Alibaba của Jack Ma chật vật tìm đường hồi sinh

Admin
Từng vung tiền không tiếc tay để thống trị thị trường, nhưng nay Alibaba phải cắt giảm chi phí để đảm bảo lợi nhuận khi nhu cầu tiêu dùng nội địa chưa phục hồi.

Tỷ phú Jack Ma đã rời khỏi vị trí lãnh đạo của Alibaba vào năm 2019 nhưng vẫn tiếp tục kiếm được tiền từ số cổ phần của mình tại gã khổng lồ thương mại điện tử, hiện được ước tính trị giá 23,6 tỷ USD.

Tài sản của ông đã giảm 3,1 tỷ USD kể từ khi cổ phiếu của công ty đạt đỉnh 122 đô la Hồng Kông/cổ phiếu vào tháng 1 ngay sau quyết định mở cửa được chờ đợi từ lâu của Trung Quốc và kế hoạch huy động vốn của Alibaba được chính phủ nước này phê duyệt, giúp củng cố tâm lý nhà đầu tư.

Tuy nhiên, sự lạc quan đang giảm dần khi khi tốc độ phục hồi nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc không mạnh như kỳ vọng. Theo ông Shawn Yang, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Blue Lotus Capital Advisors, “Mặc dù các nhà máy đã hoạt động trở lại và mọi người đã đi làm trở lại, nhưng nhu cầu mua hàng hóa như quần áo và sản phẩm làm đẹp vẫn chưa cao”.

Điều này, cùng với những lo ngại về khả năng lợi nhuận bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến giá cả mới trong lĩnh vực thương mại điện tử đang đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.

Thế giới - Alibaba của Jack Ma chật vật tìm đường hồi sinh

Tỷ phú Jack Ma thành lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba vào năm 1999 và rời vị trí chủ tịch tập đoàn sau 20 năm giữ chức. Ảnh: NY Post

Khó khăn chồng chất

Cổ phiếu tại Hồng Kông của của Alibaba đã giảm 5,3% hôm 24/2, mặc dù công ty này đã cố gắng tăng 2% doanh thu lên 247,8 tỷ nhân dân tệ (35,9 tỷ USD) trong quý IV/2022, mặc dù các biện pháp hạn chế Covid vẫn còn hiệu lực vào thời điểm đó.

Theo báo cáo thu nhập của công ty, sự tăng trưởng chủ yếu được hỗ trợ bởi doanh số bán hàng từ các đơn vị quốc tế, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động kinh doanh thương mại cốt lõi tại Trung Quốc, bao gồm doanh thu từ các trang mua sắm Taobao và Tmall, thực tế đã giảm 1% trong quý IV, mức giảm quý thứ ba liên tiếp.

Nhà tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ đối thủ truyền kiếp JD.com, cũng như những công ty mới nổi như PDD Holdings và ByteDance.

Theo các nhà phân tích, hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại của Alibaba liên tục sụt giảm “làm tăng nguy cơ Alibaba sẽ phải vật lộn để giữ chân cả người mua và người bán hàng nếu các đối thủ như JD.com và Douyin của ByteDance đưa ra nhiều ưu đãi hơn trong 10 tháng tới”.

Do đó, mặc dù thị trường thương mại điện tử Trung Quốc được dự đoán là sẽ phục hồi vào cuối năm nay, nhưng điều đó không có nghĩa là Alibaba sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ, ông Ke Yan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty DZT Research có trụ sở tại Singapore cho biết.

Thế giới - Alibaba của Jack Ma chật vật tìm đường hồi sinh (Hình 2).

Nhân viên đi qua logo của tập đoàn Alibaba tại trụ sở chính ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Think China/AFP

Alibaba Cloud Intelligence, đơn vị điện toán đám mây trụ cột của Alibaba từng phát triển nhanh chóng giờ đây cũng đang mất dần ánh hào quang. Doanh thu của đơn vị chỉ tăng 3% lên 2,9 tỷ USD, một con số đáng thất vọng so với mức tăng vọt 50% chỉ 2 năm trước.

Đơn vị này đã bị ngừng hoạt động vào cuối năm ngoái sau khi các dịch vụ bị sập đột ngột, ảnh hưởng đến nhiều người dùng, bao gồm cả sàn giao dịch tiền điện tử OKX ở Hồng Kông và Cơ quan tiền tệ Ma Cao (Trung Quốc). Mặc dù sau đó các dịch vụ này đã được khôi phục, nhưng Alibaba hiện đang tụt lại phía sau Huawei của tỷ phú Ren Zhengfei trên thị trường điện toán đám mây.

Các tổ chức liên quan đến chính phủ của Trung Quốc, chẳng hạn như cục thuế địa phương và doanh nghiệp nhà nước, rất muốn sử dụng các dịch vụ đám mây nhằm phát triển thành phố thông minh, nhưng họ đã hợp tác với Huawei thay vì chọn Alibaba.

Đi tìm giải pháp

Từng là công ty có giá trị nhất ở Trung Quốc, Alibaba hiện có nguy cơ trông giống một công ty tiện ích hơn sau khi Bắc Kinh quyết định thắt chặt kiểm soát hoạt động của những “ông lớn” công nghệ 2 năm trước.

Chính phủ Trung Quốc đã buộc Ant Group, công ty liên kết tài chính với Alibaba, phải hủy bỏ đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng lớn nhất thế giới vào năm 2020, sau đó đưa ra những cải cách làm thay đổi cơ bản mô hình kinh doanh của công ty.

Mặc dù vậy, Alibaba vẫn là công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc và là thước đo nhu cầu của người tiêu dùng tại quốc gia này. Tuy nhiên, nhu cầu chi tiêu của người dân cần thời gian để phục hồi bền vững. Trong khi dó, các công ty thương mại điện tử cũng đang nỗ lực vươn lên để giành vị thế dẫn đầu trên thị trường, khiến các nhà đầu tư càng lo lắng về lợi nhuận.

Trước tình hình này, Alibaba cần tiếp tục tập trung vào việc giảm chi phí và lợi nhuận hơn là mở rộng hoạt động kinh doanh mới. Để đạt được tăng trưởng chất lượng cao, công ty đã cắt giảm khoảng 19.000 nhân viên vào năm ngoái.

Thế giới - Alibaba của Jack Ma chật vật tìm đường hồi sinh (Hình 3).

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cho biết họ đang tiến hành thử nghiệm một ứng dụng tương tự như ChatGPT của OpenAI nhưng chưa nói rõ thời gian ra mắt. Ảnh: Analytic Insight

Ở nước ngoài, Alibaba cũng đang cắt giảm tham vọng toàn cầu của mình. Gã khổng lồ công nghệ đã bán hết số cổ phần cuối cùng của mình trong gã khổng lồ fintech Ấn Độ Paytm trong tháng 2, đẩy nhanh việc rút tiền khỏi lĩnh vực internet và di động đang phát triển nhanh nhất thế giới.

Cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là ở các dịch vụ tiêu dùng trong nước và thương mại quốc tế, được coi là chìa khóa đảm bảo lợi nhuận của Alibaba trong thời gian tới. Nhưng về lâu dài, nó vẫn phải đưa ra câu trả lời cho sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Với mức tăng trưởng người dùng đạt mức trần, công ty đang ngày càng tập trung vào các lĩnh vực như dịch vụ điện toán đám mây, lĩnh vực từng là động lực tăng trưởng lớn nhất của công ty.

Alibaba cũng đã tham gia cuộc đua phát triển các ứng dụng tương tự như ChatGPT ở lục địa với kỳ vọng chatbot đàm thoại sẽ dẫn đến các cơ hội phát triển mới.

“Tôi nghĩ rằng AI thế hệ mới sẽ tạo ra những trải nghiệm mới cũng như định dạng tiêu dùng mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm và thúc đẩy những đột phá công nghệ mới để mở ra những biên giới mới trong thương mại và kinh doanh”, giám đốc điều hành của Alibaba Daniel Zhang cam kết.

Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, Forbes)