Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đáng sống nhất với người nước ngoài

Hoàng Huyền
Theo kết quả khảo sát về trải nghiệm của người nước ngoài Expat Insider 2022, Việt Nam tiếp tục được thăng hạng trong số các quốc gia được coi là “đáng sống nhất” đối với người nước ngoài.

viet-nam-thuoc-nhom-quoc-gia-dang-song-nhat-voi-nguoi-nuoc-ngoai-dulichgiaitri-doi-song-1658478494.jpg
Đoàn khách quốc tế dạo phố cổ Hội An bằng xích lô  -  Ảnh: Int

Expat Insider 2022 tiến hành khảo sát trải nghiệm sống của người nước ngoài tại 52 quốc gia với sự tham gia của gần 12.000 người trên toàn thế giới nhằm đánh giá mức độ hài lòng của họ đối với các tiêu chí như: Chất lượng cuộc sống, khả năng định cư, làm việc ở nước ngoài và tài chính cá nhân tại quốc gia cư trú tương ứng. Khảo sát này còn đánh giá mức độ hài lòng về các chỉ số mới bao gồm cuộc sống kỹ thuật số, các vấn đề hành chính, nhà ở và ngôn ngữ.

Theo kết quả của Expat Insider 2022, Mexico, Indonesia và Đài Loan đã trở thành ba điểm đến hàng đầu trên toàn thế giới với điểm số áp đảo ở các tiêu chí về “mức độ dễ dàng định cư” và “tài chính cá nhân”; tiếp sau đó là các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Việt Nam, Thái Lan, Úc và Singapore. Như vậy, thứ hạng của Việt Nam đã tăng 3 bậc (đứng thứ 7) so với năm ngoái trong danh sách các quốc gia đáng sống nhất dành cho người nước ngoài. Cũng theo khảo sát này, 3 quốc gia bị đánh giá thấp nhất gồm Kuwait (hạng 52), New Zealand (51) và Hong Kong (50) với sự phàn nàn của người nước ngoài chủ yếu ở tiêu chí “tài chính cá nhân”.

“Bí quyết” giúp Việt Nam tăng 3 bậc so với năm ngoái nằm ở sự hài lòng của 84% người nước ngoài tham gia khảo sát. Cụ thể, Việt Nam được đánh giá là quốc gia tốt nhất thế giới về “chỉ số tài chính cá nhân” với 80% số người được hỏi hạnh phúc với mức chi phí sinh hoạt ở Việt Nam. Bên cạnh đó, có khoảng 2/3 người nước ngoài (68%) cảm thấy được trả lương công bằng đối với công việc của họ dựa trên ngành nghề, bằng cấp và vai trò ở Việt Nam (so với mức trung bình 62% trên toàn cầu).

Anh Vincent Perez – quốc tịch Thụy Sĩ cho biết, ban đầu khi tới Việt Nam, chi phí sinh hoạt là điều khiến anh cảm thấy lo lắng nhất, tuy nhiên sau đó, anh đã hoàn toàn bất ngờ khi ở hầu hết mọi nơi trên đất nước, “giá cả đều rất phải chăng”. Về mức thu nhập khi làm việc ở Việt Nam, có tới hơn 92% người nước ngoài tham gia khảo sát cho rằng thu nhập của họ (và gia đình) đủ để có một cuộc sống thoải mái (so với mức trung bình 72% trên toàn cầu).

Một tiêu chí khác mà Việt Nam nhận được đánh giá cao là dễ dàng định cư và sự thân thiện của người dân. Hầu hết người nước ngoài đều cho rằng các cư dân địa phương rất thân thiện, đặc biệt, có đến 83% người nước ngoài cảm thấy hạnh phúc khi được chào đón ở Việt Nam và 71% cảm giác Việt Nam giống như “quê hương thứ 2”.

“Sự nồng hậu, chân thành và thân thiện của người dân địa phương là những gì mà một người Mỹ gốc Hoa thích nhất về cuộc sống ở Việt Nam, trong khi một người Malaysia ấn tượng với con người và văn hóa thân thiện nơi đây. Văn hóa truyền thống của mỗi địa phương đã trở thành một tiêu chí khác khiến người nước ngoài đặc biệt hài lòng”, khảo sát kết luận.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh cuộc sống xa quê hương, gia đình, việc kết bạn, tạo dựng các mối quan hệ kết nối cá nhân rất được người nước ngoài chú trọng. Việt Nam được đánh giá rất cao ở tiêu chí này nhờ sự mến khách, thân thiện của người dân địa phương. Cụ thể, 54% người nước ngoài hài lòng với việc kết bạn rất dễ dàng (so với 42% trên toàn cầu) và hơn 2/3 (69%) hài lòng với cuộc sống xã hội ở nước sở tại.

Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố khiến người nước ngoài cảm thấy chưa hài lòng về cuộc sống ở Việt Nam, bao gồm sự thiếu thốn hoặc không có sẵn của các loại hình phương tiện giao thông công cộng (43% không hài lòng). Thêm vào đó, do thói quen chi tiêu bằng tiền mặt của người Việt nên gần 1/4 người nước ngoài (23%) cảm thấy khó khăn khi buộc phải thanh toán bằng tiền mặt.

Dù còn đó những vấn đề mà Việt Nam cần phải cải thiện trong thời gian tới, tuy nhiên, nhờ vào nền chính trị ổn định và tinh thần thiện chí, lạc quan, hiếu khách của người dân, Việt Nam vẫn chiếm được thiện cảm trong mắt người nước ngoài và trở thành quốc gia đáng sống đối với người nước ngoài.

PHÚ ĐỖ