Tội phạm nảy sinh khi gia đình bất ổn
Dù nhiều năm đã trôi qua, nhưng phiên toà xét xử “nghịch tử giết cha” Bùi Tất Trung, trú tại huyện Đan Phượng, Hà Nội vẫn khiến những phóng viên đưa tin chúng tôi day dứt và thường nhắc lại như một minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của môi trường giáo dục gia đình. Sinh ra trong một gia đình mà bố thường xuyên có hành vi bạo hành mẹ, Trung đã không thể phát triển lành mạnh mà sớm mang nỗi oán giận, thù ghét bố trong lòng. Phút định mệnh đẩy cuộc đời bị cáo vào vòng lao lý, khép lại tương lai mà lẽ ra đang rộng mở vào đúng hôm Trung chứng kiến cảnh bố đánh mẹ đến nỗi phải nhập viện. Quá bất bình, Trung đã vớ lấy con dao bầu đâm vào bụng và đùi trái bố mình khiến nạn nhân tử vong.
Một phiên toà đầy nước mắt khác diễn ra tại TAND TP Hà Nội, bị cáo Nguyễn Văn Cảnh (SN 1993, trú tại Mê Linh, Hà Nội) bị xét xử về tội “Giết người”. Ông Nguyễn Văn Thanh, bố bị cáo Cảnh mắt đỏ hoe kể, Cảnh là con trai lớn. Khi Cảnh hơn 1 tuổi, vợ chồng ông xảy ra mâu thuẫn dẫn đến chia tay. Vợ ông bỏ vào Nam làm ăn, ông cũng nay đây mai đó, Cảnh được ông bà nội chăm sóc. 4 năm sau, vợ ông về quê, nối lại hôn nhân với ông và có thêm cậu con trai thứ hai. Hằng ngày, vợ chồng ông bận mưu sinh, có hôm đến 2-3 giờ sáng mới về. Hai đứa trẻ cứ tự lớn như cây cỏ, không được quan tâm, chăm sóc. Cảnh từ bé đã lười học, ham chơi, đến lớp 10 thì nghỉ học. Trước Tết, Cảnh đòi mẹ mua một chiếc điện thoại nhưng không được đáp ứng. Ôm tức giận trong lòng, Cảnh lên kế hoạch giết mẹ. Thảm kịch xảy ra, ông Thanh ân hận cho biết, là người cha, người mẹ, nếu vợ chồng ông quan tâm xây dựng một tổ ấm an toàn, lành mạnh thì các con ông đã lớn lên thành người, không bỏ học, không đua đòi, không trở nên bất hiếu, bất trị...
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết nối, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13 nghìn thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi - dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 - dưới 18 tuổi. Điểm chung của đa phần những đứa trẻ này là sự thiếu giáo dục từ gia đình, hoặc chịu ảnh hưởng từ lối sống thiếu chuẩn mực của các bậc sinh thành. Khi những người làm cha, làm mẹ thường xuyên cãi vã, xung đột, ngoại tình... sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm, sinh lý của trẻ, các em sẽ soi mình vào đó để làm theo, hoặc nếu không đồng tình sẽ phản kháng lại khiến cuộc sống của các em thiếu trật tự căn bản.
Theo bà Trương Thị Thu Thuỷ, Trưởng ban Gia đình-Xã hội, Hội LHPN Việt Nam, hiện nay, một số giá trị truyền thống trong gia đình Việt đang bị mai một và biến dạng. Việc quan tâm, chăm sóc giáo dục con cái bị sao nhãng do cha mẹ bận rộn, thời gian dành cho gia đình ngày càng ít đi. Một số gia đình không chú trọng đến giáo dục, hoặc có quan tâm nhưng lúng túng cả về nội dung và cách thức giáo dục con em. Sự “lệch chuẩn” trong giá trị gia đình, giá trị xã hội cũng gây ra nhiều hệ lụy đối với gia đình.
Thực tế những năm gần đây cho thấy, số lượng các vụ án mạng xảy ra trong gia đình chiếm tới 18 - 20%, có vụ việc chỉ vì lợi ích kinh tế hoặc những mâu thuẫn, xích mích nhỏ. Xu hướng trẻ hóa tội phạm giết người thời gian gần đây tăng cao, khi có tới 60% đối tượng ở độ tuổi dưới 30... Những hiện tượng đó đang rung lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với mỗi gia đình và cả xã hội.
Tính bền vững trong hôn nhân giảm dần
Theo TS Lê Thị Thắm, Trường Đại học Hồng Đức, trong thời hiện đại, những giá trị ngoại lai, xa lạ với thuần phong, mỹ tục, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc đang du nhập vào Việt Nam, từ đó gây nên nhiều hệ lụy cho các gia đình.
Theo thống kê, những năm gần đây, ở Việt Nam số vụ ly hôn trung bình một năm lên đến 60.000 vụ. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25%, nghĩa là cứ 4 cặp kết hôn thì có 1 đôi tan vỡ. Điều này cho thấy, giá trị bền vững trong hôn nhân trong thời hiện đại không còn được xem là yếu tố quan trọng cần nỗ lực gìn giữ bằng mọi giá.
TS Thắm cho biết, trong các gia đình truyền thống, tính bền vững của hôn nhân được đặt ở vị trí hàng đầu trong hệ giá trị gia đình. Với nhiều cặp vợ chồng, tình yêu còn đến sau hôn nhân do ảnh hưởng từ hôn nhân sắp đặt của cha mẹ, song, vợ chồng lại gắn kết bằng chữ “nghĩa” nên ly hôn ít khi xảy ra. Nếu nhìn về mặt tích cực, quan niệm coi trọng bền vững của hôn nhân đã giúp các cặp vợ chồng dù khó khăn đến đâu cũng nỗ lực giữ gìn tổ ấm. Trong khi đó, nhất là trong hai thập niên trở lại đây, dù là hôn nhân tự nguyện song tình trạng ly hôn, ly thân lại tăng, có những cuộc chia tay “nhẹ bẫng” chỉ sau một thời gian ngắn. Bàn luận về xu hướng này sẽ có cả hai chiều tốt, xấu, nhưng thực tế không thể phủ nhận, không ít trường hợp, di chứng ly hôn đã ảnh hưởng tới tâm lý, cuộc sống sau này của những người trong cuộc, nhất là phụ nữ, trẻ em.
Nhiều vấn đề xã hội khác như tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em... ngày càng phức tạp cũng khiến cho môi trường gia đình mất dần tính an toàn. Kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ chịu ít nhất một hình thức bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra; có 70,8% trẻ em dưới 15 tuổi đã từng phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt bạo lực tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên gia đình. Theo số liệu của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội năm 2022, có 82 vụ việc/110 bị báo về tội xâm hại tình dục trẻ em. 6 tháng đầu năm 2023, Tòa án 2 cấp Thành phố thụ lý 81 vụ/81 bị cáo xâm hại tình dục trẻ em. Ngoài ra, bối cảnh internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ; tệ nạn ma túy, tín dụng đen, tệ nạn xã hội, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những thách thức mới của hội nhập toàn cầu… cũng đang tác động trực tiếp tới sự bền vững của gia đình,...
Cũng vì giá trị bền vững của gia đình không còn là ưu tiên số một trong sự lựa chọn của nhiều người nên trong xã hội đã xuất hiện nhiều kiểu hôn nhân mới. Theo nghiên cứu của PGS.TS xã hội học Trần Thị Minh Thi, có khoảng 49,6% người trả lời chấp nhận hiện tượng làm mẹ đơn thân, bố đơn thân, sống như vợ chồng, thậm chí sinh con với nhau mà không có hôn thú. Hiện tượng chung sống không kết hôn, sống thử được hơn 67% đồng ý. Hôn nhân “rổ rá cạp lại” cũng phổ biến hơn trong xã hội hiện đại. Bên cạnh mặt tích cực như cho thấy quyền được tự do, tự chủ lựa chọn môi trường sống của mỗi người, việc chung sống “kiểu mới” cũng có mặt trái nếu những người trong cuộc thiếu kỹ năng, thiếu ý thức, trách nhiệm xây dựng, gìn giữ gia đình, không có sự yêu thương nhau.
Tháng 3/2020, dư luận rất phẫn nộ khi cháu N.N.M đã bị chính mẹ đẻ và bố dượng cùng trú tại Hà Nội đánh đập, hành hạ đến chết. Hay như năm 2022, cháu bé 3 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội bị người tình của mẹ đóng 9 chiếc đinh vào đầu khiến nhiều người không kìm được nước mắt. Mặc dù các đối tượng đã phải chịu sự trừng phạt thích đáng, nhưng điều này đã cho thấy, sự bất ổn trong một số gia đình “rổ rá cạp lại” hay kiểu “sống chung, sống ghép” một cách dễ dãi thời nay…
Có thể nói, những biểu hiện mới, phản tiến bộ, không phù hợp với các quan điểm của Đảng về xây dựng gia đình Việt Nam bền vững, no ấm, tiến bộ, bình đẳng... đang tác động xấu tới nền tảng gia đình. Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế và hội nhập, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình chính là nguồn lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, anh hùng. Do đó, việc đưa ra các giải pháp để phát huy giá trị tích cực, tiến bộ, lọc bỏ những biến đổi tiêu cực, qua đó vun đắp gia đình Việt Nam nói chung, gia đình Thủ đô nói riêng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
(Còn nữa)