Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN phải phù hợp với thực tiễn và lịch sử nước ta

Admin
(Chinhphu.vn) – Sáng 21/8, tại Hà Nội, Viện Chiến lược Khoa học pháp lý và Báo Pháp luật Việt Nam (Bộ Tư pháp) tổ chức Tọa đàm "Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN phải phù hợp với  thực tiễn và lịch sử nước ta- Ảnh 1.

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền cần bảo đảm tính đồng bộ, đầy đủ, liên thông của pháp luật để việc tổ chức thi hành pháp luật thực sự hiệu quả để luật đi vào cuộc sống - Ảnh: VGP/LS

Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các viện nghiên cứu, nhà khoa học.

Trao đổi tại Tọa đàm, PGS. TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền cần có cơ chế hữu hiệu hơn nữa để nhân dân tham gia ý kiến về các vấn đề của Nhà nước như xây dựng Nhà nước pháp quyền, các vấn đề hệ trọng của đất nước, nhất là các vấn đề dân sinh, liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân.

Đồng thời, đổi mới và thực hiện có hiệu quả hơn nữa các hình thức giám sát của nhân dân đối với các vấn đề trong xã hội, giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống, các vấn đề về xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, hiệu lực.

Thực hiện nghiêm việc thượng tôn pháp luật, mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, có thế mới làm rõ sự ưu việt của chế độ và tạo lòng tin mạnh mẽ trong nhân dân.

"Việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN VN phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và lịch sử của nước ta, theo từng giai đoạn cụ thể cũng như quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, đầy đủ, liên thông thì việc tổ chức thi hành pháp luật thực sự hiệu quả để luật đi vào cuộc sống", ông Vũ Văn Phúc nói.

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đặt vấn đề: "Trong nhà nước pháp quyền thì pháp quyền được hiểu thế nào?". Ông cho rằng, nếu không tôn trọng những nguyên lý cơ bản của Đức trị, Pháp trị thì khó xây dựng được nhà nước như kỳ vọng. Trong Nhà nước pháp quyền thì phải sử dụng pháp trị. Pháp quyền là áp đặt ý chí nhà nước, chính quyền lên xã hội nhưng trong bối cảnh cần pháp quyền. Tuy nhiên, nếu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì xây dựng quyền là cơ bản, chỉ dụng pháp trị trong chừng mực nhất định.

Ông nhấn mạnh: "Đã là pháp quyền thì dựa trên quyền là chủ yếu, đề cao, tôn trọng các quyền của người dân. Công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền của chúng ta cần tăng cường Đức Trị theo đúng tinh thần của Bác. Lấy quyền của người dân lên làm đầu".

Phân tích về đặc trưng riêng có của hệ thống pháp luật Việt Nam, TS. Nguyễn Hồng Sơn (Văn phòng Trung ương Đảng) cho rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam thể chế hoá đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền; bảo đảm phát huy và thể hiện sâu sắc nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; là công cụ quản lý của Nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kế thừa và tiếp nối truyền thống văn hoá pháp lý của đất nước ta; bám sát thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại.

GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định: Nghị quyết 27 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới là sản phẩm nghiêm túc, sáng tạo. 

"Nghị quyết 27 là kết quả sự phối hợp sáng tạo của "3 nhà": Nhà khoa học, nhà thực tiễn, nhà chính trị, vừa công phu, vừa sáng tạo. Đây là sản phẩm rất trách nhiệm của Đảng ta", GS.TS Hoàng Thế Liên nhấn mạnh.

Theo GS. Hoàng Thế Liên, Nhà nước pháp quyền là học thuyết, là biểu hiện tập trung của chế độ dân chủ. Dân chủ vừa là bản chất của nhà nước pháp quyền vừa là điều kiện, tiền đề của chế độ nhà nước. Mục tiêu của Nhà nước pháp quyền là xây dựng và thực thi một nền dân chủ, đảm bảo quyền lực chính trị thuộc về nhân dân. Bất cứ quốc gia dân tộc nào đeo đuổi vấn đề nhân quyền, cần theo mô hình này.

Tuy nhiên, GS. Hoàng Thế Liên phân tích, không có mô hình chung Nhà nước pháp quyền, mà mỗi quốc gia sẽ xây dựng riêng cho mình theo các giá trị riêng, theo giá trị phổ quát chung của nhân loại. Trong đó phải khẳng định, giá trị đặc thù ít nhiều khác nhau, nhưng phải có giá trị phổ biến, hai giá trị này không triệt tiêu nhau.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN phải phù hợp với  thực tiễn và lịch sử nước ta- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/LS

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được xác định là giải pháp để Đảng, Nhà nước, nhân dân ta thực hiện được các mục tiêu phát triển đất nước đã được Nghị quyết Trung ương xác định đến năm 2030 - 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 - 100 năm thành lập nước và xây dựng nước Việt Nam hùng cường - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, đây không chỉ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, mà cần phải có sự tham gia của mọi chủ thể trong xã hội với yêu cầu là năm 2030, thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi tổ chức, cá nhân và hoàn thành các mục tiêu tổng quát đã được Nghị quyết xác định: Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Lê Sơn

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mớiTạo chuyển biến tích cực trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyềnTạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền
Tham khảo thêm
Đồng thuận, thống nhất cao trong xây dựng Đề án về Nhà nước pháp quyềnĐồng thuận, thống nhất cao trong xây dựng Đề án về Nhà nước pháp quyền