Theo diễn giả Phí Thị Mai Chi, chuyên gia về Quyền trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, “vòng tròn an toàn” là một không gian về mặt tâm lý, cảm xúc và thể chất, nơi trẻ cảm thấy được bảo vệ, tôn trọng và tự do thể hiện bản thân. Khi trẻ được sống trong một môi trường an toàn, các con sẽ phát triển khả năng tự tin, giao tiếp hiệu quả, biết bảo vệ bản thân và xây dựng những mối quan hệ lành mạnh.

Vòng tròn an toàn không chỉ giới hạn trong gia đình, mà còn mở rộng ra trường học và cộng đồng - những nơi trẻ tương tác hằng ngày. Để xây dựng vòng tròn này, trẻ cần được hướng dẫn về 5 chủ đề quan trọng: cảm xúc, ngôn ngữ, hành vi, mối quan hệ và không gian an toàn, được đặt trong 4 không gian chính: Bản thân, gia đình, trường học và cộng đồng.
Chuyên gia Phí Thị Mai Chi chia sẻ, trẻ cần và nên được giáo dục về: nhận diện ranh giới cơ thể-những khu vực riêng tư và ai được phép chạm vào khi nào; cách từ chối và nói "không" khi cảm thấy không thoải mái; tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn đáng tin cậy nếu gặp tình huống bất an.
“Tùy vào bối cảnh, không gian, độ tuổi của trẻ mà ba mẹ hoặc thầy cô sẽ có cách để giáo dục trẻ về giới tính. Phương pháp giáo dục cần phù hợp với tâm sinh lý của trẻ theo từng độ tuổi. Ba mẹ có thể tham khảo một số nguyên tắc quan trọng trong giao tiếp với trẻ gồm:
- Lắng nghe chủ động - Khuyến khích trẻ nói ra cảm xúc và suy nghĩ mà không bị phán xét.
- Dùng ngôn ngữ phù hợp - Tránh những từ ngữ khiến trẻ cảm thấy xấu hổ hoặc sợ hãi khi nói về cơ thể và cảm xúc của mình.
- Tôn trọng cảm xúc của trẻ - Không ép buộc trẻ phải tiếp nhận những điều trẻ chưa sẵn sàng...", chuyên gia Phí Thị Mai Chi cho biết.

Tại chương trình, các phụ huynh nhận được diện cách đọc hiểu hành vi, ngôn ngữ và cảm xúc của trẻ. Thông qua “cây vấn đề”, ba mẹ có thể biết được trẻ đang trong bối cảnh gì và có hướng giáo dục và đồng hành một cách phù hợp. Cha mẹ được tham gia một số tình huống thực tế như hướng dẫn trẻ phản ứng thế nào khi gặp một người lạ muốn ôm hôn; giai đoạn nào thì con nên ngủ riêng, anh nên ngủ riêng với em gái, chị nên ngủ riêng với em trai, hay việc tắm rửa, vệ sinh cũng vậy.
Các giáo viên cũng được giải đáp một số băn khoăn như có nên can thiệp vào các hoạt động vui chơi "có vẻ" chưa phù hợp với giới tính của trẻ. Cụ thể như: Trẻ trai hay chơi búp bê, trẻ gái hay chơi ô tô...
Chương trình không chỉ mang lại kiến thức thiết thực mà còn giúp phụ huynh và giáo viên có phương pháp cụ thể để đồng hành cùng trẻ trong việc xây dựng Vòng tròn an toàn. Sau cùng là thay đổi nhận thức, giúp người lớn hiểu rằng giáo dục giới tính không phải là chủ đề nhạy cảm cần né tránh, mà là nền tảng quan trọng giúp trẻ phát triển lành mạnh và biết tự bảo vệ bản thân.

Thời gian tới, dự án giáo dục giới tính và an toàn thân thể Anan do CCD triển khai sẽ thí điểm lồng ghép các tiết học giáo dục giới tính vào chương trình mầm non một cách tự nhiên, phù hợp với từng độ tuổi, thông qua dự án, các hoạt động đồng hành cùng cha mẹ, thầy cô thực hành, kể chuyện, trò chơi tương tác và trải nghiệm cảm xúc.
Đồng thời, hệ thống GCA cũng sẽ phối hợp với CCD phát triển chương trình, giáo án, bộ học liệu, hỗ trợ phụ huynh và giáo viên trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng để cùng trẻ xây dựng Vòng tròn an toàn cho trẻ ngay từ trong gia đình và lớp học.