Xăng dầu tăng cao, vận tải ‘khó chồng khó’

Admin
Việc giá xăng, dầu tăng “phi mã” trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân. Đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng ô tô, xe máy để mưu sinh như cánh tài xế, xe ôm công nghệ,...và các doanh nghiệp vận tải.

Doanh nghiệp vận tải, lái xe… lao đao vì giá xăng

Anh Đỗ Minh Thắng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lái xe hợp đồng tuyến Hà Nội-Lào Cai chia sẻ, nửa tháng nay, anh không dám nhận hợp đồng chạy tuyến, vì giá xăng tăng cao, càng chạy càng lỗ. Chiếc xe 7 chỗ Innova chạy hợp đồng trước Tết chỉ đổ khoảng 1 triệu đồng đầy bình xăng, nhưng với giá xăng tăng chóng mặt hiện nay, phải đổ tầm 1,6 triệu đồng mới đầy bình, nếu tăng giá thì mất khách mà chạy thì lỗ. Anh Thắng đang tính chuyển bán xe, chuyển nghề.

Tương tự, anh Đinh Văn Tráng (35 tuổi, trú tại phường Xuân La, quận Tây Hồ), lái taxi công nghệ hơn 4 năm nay chia sẻ, nếu như là trước kia, có những ngày đông khách, đi chuyến xa thì một, hai ngày tôi đã phải đi đổ xăng, những hôm vắng khách thì 4, 5 hôm lại đổ một lần. "Xăng là nhiên liệu bắt buộc phải chi, không thể tiết kiệm được. Giờ xăng tăng giá, tiền công lại không thể tăng, thu nhập để mang về cho gia đình thấp nên tôi đang phải tính toán thu chi lại", anh Tráng than thở.

Các hãng taxi cũng đang chìm trong khó khăn. ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội khẳng định, hoạt động của các hãng taxi đã giảm 60 % đến 70% cả về doanh thu, lẫn nguồn nhân lực. Nếu tình hình không thay đổi, khó có doanh nghiệp nào trụ được.

Bên cạnh đó, người dân di chuyển bằng ô tô, xe máy riêng cũng than vãn khi giá xăng tăng cao. Có những người phải đi làm xa nhà hàng chục cây số thì việc giá xăng, dầu tăng thực sự trở thành một nỗi ám ảnh. Chị Nguyễn Thị Ngát (Nhổn, Bắc Từ Liêm) chia sẻ: "Tôi đi làm cách nhà 15km, đang sử dụng xe máy Vison, giá xăng tăng cao khiến nhưng người đi làm xa như tôi không khỏi lo lắng. Tôi đang tính chuyển sang đi xe buýt cho tiết kiệm".

Nhưng hiện xe buýt cũng đang phải "căng mình" xoay sở. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, để đáp ứng nhu cầu của người dân, từ ngày 8/2 vừa qua, tất cả tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố đã được phép hoạt động 100% công suất. Hơn tháng qua, nhiều doanh nghiệp vận tải đặc biệt là các doanh nghiệp xe buýt đang phải đối diện với giá xăng dầu tăng "phi mã".

Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội là đơn vị vận hành xe buýt đầu tiên tại Hà Nội vừa có đề xuất với Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho phép giảm 50% tần suất hoạt động các tuyến buýt kế cận do Công ty đang đảm nhận. Hiện Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội là đơn vị đang vận hành 5 tuyến buýt kế cận từ Hà Nội đến các tỉnh gồm: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương.

Lý giải cho việc này, ông Đỗ Văn Huy, Giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội cho biết, đây là điều chỉnh bất đắc dĩ và doanh nghiệp không hề mong muốn, tuy nhiên do dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, giá nhiên liệu tăng cao khiến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách gặp rất nhiều khó khăn.

Cần giải pháp tháo gỡ

Theo Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, với mức giá xăng, dầu tăng cao như hiện nay, cơ hội "sống sót" của các doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ gần như không có, nếu như họ không tăng giá cước.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, đây là thời điểm hành khách đi ô tô chưa nhiều. Nếu tăng giá cước mà không có sự cân nhắc, tính toán, các doanh nghiệp vận tải hoàn toàn có thể đối mặt với tình trạng nguy hiểm hơn.

Cũng theo ông Bùi Danh Liên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn đang cố gắng giữ giá cước vì không muốn mất khách. Một số khác có điều chỉnh giá nhưng vẫn rất dè dặt và thận trọng. Đây gần như là đối sách duy nhất mà các doanh nghiệp vận tải có thể lựa chọn để đối phó với tình trạng xăng tăng, khách vắng. Song đó chỉ là giải pháp tình thế. "Thời gian tới, nếu giá xăng, dầu không giảm, các doanh nghiệp vận tải buộc phải tăng giá cước. Đó sẽ là cách duy nhất mà họ phải lựa chọn dù muốn hay không", chuyên gia Bùi Danh Liên chia sẻ.

Hiện, các đơn vị vận tải hành khách đều mong Nhà nước có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp như miễn giảm các loại thuế. Các ngân hàng cần giảm lãi suất, cho phép doanh nghiệp giãn nợ và cơ cấu lại nợ để cầm cự trong lúc khó khăn…

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Chính phủ đã thông qua đề xuất giảm 2.000 đồng thuế môi trường đối với mỗi lít xăng. Hy vọng, giá xăng dầu chỉ tăng trong ngắn hạn, còn nếu kéo dài thì các doanh nghiệp vận tải bắt buộc phải tăng giá cước. Khi đó, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả chung, làm gia tăng lạm phát. Nhà nước nên sớm tháo gỡ bằng việc giảm thuế nhập khẩu và sử dụng quỹ bình ổn để điều tiết giá xăng dầu trong thời gian nhất định.

Thành Nam