MV “Tôi là người thợ lò” được Phúc Tiệp chọn ra mắt cận kề dịp kỷ niệm 86 năm ngày truyền thống của công nhân vùng mỏ (12/11/1936 - 12/11/2022).
Nói về sản phẩm âm nhạc này, Phúc Tiệp cho biết, MV được anh ghi hình từ năm 2019, trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19 nhưng phải đến bây giờ mới có thể ra mắt khán giả. Nam ca sĩ chia sẻ, cách đây 3 năm anh nhận lời tham gia chương trình truyền hình thực tế “Sống ở mỏ” phát trên sóng VTV3 nên có dịp trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt và công việc thường nhật của một công nhân mỏ, từ: khoan vỉa than, ngồi nặn “bua mìn”, nổ mìn, vác thiết bị nặng vài chục kg xuống mỏ sâu, sửa chữa máy móc vận hành trên mặt đất… Khi nhận lời mời tham gia chương trình này, anh đã nghĩ tới việc sẽ làm MV “Tôi là người thợ lò” quay lại những hình ảnh đời thực nhất về những người công nhân mỏ và cả trải nghiệm của mình khi sống, làm việc cùng với họ. Khác với những MV trước đó về ca khúc này chỉ làm mang tính ước lệ, anh muốn làm ra một MV chân thực nhất có thể giúp mọi người hiểu rõ về cuộc sống lao động của những người công nhân mỏ. Vì vậy, các hình ảnh trong MV khá chân thật, cho thấy sự dấn thân của Phúc Tiệp khi quay hình. Anh cũng lấm len than như bất kỳ công nhân nào, tìm hiểu kỹ về công việc và cũng cùng thao tác công việc khiến nhiều khi khán giả không biết đâu là Phúc Tiệp, đâu là công nhân.
Phúc Tiệp kể, người bình thường mà xuống hầm lò sâu chừng 70-80m và ở trong đó chừng 2 – 3 tiếng là không chịu nổi, phải quay trở lên, nhưng trong dịp trải nghiệm này, anh đã theo chân các công nhân mỏ xuống hầm sâu tới tận 175m, kinh qua đủ các công việc mà họ làm 8 tiếng mỗi ngày và nhiều lần xúc động rơi nước mắt vì thấu hiểu những hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng lớn lao của họ. Ấn tượng hơn là trong MV, ngoài Phúc Tiệp, những “diễn viên” xuất hiện trong MV chính là những công nhân vùng mỏ với nụ cười, ánh mắt cực kỳ đời thường và chân thật.
“Người ta có câu: ‘ăn cơm dương gian nhưng làm việc địa phủ’ là để nói về công việc lao động của những người thợ lò có lẽ là vì thế. Trong hầm sâu và tối, chỉ cần tắt chiếc đèn pin đeo trên đầu của mỗi người đi, thì không gian xung quanh chắc giống như địa phủ rồi. Tôi muốn ghi lại sự hy sinh của họ trong MV này!” – Phúc Tiệp xúc động nhớ lại.
Không chỉ đầu tư MV bằng sự nguy hiểm của chính mình, trước khi xuống hầm lò cả Phúc Tiệp và ekip phải ký cam kết tự nguyện, tự chịu trách nhiệm mọi vấn đề, Phúc Tiệp còn đầu tư cho âm nhạc để làm mới ca khúc đã được nhiều thế hệ cha anh thể hiện thành công. Nhạc sĩ Lưu Hà An đã giúp anh thực hiện tâm nguyện đó và tạo nên một bản phối đầy chất hào sảng, huy hoàng.
Cùng với MV “Tôi là người thợ lò”, Phúc Tiệp ra mắt album nhạc xưa có tên “Vết xưa”. Trái ngược với điều mọi người nghĩ giọng hát opera hát “vỡ kính” sẽ không đủ sự trầm lắng, nhẹ nhàng và cả dịu dàng để hát nhạc xưa, thì Phúc Tiệp gây nhiều bất ngờ.
Album “Vết xưa” được Phúc Tiệp âm thầm thực hiện cách đây gần 3 năm, quy tụ 9 nhạc phẩm của các nhạc sĩ tên tuổi gồm: Mùa hè đẹp nhất, Mùa đông sắp đến, Cơn mưa phùn (Đức Huy), Căn nhà xưa (Nguyễn Đình Toàn), Như chiếc que diêm, Mắt lệ cho người (Từ Công Phụng), Một lần nào cho tôi gặp lại em, Rồi cũng già(Vũ Thành An), Chiều một mình qua phố (Trịnh Công Sơn).
Chia sẻ về việc bỗng dưng “rẽ” sang hát một dòng nhạc khác với niềm đam mê của mình, Phúc Tiệp tâm sự, nhiều năm nay khi đã có chỗ đứng nhất định ở dòng nhạc thính phòng, anh trăn trở suy nghĩ đến việc mình vẫn thiếu một điều gì đó trong việc tiệm cận với cộng đồng nghe nhạc nói chung và đã tới lúc nên có sự bứt phá để ghi dấu tên tuổi của mình trong dòng chảy nhạc Việt. Dù vậy, anh tự nhủ, nếu có hát dòng nhạc nào, kết hợp với ai đi chăng nữa thì cuối cùng trong đó vẫn phải có “chất” riêng, ví như có một vài câu hát mà khi cất lên, anh được là chính mình và giọng hát phải thật “vỡ kính”.
Trong vài ba năm thử tìm tòi làm mới phong cách âm nhạc, anh nhận ra giọng hát mình chỉn chu về kỹ thuật và tìm thấy cảm xúc thăng hoa ở dòng nhạc thính phòng nhưng sự tinh tế thì chưa đủ để bén duyên với các dòng nhạc mềm mại khác. Anh tập cách sống chậm lại, tĩnh tâm hơn. Cùng lúc này, anh nghĩ đến việc hát nhạc xưa khi tự thấy bản thân đã đủ độ va vấp, trải nghiệm và sẵn sàng thả lỏng mình hơn trong cách hát. Sau khi làm xong album “Vết xưa”, anh đưa cho một vài người bạn nghe và ai cũng đều thốt lên ngạc nhiên: “Đây là Tiệp hát thật à? Tiệp mà hát được loại nhạc mềm thế này à?”.
Dù được ghi nhận đã có sự “lột xác” khó tin nhưng Phúc Tiệp hào hứng vì thật ra 9 ca khúc trong album “Vết xưa” vẫn mang màu sắc rất riêng của anh. Nói vậy là bởi anh vẫn lồng ghép một chút màu sắc thính phòng vào trong đó, dù chỉ là một vài câu hát mà chỉ cần người nghe tinh ý một chút sẽ nhận ra. Nam ca sĩ thừa nhận, anh đã phải tiết chế khoảng 70% chất giọng của mình, giống như một người bình thường có giọng nói hào sảng, nhưng giờ đây phải nói nhỏ lại, chậm lại sao cho vẫn đảm bảo độ tròn vành rõ chữ và giàu cảm xúc.
“Album ‘Vết xưa’ có thể nói là cuộc chơi của tôi trong âm nhạc, giống như một vệt sáng vút lên, một dấu vết để lại. Với tôi, việc chinh phục bản thân với nhạc xưa không hề dễ dàng chút nào, kỹ thuật thanh nhạc thì đơn giản, cái khó nhất là làm sao hát để ra được tinh thần ở bên trong ca khúc. Tôi muốn có một Phúc Tiệp hát dòng nhạc này có gì đó khác biệt với số đông những người khác.” – Phúc Tiệp chia sẻ. Nam ca sĩ tiết lộ thêm, sau album này, anh đã nghĩ đến việc hát nhạc Đoàn Chuẩn Từ Linh, nhạc Phú Quang…
TUỲ DUYÊN