Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định: “Trải qua lịch sử hàng ngàn năm đã chứng minh, ở đồng bằng Bắc bộ có tinh hoa nghệ thuật gì, ở Thăng Long đều có. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, khi hội tụ về Thăng Long - Hà Nội, các loại hình nghệ thuật này đã mang một đời sống mới đậm nét Tràng An, và kết tinh thành tinh hoa nghệ thuật rất riêng của Hà Nội.
Tự hào mảnh đất tinh hoa hội tụ
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nêu ví dụ như hát xẩm là loại hình nghệ thuật phổ biến khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ cho đến miền Trung du, đặc biệt là phổ biến ở các tỉnh như Nam Định, Ninh Bình, Hà Tây (cũ), Hải Dương, Hải Phòng…, nhưng khi về đến kinh kỳ lại có sự “biến hóa”, mang tính chất trữ tình, yếu tố đặc sệt dân gian giảm đi, thay vào đó là có sự tinh tế, nhẹ nhàng phù hợp với phong thái, lối sống, giọng nói của người Hà Nội. Có những điệu xẩm trữ tình như điệu phồn hoa chênh bông, điệu ngâm anh khóa hay xẩm tàu điện… rất Hà Nội, chứ không dí dỏm, hóm hỉnh mang tính làng quê như ở các vùng, miền khác. Chính vì vậy sau này nhiều người cứ ngỡ xẩm là “đặc sản” nghệ thuật truyền thống đất Thăng Long.
Một trường hợp điển hình hơn là ca trù. Năm 2009, UNESCO đã ghi danh Ca trù là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, và ngày 23/2/2020, Google cũng đưa hình ảnh minh họa không gian biểu diễn nghệ thuật Ca trù của Việt Nam lên tính năng Google Doodle như một sự vinh danh loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam với thế giới. Google giới thiệu về ca trù là một thể loại âm nhạc truyền thống từng được tôn sùng nhất của Việt Nam, ban đầu nó được phục vụ chủ yếu trong hoàng cung, sau đó xâm nhập dần vào đời sống thị dân Hà Nội. Sau 15 năm được ghi nhận, ca trù có sự hồi sinh đặc biệt ở Hà Nội với nhiều câu lạc bộ, số lượng nghệ nhân phát triển mạnh. Do vậy, đối với đông đảo nhiều người dân và du khách, ca trù giống như một biểu tượng nghệ thuật truyền thống của Hà Nội.
Thực tế, theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, thời kỳ phát triển rực rỡ của ca trù khoảng thế kỷ thứ XV, ở khắp đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Thanh Hoá, chứ không phải của riêng Hà Nội. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long khẳng định, điều đặc biệt nhất là khi ca trù ra đến Hà Nội lại trở thành các giáo phường mang dáng dấp các nhà hát thính phòng dân gian, biến thành một nghề nuôi sống được người đàn hát. Đời sống Kinh kỳ đã giúp phát triển loại hình nghệ thuật dân gian trở thành nghệ thuật chuyên nghiệp, đại diện cho lối chơi tao nhã của người Hà Nội. Ngay cả hát xẩm cũng vậy đã trở thành lối hát chuyên nghiệp khi bén rễ ở Hà Nội.
Tuy không trở thành đại diện nghệ thuật đất kinh kỳ như ca trù hay xẩm, nhưng theo các nhà nghiên cứu, nghệ thuật hát văn cũng đạt được đỉnh cao và được giữ gìn quyết liệt, bền bỉ nhất chính là ở Hà Nội. Từng bị đánh đồng với mê tín dị đoan, số phận của nghệ thuật hát văn rất lận đận, nhưng chính những nghệ nhân tại Hà Nội đã âm thầm gìn giữ, bảo tồn và phát triển nó, đóng góp tích cực vào việc khẳng định giá trị trường tồn của loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền riêng có của dân tộc.
Được biết, vào thời điểm rất khó khăn cho hát Văn là những năm 80, nhạc sĩ Thao Giang, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam (thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam) đã cùng một số nghệ nhân như Nghệ nhân Văn Ty táo bạo mở một cuộc đàn và thi hát Văn ở đền Sòng phố Tôn Đức Thắng. Sự kiện này đã gióng lên một hồi chuông về giá trị nghệ thuật của loại hình nghệ thuật hát Văn. Và sau này, để khẳng định giá trị nghệ thuật của hát văn, Nhà hát Chèo Việt Nam đã tiên phong đưa lên sân khấu diễn xướng 3 giá đồng đã gây được tiếng vang lớn. Sau đó một số nhà hát cũng học theo. Hà Nội chính là nơi đã gìn giữ và hồi sinh hát Văn như thế. Theo các nhà nghiên cứu, cho đến hiện nay, hát Văn vẫn đang phát triển rất sôi động trong khu vực phố cổ, gắn bó rất mật thiết với đời sống văn hóa, tinh thần của người Hà Nội.
Nhạc sĩ Giáng Sol cho biết, Hà Nội còn có một loại hình nghệ thuật cổ truyền rất đặc biệt, đó chính là cây đàn bầu. Điều này chị tìm hiểu thông qua nghiên cứu của cha chị, nhà nghiên cứu Hoàng Kiều. Công trình nghiên cứu về xẩm của nhà nghiên cứu Hoàng Kiều chỉ ra đàn bầu gắn với cuộc đời hát xẩm của thái tử Trần Quốc Đĩnh, con vua Trần Thánh Tông, ông tổ nghề hát xẩm. Giai thoại kể lại rằng, đàn bầu là báu vật mà Bụt ban cho thái tử Trần Quốc Đĩnh làm kế sinh nhai khi bị hãm hại vì tranh giành quyền lực.
“Mặc dù câu chuyện này là thành tích chứ không phải chính sử, nhưng sự ra đời của cây đàn bầu gắn với ông tổ nghề hát xẩm là Thái tử Trần Quốc Đĩnh tức là cây đàn có nguồn gốc từ đất Thăng Long. Chúng ta nên nghiên cứu sâu hơn và vinh danh nhạc cụ cổ truyền này trong kho tàng nghệ thuật cổ truyền tinh hoa của đất Thăng Long - Hà Nội”- nhạc sĩ Giáng Sol cho biết.
Khi vùng di sản, tinh hoa được mở rộng…
Ngày 1/8/2008, tỉnh Hà Tây chính thức sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội, cũng từ đó Hà Nội đã tiếp nhận cả một vùng tinh hoa văn hóa xứ Đoài vô cùng phong phú, đặc sắc làm đa dạng, hấp dẫn, làm dày hơn cho hệ sinh thái nghệ thuật cổ truyền của Hà Nội, có nhiều tiềm năng gắn kết mật thiết với nghệ thuật cổ truyền nội thành trong phát triển công nghiệp văn hóa cho Thủ đô.
Nghệ thuật cổ truyền là tinh hoa văn hóa xứ Đoài vùng ven Hà Nội có nhiều loại hình tiêu biểu như chèo Tàu, hát Dô, hát Trống quân… hiện đã và đang dần được quan tâm phát triển. Tuy nhiên, vẫn chưa xứng với giá trị và tiềm năng trở thành nguồn lực văn hóa của Thủ đô.
Quan tâm đến hát Dô, Tiến sĩ âm nhạc Thu Hà, Trưởng khoa Nghệ thuật Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, hát Dô - dân ca nghi lễ, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội), là một loại hình nghệ thuật cổ truyền rất độc đáo của xứ Đoài cần phát triển mạnh mẽ và lan tỏa hơn nữa. Mặc dù những năm gần đây loại hình này đã được khôi phục bằng nỗ lực của địa phương và các cá nhân, đầu năm nay, huyện Quốc Oai (Hà Nội) cũng đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trình diễn Hát Dô xã Liệp Tuyết, nhưng thực tế thì sự lan tỏa của Hát Dô vẫn còn rất hạn chế.
“Hát Dô có nhiều bài hát rất độc đáo, mang đặc trưng dân ca đồng bằng Bắc Bộ, mang âm sắc người xứ Đoài rõ nét, thể hiện tinh thần lạc quan, ca ngợi vẻ đẹp tình cảm vợ chồng, đôi lứa… rất hay, có thể coi là cả một di sản văn hóa mang giá trị về tâm hồn, tình cảm của người Việt nói chung, người xứ Đoài nói riêng” - Tiến sĩ Thu Hà nhận định.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết, vùng di sản nghệ thuật cổ truyền xứ Đoài còn có một loại hình rất độc đáo là dân ca Hà Đông rất hay và đặc biệt, nhưng hiện nay đang không được phát huy, phát triển. Hát Dô cũng như dân ca Hà Đông nếu chỉ hiện hữu ở một vùng nhỏ, hoặc các nghệ nhân là rất phí.
“Cách đây không lâu, tôi có đến Thanh Oai, Hà Nội phát hiện thấy trong dàn nhạc bát âm có 1 dàn trống của địa phương gồm 4 trống với 1 chũm chọe (não bạt) là di sản có nguồn gốc từ cung đình Huế. Tôi ngạc nhiên hỏi trưởng thôn thì được biết dàn trống này có ở địa phương đã hàng trăm năm, được đánh ở các lễ hội, trong phường bát âm. Tôi từng đi vào Bình Định nghiên cứu, thấy dàn trống tương đồng với một số trống nhạc võ Bình Định. Tôi cho rằng, trống này xuất hiện tại Hà Nội theo con đường của đội quân thần tốc của vua Quang Trung năm xưa ra Thăng Long. Chúng ta cần có một nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản để tìm cho ra ngọn nguồn của nhạc cụ này. Nếu đúng, đó là di sản quý nữa của Hà Nội, nó khơi dậy tinh thần đấu tranh thượng võ chống giặc ngoại xâm của người Việt Nam ta”- nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ.
Có thể nói, Thăng Long - Hà Nội là nơi lưu giữ, kết tinh và đưa nghệ thuật cổ truyền phát triển ở mức thăng hoa, nhưng cho đến tận hôm nay thật đáng tiếc khi chúng ta vẫn chưa thực sự khai thác đầy đủ và hiệu quả những giá trị này.
Kỳ 2: Tìm kiếm một “hệ sinh thái” nghệ thuật
cổ truyền Hà Nội