Xây dựng Côn Đảo văn minh với “Giỏ đồ lễ Xanh”

Admin
(Tạp chí Du lịch) - Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo sẽ triển khai Kế hoạch 253/TTBTDT ngày 07 tháng 06 năm 2024 về thực hiện ngày thứ Bảy "Giỏ lễ Xanh" tại khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo bắt đầu từ ngày 6/7/2024. Theo đó, du khách và người dân địa phương khi đến viếng các di tích, khu di tích trên địa bàn huyện Côn Đảo sẽ được khuyến khích sử dụng "Giỏ/mâm lễ Xanh" tại các điểm, khu di tích.

Giỏ/mâm lễ Xanh được sử dụng tại các điểm, khu di tích trên địa bàn huyện Côn Đảo

"Giỏ/mâm lễ Xanh" là giỏ/mâm lễ thân thiện với môi trường, không dâng cúng vàng mã, sản phẩm nhựa sử dụng một lần như: mút, xốp, nilon, chai nhựa... Kích thước mâm lễ gọn gàng, trang trọng được quy định: cao 50cm x dài 50cm x rộng 50cm. Ngày thứ Bảy hàng tuần là ngày thực hiện "Giỏ lễ Xanh". Tất cả nhân dân và du khách tham gia các hoạt động thăm viếng tại Di tích Nghĩa trang Hàng Dương, đền thờ và các điểm di tích thực hiện "Giỏ lễ Xanh".

Bên cạnh đó, từ ngày 01/7/2024, huyện Côn Đảo đã chính thức thực hiện “Nói không với cúng đốt hàng mã” tại tất cả các di tích do UBND huyện quản lý. Đây là bước tiến quan trọng trong Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 26/01/2024 của Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo về việc tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức “Nói không với hoạt động dâng cúng, đốt hàng mã tại các điểm, khu di tích trên địa bàn huyện, góp phần xây dựng Côn Đảo văn minh, xanh - sạch - đẹp”. Đồng thời, huyện Côn Đảo cũng là đơn vị tiên phong trong cả nước ban hành những quy định chính sách mạnh mẽ trong việc nói không với cúng đốt vàng mã.

Việc dâng cúng, đốt vàng mã tại các khu di tích tâm linh đã trở thành một tập tục lâu đời của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì tập tục này tại các địa điểm công cộng như di tích lịch sử - văn hóa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về cháy nổ, vệ sinh, ô nhiễm không khí, môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân địa phương cũng như cảnh quan chung.

Cũng theo ước tính tại Nghĩa trang Hàng Dương, trung bình mỗi ngày đêm có khoảng 1.400 - 1.600 bộ vàng mã được hóa (đốt); đồng thời, phát sinh từ 20-32 xe rác 660L mỗi ngày, tương đương 2.5-5 tấn rác mỗi ngày; chưa kể các điểm di tích khác.

Để từng bước giải quyết vấn đề này, huyện Côn Đảo đã triển khai Kế hoạch số 43/KH-UBND và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ đông đảo người dân và du khách. Ban Quản lý di tích kiêm nhiệm huyện Côn Đảo đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động “Nói không với hàng mã tại các điểm, khu di tích trên địa bàn huyện”. Theo dòng chảy thời gian, phong tục thờ cúng tổ tiên là nét văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam, nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, kết nối các thế hệ con cháu, kèm theo đó là các lễ nghi, phép tắc được tiếp nối từ thế này đến thế hệ khác trong mỗi gia đình. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhưng không vì vậy mà những nét văn hóa, bản sắc dân tộc này bị phai nhạt. Tuy nhiên, cũng có nét văn hóa, phong tục bị biến tướng thành hiện tượng mê tín dị đoan khi sử dụng hoạt động thờ cúng để tạo giá trị kinh tế và trục lợi từ phong tục tập quán. Giá trị từ văn hóa và lịch sử vẫn còn mãi theo thời gian, chúng ta mỗi người dân Việt Nam thể hiện lòng thành kính với thế hệ đi trước không chỉ đo đếm bằng số lượng vật phẩm hay giá trị lễ vật đáng giá bao nhiêu. Mà việc giữ gìn và giáo dục thế hệ trẻ về biết giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, tự thanh lọc những yếu tố nhiễu để giữ trọn lòng thành kính với thế hệ đi trước là điều cốt lõi của các phong tục tập quán. Dâng cúng và đốt hàng mã là một trong những tập tục cần được hạn chế và loại trừ vì đây không phải là cách duy nhất thể hiện lòng thành kính hay giá trị văn hóa. Vì thế, việc thực hiện nghiêm túc kế hoạch này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng mà còn xây dựng hình ảnh du lịch Côn Đảo ngày càng văn minh, hiện đại.

Đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo cho biết, công tác tuyên truyền chủ trương “nói không với đốt đồ mã tại các di tích” sẽ được thực hiện xuyên suốt trong năm 2024, Trung tâm cũng đã tiến hành lắp dựng các biển pano, khẩu hiệu tuyên truyền tại các điểm, khu di tích, đồng thời từng bước thiết kế những mẫu “Mâm/Giỏ lễ Xanh” với tiêu chí “5 không” gồm: không khay nhựa dùng một lần; không mút xốp cắm hoa; không vàng mã; không ly, chai nhựa dùng một lần và không túi nilon. Đồng thời, bắt đầu thực hiện thứ Bảy “Giỏ lễ Xanh” từ ngày 01/7/2024 đến 31/12/2024, và tuần lễ “Giỏ lễ Xanh” vào tuần đầu tiên của tháng từ 1/10/2024-31/12/2024.

Giỏ/mâm lễ Xanh

Để “thay đổi thói quen này của người dân và du khách là điều không hề dễ dàng, thậm chí còn gặp những phản ứng của một số hộ kinh doanh đồ lễ, nhưng lãnh đạo huyện Côn Đảo vẫn kiên trì, làm từng bước theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Huyện đã và sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cho đến hết năm 2024 theo hướng hạn chế, giảm dần dâng cúng, đốt đồ mã, sau đó sẽ tiến tới dừng hẳn, với mục tiêu kiên quyết nói không với việc đốt đồ mã tại các điểm di tích trên địa bàn.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Côn Đảo nhấn mạnh huyện Côn Đảo sẽ nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch Côn Đảo tuần hoàn: ban hành chính sách nghiêm ngặt về môi trường không dùng nhựa một lần trong tất cả các hoạt động du lịch và sinh hoạt của người dân trên đảo; tổ chức Điểm du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Côn Đảo, sản phẩm du lịch tâm linh lịch sử, sản phẩm khách sạn tuần hoàn, ứng dụng năng lượng tái tạo;...

Vào tháng 4/2024, Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo cũng đã phối hợp với Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương thông qua WWF-Việt Nam tổ chức Hội thi “Giỏ lễ Xanh" - sự kiện đã thu hút sự quan tâm ủng hộ của người dân, cơ sở kinh doanh đồ lễ, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các ban, ngành, đoàn thể tại Côn Đảo. Đồng thời, Dự án cùng đồng hành của UBND huyện trong nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của khách du lịch và người dân địa phương để hướng tới xây dựng Côn Đảo trở thành điểm đến không nhựa./.

PV