủ động sàng lọc, xác định và cung cấp các hỗ trợ chuyên biệt cho nạn nhân mua bán người, đặc biệt là những người trở về từ các hoạt động lừa đảo trực tuyến, cũng như nạn nhân mua bán người là người nước ngoài có mặt tại Việt Nam hoặc quá cảnh qua Việt Nam.
Không một cơ quan, quốc gia riêng lẻ nào có thể thực hiện công tác phòng, chống mua bán người hiệu quả mà không có sự hợp tác quốc tế. Vậy Bà đánh giá như thế nào về việc Việt Nam thể hiện trong hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người cũng như tổ chức thực hiện các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương về phòng, chống mua bán người giữa Chính phủ Việt Nam với các nước?
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Uzra Zeya: Trên thực tế, việc nâng cao thực thi pháp luật và hợp tác rộng rãi trong phòng, chống mua bán trái phép, bao gồm chống mua bán người, đã được Tổng thống Biden và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định là ưu tiên trong Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam lên Đối tác chiến lược toàn diện. Hai nước đã thảo luận về hợp tác trong chống mua bán người tại Đối thoại an ninh và thực thi pháp luật Hoa Kỳ-Việt Nam lần thứ nhất vào tháng 7 vừa qua.
Trong năm qua, Việt Nam đã có những hoạt động nhằm tăng cường hợp tác quốc tế để xác định và hồi hương các nạn nhân của nạn mua bán người, đặc biệt là các vụ mua bán người xuyên biên giới trong hoạt động lừa đảo trực tuyến diễn ra tại Lào, Campuchia và Myanmar.
Hành động thực thi pháp luật chung do cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (Lào) thực hiện vào tháng 8 do Phòng Cảnh sát hình sự tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo là một minh chứng về cách tiếp cận thực chất và có sự phối hợp tốt trong cuộc điều tra về nạn mua bán người. Chúng tôi hy vọng các hoạt động hợp tác như vậy sẽ duy trì trong thời gian tới.
Điều quan trọng là tiếp tục phát triển công tác này bằng cách mở rộng và thể chế hóa việc đào tạo cho các cán bộ thực thi pháp luật tuyến đầu, đặc biệt là những người làm việc ở các tỉnh biên giới, để họ có các kỹ năng cần thiết để chủ động sàng lọc nạn nhân trở về Việt Nam và tăng cường chia sẻ thông tin với các đối tác quốc tế để điều tra các vụ mua bán người xuyên quốc gia.
Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực và đào tạo cho lực lượng ở tuyến đầu (công an, bộ đội biên phòng và các viên chức địa phương) để giải quyết các thách thức hiện tại và mới nổi. Chúng tôi cũng mong muốn tăng cường hợp tác và đào tạo cho lực lượng thực thi pháp luật về sàng lọc nạn nhân và nâng cao việc thu thập dữ liệu và chia sẻ thông tin về nạn mua bán người.
Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu của thoả thuận toàn cầu về di cư hợp pháp an toàn trật tự (GCM) theo kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 20/3/2020 nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người di cư, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong hoạt động di cư quốc tế, Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này, thưa bà?
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Uzra Zeya: Là một quốc gia luôn ủng hộ mạnh mẽ việc thúc đẩy di cư an toàn, trật tự và nhân đạo, Hoa Kỳ hoan nghênh những nỗ lực liên tục của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM). Vào năm 2021, Hoa Kỳ chính thức ủng hộ tầm nhìn của GCM, phù hợp với cam kết của chúng tôi đối với việc quản lý di cư an toàn, trật tự và nhân đạo.
Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến di cư và rất vinh dự được hỗ trợ các tổ chức quốc tế đang phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy việc triển khai GCM.
Những thách thức do di cư bất thường và sự di dời gây ra là rất phức tạp, nhưng có thể được giải quyết nếu tất cả các quốc gia cùng nhau đối mặt với các thách thức này. Không một quốc gia nào có thể giải quyết vấn đề này một mình. Hoa Kỳ nhận thức rõ rằng để đạt được mục tiêu di cư an toàn, trật tự và nhân đạo, chúng ta cần có một hành động toàn diện ở cấp khu vực và toàn cầu nhằm giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề phức tạp này.
Xin Bà cho biết Hoa Kỳ sẽ có những kế hoạch hợp tác như thế nào với Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người phù hợp với tinh thần của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước?
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Uzra Zeya: Hoa Kỳ thường xuyên làm việc với các quan chức của Chính phủ Việt Nam, cả ở Washington, DC và thông qua Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán của chúng tôi tại Việt Nam, để thảo luận về vấn đề mua bán người.
Chúng tôi đang hợp tác với Việt Nam trên nhiều khía cạnh để ngăn chặn nạn mua bán người. Thông qua USAID, chúng tôi phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để thể chế hóa việc đào tạo và tư vấn cho lực lượng tuyến đầu, qua đó họ có thể hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân bằng các mô hình chăm sóc có hiểu biết về chấn thương tâm lý.
Thông qua Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chúng tôi đang hợp tác với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác để nâng cao năng lực cho lực lượng tuyến đầu trong việc sàng lọc nạn nhân tiềm năng, tiến hành điều tra tội phạm buôn người dựa trên chứng cứ và áp dụng cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm trong công tác chống mua bán người.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đang hỗ trợ các chương trình của Liên Hợp Quốc nhằm đối phó với tình trạng bị ép buộc phạm tội trong các hoạt động lừa đảo trực tuyến có liên quan đến Việt Nam. Sẽ có các chương trình đào tạo để nhận diện các vụ việc và giới thiệu nạn nhân đến các dịch vụ hỗ trợ, nâng cao nhận thức cộng đồng trong khu vực và trang bị khả năng phát hiện và xử lý các hoạt động lừa đảo trực tuyến.
Chúng tôi cam kết trong những năm tới đây tiếp tục hỗ trợ các đối tác trong khu vực để ứng phó với các hoạt động lừa đảo trực tuyến.
Trân trọng cảm ơn bà!
Diệp Anh