5 vấn đề cần thực hiện để vận hành được sàn giao dịch tín chỉ carbon

Admin
(Chinhphu.vn) - Thực hiện phát triển xanh, giảm phát thải khí nhà kính không chỉ là trách nhiệm mà là niềm tự hào của mỗi người, đi đầu phải là các doanh nghiệp, người dân. Nếu chúng ta làm tốt sẽ nâng vị thế quốc gia, chúng ta sẽ là công dân kiểu mẫu theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.
5 vấn đề cần thực hiện để vận hành được sàn giao dịch tín chỉ carbon- Ảnh 1.

Ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế NN&PTNT - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đây là quan điểm của ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế NN&PTNT đưa ra về việc phát triển kinh tế xanh trong lâm nghiệp.

"Chúng ta phải cùng cộng đồng để đóng góp vào sự nghiệp của Đảng và Nhà nước. Tương lai, chúng ta, ai cũng có lợi, hướng đến xã hội phồn vinh, phát triển và có cuộc sống đủ đầy. Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được coi là một nhiệm vụ trọng yếu, góp phần thực hiện thành công cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, hướng đến NET ZERO vào năm 2050", ông Tuấn nhấn mạnh

Những cánh rừng của Việt Nam, không chỉ là nơi bảo tồn, lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học không phải nơi nào cũng có được mà ẩn chứa sâu trong những tầng lá còn là những "kho vàng", chính là nguồn carbon cây rừng hấp thụ, đây chính nguồn tài chính bền vững để phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Về giao dịch tín chỉ carbon ông Hà Công Tuấn, nhận định: Bộ TNMT đã chủ trì và trình Chính phủ lộ trình để chúng ta thực hiện mục tiêu đến 2028 sẽ vận hành được sàn giao dịch tín chỉ carbon toàn quốc. Dưới góc nhìn của mình, tôi cho rằng có 5 đầu mục, giải pháp cần thực hiện:

Thứ nhất, nâng cao và thống nhất nhận thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tiến tới vận hành cơ chế tín chỉ carbon trong cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng những người sống cạnh rừng.

Thứ hai, phải có vai trò vận hành của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách. Trong đó có việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ quốc gia, đồng thời có cơ chế chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước, sự quan tâm của xã hội trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Hiện, cơ chế thúc đẩy của chúng ta chưa được đề cập nhiều, chúng ta đang có tiềm năng nhưng biến được thành tín chỉ carbon thì còn hành trình dài.

Thứ ba, ngay từ bây giờ phải nghĩ tới cơ chế tư vấn và giám sát độc lập, nếu dựa vào Nhà nước là không thành công. Tư vấn đo đếm, giám sát phát thải tới từng doanh nghiệp phải độc lập, phải phi Nhà nước. Đồng thời phải ứng dụng công nghệ và xem công nghệ như một tiêu chí tạo niềm tin của chúng ta với quốc tế.

Thứ tư, cần có tổ chức điều phối quốc gia làm đầu mối, tôi nghĩ vẫn là Bộ TNMT, kết nối với hệ thống các doanh nghiệp có phát thải hoặc hấp thụ nhiều, tạo thành Working Group để xây dựng nguồn lực, tổ chức dữ liệu, giám sát và tuyên truyền thực hiện.

Thứ năm, thị trường quốc tế rất quan trong. Việt Nam chúng ta không thể làm một mình, phải coi trọng các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế để vận hành và áp dụng sao cho phù hợp.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tăng cường cung cấp thông tin về dịch vụ lưu trữ và hấp thụ carbon rừngTăng cường cung cấp thông tin về dịch vụ lưu trữ và hấp thụ carbon rừng
Tham khảo thêm
Nhiều đề xuất để sớm có thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbonNhiều đề xuất để sớm có thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon