"Vu Lan báo hiếu - nét đẹp trong văn hóa của người "
Đại lễ Vu Lan được nhiều chùa, cơ sở tự viện của Phật giáo trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng tổ chức, chuẩn bị kỹ càng. Ngay từ đầu tháng 7, các chùa đã hoàn thiện việc trang hoàng, cùng với lịch hoạt động dày đặc được công bố.
Mỗi chùa sẽ xây dựng chương trình riêng phù hợp, nhưng cơ bản xoay quanh các nội dung chính gồm: Tụng kinh - sám Vu Lan, kinh báo hiếu phụ mẫu, kinh Mục Liên sám pháp, kinh A Di Đà…; lễ cầu siêu cho anh linh anh hùng liệt sĩ, tổ tiên trong gia đình; pháp thoại thuyết giảng ý nghĩa Vu Lan báo hiếu; nghi thức “Bông hồng cài áo” tri ân công đức sinh thành của cha mẹ; nghi thức thắp nến tri ân và truyền hoa đăng tưởng niệm anh linh anh hùng liệt sĩ và cửu huyền thất tổ; chương trình nghệ thuật về công cha nghĩa mẹ…
Chùa Long Hưng (Đông Anh, Hà Nội) là một trong những ngôi chùa tại Hà Nội chuẩn bị chu đáo kính mừng ngày đại lễ Vu Lan năm 2023. Ngay từ đầu tháng 7, quý chư tôn đức tăng ni cùng toàn thể Phật tử, nhân dân địa phương và các bạn phụng sự đã tất bật chuẩn bị, hoàn thiện mọi công tác. Người người góp công, góp sức, mỗi người một việc, khi lại cùng nhau hợp lực trong các khâu chuẩn bị.
Tất cả đều thành tâm tham gia trang trí, trợ duyên cùng nhà chùa dọn dẹp: Chuẩn bị trang trí sân khấu, giảng đường, quét dọn vệ sinh khuôn viên chùa, hỗ trợ bộ phận nhà bếp,... Chiếc phông lớn với dòng chữ “Vu Lan thắng hội” đã sớm được treo dựng lên ở vị trí chính diện, trang nghiêm nhất. Từ cổng chùa đến khuôn viên và bên trong chùa ngập tràn cờ, lồng đèn đủ màu sắc. Các Phật tử và phụng sự viên đều hăng hái tự tay trang trí từ phông, cờ hoa, các chi tiết nhỏ đến sắp lễ, trang trí sân khấu và nơi thờ cúng…
Trong mùa Vu Lan báo hiếu này, chùa Long Hưng tổ chức nhiều hoạt động kính mừng. Tiêu biểu phải kể đến tuần lễ tu học từ ngày 20-27/8 (tức ngày 5/7-12/7 Âm lịch) bởi dù người xuất gia hay tại gia đều siêng năng lễ Phật, tụng kinh trong dịp này. Bên cạnh đó, lễ cầu an – lễ cầu siêu cũng nhận được sự quan tâm của các Phật tử đăng ký tham gia. Ý nghĩa bình thường của các khoá “lễ cầu an” là thiết lễ, tụng kinh, cầu nguyện cho bản thân, gia đình, mọi người bình an, thoát khỏi bệnh tật hay tai qua nạn khỏi. Còn “lễ cầu siêu” cũng vậy, nhưng mục đích là nguyện cầu cho người đã mất thoát khỏi cảnh khổ sanh về thế giới an vui.
Các chùa và tự viện đều mong muốn đại chúng nhận thức được, dù là cầu an hay cầu siêu chỉ là những pháp trợ duyên, giúp cho chúng ta có thêm niềm tin và hy vọng vượt qua những khó khăn trong tức thời, để rồi sau đó phải tự mình chăm sóc sự bình an của mình bằng con đường tu tập, phấn đấu trở thành người có ích, làm điều thiện, điều tốt, ắt mọi chuyện sẽ bình an. Ngoài ra chùa Long Hưng còn tổ chức đêm Hội Vu Lan vào ngày 26/8 (tức 11/7 Âm lịch), lễ Bông hồng cài áo ngày 27/8 (tức 12/7 Âm lịch)… và nhiều hoạt động ý nghĩa khác.
Cùng với các chùa, tự viện khác trên địa bàn TP Hà Nội, chùa Bằng - Linh Tiên Tự (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng là nơi nhiều chuẩn bị kính mừng đại lễ Vu Lan trang trọng, được nhiều Phật tử, đại chúng tề tựu về chùa dịp này. Ngoài cờ, đèn lồng lộng lẫy, sắc hoa cũng ngập tràn hương thơm và màu sắc tạo nên khung cảnh đẹp và trang nghiêm cho ngôi chùa đón mùa lễ Vu Lan. Những bông hoa sen hồng, hoa sen trắng, hoa ly hay hoa huệ và hoa hồng đều được chuẩn bị tinh tế, kỹ lưỡng để trang trí. Từ mùng 1/7 Âm lịch, nhiều người đã thành tâm đi chùa lễ Phật, phát tâm ăn chay, nói những lời ái ngữ, nghĩ những điều tích cực và làm những điều thiện lành.
Có Phật tử thì dâng tặng hương, nến lên chùa chuẩn bị lễ Vu Lan, người lại chuẩn bị hoa quả, bánh… thành tâm mong tháng mới an lành, kính mừng mùa Vu Lan báo hiếu. Hòa chung không khí sôi nổi, trang nghiêm đón ngày lễ lớn trong tháng 7 Âm lịch này, chùa Bằng - Linh Tiên Tự vốn đã đẹp, nay còn đẹp hơn, đẹp do khánh tiết được trang hoàng và hơn hết còn đẹp qua những chương trình ý nghĩa. Với mục đích muốn khơi nguồn hiếu đạo, thể hiện niềm hiếu kính của người con Phật đối với tứ trọng ân cao cả, chư tôn đức tăng chùa Bằng - Linh Tiên Tự tổ chức ngày tu an lạc diễn ra vào ngày 24/8 (tức 9/7 Âm lịch).
Đại lễ Vu Lan báo hiếu cũng được diễn ra vào tối 19h00 cùng ngày với nhiều hoạt động ý nghĩa và không thể thiếu những lời ca tiếng hát mang ý nghĩa sâu dày về đạo hiếu hạnh, cúng dàng chư tôn đức nhân mùa lễ Vu Lan; nghi thức cài hoa lên áo thể hiện tình yêu thương và sự hiện diện của cha mẹ trong ta, nhắc nhở mỗi người hãy luôn làm tròn hạnh hiếu với ông bà tổ tiên, đấng sinh thành của mình…
"Vu Lan báo hiếu - nét đẹp trong văn hóa của người "