Vụ đánh ngư phủ ở Kiên Giang: Không tìm thấy thi thể, có đủ căn cứ xử lý về tội Giết người?

Admin
(PNTĐ) - Theo LS Trần Thị Thanh Lam, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trong vụ việc ngư phủ bị đánh chết rồi vứt xác xuống biển ở Kiên Giang, do chưa tìm được xác của nạn nhân nên việc chứng minh tội phạm cần thận trọng để đảm bảo vụ việc được giải quyết khách quan, công bằng, đúng pháp luật.

Tin liên quan

Vụ đánh ​nam shipper ở Đà Nẵng tử vong: Cần xử lý nghiêm

Liên quan đến vụ việc một ngư phủ bị đánh chết rồi phi tang xác trên biển ở tỉnh Kiên Giang, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Kiên Giang đã bắt tạm giam về tội Giết người đối với các đối tượng: Hồ Văn Hải, 37 tuổi, cùng Danh Lưng, Đổng Thành Giang, Võ Ngọc Sơn, Danh Giang, Nguyễn Duy Chiều (28-48 tuổi).

Vụ đánh ngư phủ ở Kiên Giang: Không tìm thấy thi thể, có đủ căn cứ xử lý về tội Giết người? - ảnh 1
6 đối tượng bị bắt giữ. Ảnh: Hoàng Đô.

Theo điều tra, trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 12/2024, anh Vinh, 35 tuổi, đi cùng tàu cá với nhóm Hải. Do có mâu thuẫn trong sinh hoạt hàng ngày, anh này bị cho là "làm không vừa ý" nên thường xuyên bị nhóm đồng nghiệp đánh đập. Đỉnh điểm là cả nhóm Hải đã trói, ném anh Vinh xuống biển đến khi bất tỉnh. Các nghi phạm sau đó kéo nạn nhân lên tàu để cứu chữa nhưng không được. Do đó, Hải chỉ đạo ném thi thể anh Vinh xuống biển để phi tang, hiện chưa tìm được thi thể. Khi tàu cá về bờ, sự việc bị bại lộ. Tại cơ quan điều tra, nhóm Hải thừa nhận hành vi.

Đánh giá về hành vi của các đối tượng, Luật sư Trần Thị Thanh Lam, Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, đây là hành vi vô cùng tàn nhẫn, xâm phạm đến tính mạng của người khác nên việc xử lý hình sự là cần thiết. 

Các đối tượng này biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vì coi thường nạn nhân, coi thường pháp luật nên thường xuyên xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân (cũng là đồng nghiệp của mình). Nghiêm trọng hơn là các đối tượng này đã thường xuyên đánh đập nạn nhân khi không hài lòng trong công việc, đỉnh điểm là các đối tượng đã đánh nạn nhân đến mức bất tỉnh rồi ném xuống biển dẫn đến nạn nhân tử vong. Sau khi đã tử vong, không những không ăn năn hối cải mà các đối tượng này còn vứt xác nạn nhân xuống biển nhằm phi tang... 

Với kết quả xác minh bước đầu như vậy thì có căn cứ để cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với các đối tượng này về tội Giết người theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự. 

Với tình tiết định khung hình phạt là rất côn đồ nên các đối tượng này phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù Chung thân hoặc Tử hình. Tuy nhiên do chưa tìm được xác nạn nhân nên cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thận trọng trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ để chứng minh tội phạm. 

Vụ đánh ngư phủ ở Kiên Giang: Không tìm thấy thi thể, có đủ căn cứ xử lý về tội Giết người? - ảnh 2
Tàu cá nơi xảy ra án mạng. Ảnh: Hoàng Đô.

Luật sư Thanh Lam phân tích, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định, cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ phải chứng minh tội phạm. Điều 85 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh: Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội; Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo; Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; Nguyên nhân và điều kiện phạm tội; Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.

Như vậy, trong các vấn đề phải chứng minh theo quy định của pháp luật thì việc chứng minh “có hành vi phạm tội xảy ra hay không ?” là vấn đề đầu tiên và cũng là vấn đề quan trọng nhất. 

“Với những vụ án giết người thì việc chứng minh hành vi phạm tội thể hiện qua nhiều chứng cứ, trong đó kết luận giám định pháp y tử thi để xác định nguyên nhân nạn nhân tử vong, dấu vết để lại trên cơ thể nạn nhân, hung khí gây án, lời khai của nghi phạm, lời khai của người làm chứng... Trong trường hợp không tìm được xác nạn nhân thì việc chứng minh “nạn nhân đã chết” là khá khó khăn, gây khó khăn trong việc xác định “nguyên nhân nạn nhân tử vong”. 

Pháp luật Việt Nam quy định hành vi giết người là tước đoạt trái pháp luật tính mạng của nạn nhân. Kết quả giám định pháp y cho thấy nạn nhân đã tử vong là chứng cứ quan trọng để xác định nạn nhân bị xâm hại đến tính mạng. 

Trường hợp không tìm được xác nạn nhân nhưng có những chứng cứ khác như: Tìm được hung khí gây án; mẫu thu được ở hiện trường là của nạn nhân; nạn nhân mất tích giữa biển khơi nhiều ngày không tìm thấy; lời khai của nghi phạm, lời khai của người làm chứng... có thể chứng minh nạn nhân đã bị đánh đập đến mức tử vong và bị vứt xác xuống biển để phi tang thì cũng có căn cứ để chứng minh đối tượng đã thực hiện hành vi giết người”, LS Thanh Lam phân tích.

Cũng theo LS Thanh Lam, pháp luật quy định tội giết người là do lỗi cố ý (có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp). Với lỗi cố ý gián tiếp thì không đòi hỏi nạn nhân phải tử vong. Cơ quan tiến hành tố tụng chỉ cần thu thập chứng cứ để chứng minh là đối tượng có hành vi có thể dẫn đến việc nạn nhân tử vong là đủ căn cứ để xử lý về tội giết người mà không đòi hỏi nạn nhân phải tử vong hay không. Án lệ số 47/2021/AL của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn chi tiết về tình huống này. Theo đó, đối tượng sử dụng hung khí nguy hiểm, đánh vào vùng trọng yếu, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra là có thể xử lý về tội “Giết người” mà không phụ thuộc vào việc nạn nhân có tử vong hay không. Quy định này phù hợp với lý luận về cấu thành tội phạm và cho thấy pháp luật bảo vệ tính mạng con người một cách triệt để, ngăn ngừa hành vi có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân.

“Vụ án này chưa tìm được xác nạn nhân, cơ quan điều tra sẽ xác định thời điểm nạn nhân bị tử vong, xác định hiện trường vụ án xảy ra ở địa điểm nào, sẽ đánh giá một người bị vứt xuống biển ở khu vực đó thì liệu có cơ hội sống sót hay không. Ngoài ra cũng sẽ thu thập các mẫu máu có trên boong tàu (nếu có) để giám định, xác định hành vi xâm phạm đến tính mạng cũng như hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân; Ngoài ra, thu thập được các hung khí gây án, các dụng cụ mà các đối tượng sử dụng để đánh nạn nhân cũng là vật chứng quan trọng để chứng minh tội phạm.

Bên cạnh đó, Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thu thập các chứng cứ vật chất, kết hợp với lời khai nhận tội của các bị can; thu thập các chứng cứ trực tiếp và các chứng cứ gián tiếp để chứng minh tội phạm, theo đó phải đảm bảo chứng minh đầy đủ các vấn đề theo quy định tại điều 85 của bộ luật tố tụng hình sự”, theo LS Thanh Lam. 

Bàn về hình phạt, LS Thanh Lam cho biết, cơ quan điều tra sẽ thận trọng thu thập đầy đủ các tài liệu chứng cứ để chứng minh tội phạm. Trường hợp có đủ căn cứ để kết tội thì các đối tượng này sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình.

“Qua vụ án này, thiết nghĩ, cần tăng cường công tác quản lý để đảm bảo quyền lợi của công nhân đi biển, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân trên biển, đặc biệt là đối với các hoạt động đánh bắt cá xa bờ”, LS Thanh Lam kiến nghị.