Cháu cầm lấy chút tiền này mà tiêu

Admin
(PNTĐ) - Nó thường thấy khó chịu vì tính ông nội tiết kiệm, trước khi tiêu cái gì cũng phải cân nhắc, tính toán. Còn nó, và có lẽ cũng như nhiều thanh niên khác, thì luôn cho rằng, tiền kiếm ra là để tiêu, bóp mồm bóp miệng làm gì cho mệt.

Nó còn nhớ lần đó, hai ông cháu vào thành phố Hồ Chí Minh thăm em gái của ông nội. Hai anh em ông nội mỗi người ở một thành phố, dễ đến cả chục năm không được gặp nhau. Thế rồi em gái ông bị tai nạn, ngã gãy chân, báo tin ra cho ông. Ông nội vội vàng mua vé máy bay rồi dẫn theo nó vào thăm bà.

Trước hôm lên đường, nó bảo ông: “Mai cháu thuê một cái taxi đưa đón hai ông cháu ra sân bay nhé”. Nhưng ông bảo không cần, mai ông cháu mình đi xe buýt của sân bay cho tiết kiệm. Rồi ông tính, đi taxi thì hết những mấy trăm ngàn, còn đi xe buýt sân bay, chịu khó đi bộ ra bến và chấp nhận đi lâu hơn một chút nhưng chỉ tốn có dăm chục ngàn. Nó cản ông không được nên đành miễn cưỡng nghe theo, nghĩ rằng ông sao phải khổ thế.

Cháu cầm lấy chút tiền này mà tiêu - ảnh 1
Ảnh minh họa

Sống gần hết cuộc đời, ông nội gần như chẳng biết đến nhà hàng, khách sạn là gì. Bởi, với ông, đi nhà hàng là xa xỉ, tốn kém không cần thiết trong khi ở nhà thích ăn gì tự nấu vừa ngon, vừa rẻ. Ông cũng không thích mỗi khi thấy nó đặt đồ ăn, thức uống trên mạng và ship tới tận nhà. Ông bảo, tiêu tiền như vậy là lãng phí, mua một cốc nước đã tốn kém, tiền ship lại còn tốn hơn.

Thế rồi, lúc nào ông cũng nhắc nhở nó mua sắm ít thôi, cần thì mua chứ đừng mua theo bạn bè. Bản thân ông, cũng chẳng sắm sửa gì cho mình. Trong nhà, đồ đạc thì chỉ đủ dùng, ông bảo ông không có nhiều nhu cầu. Ngày còn nhỏ, cuộc sống của ông còn vất vả hơn nên bây giờ được như vậy là tốt lắm rồi, miễn là mình thảnh thơi, thanh thản.

Nó cũng mấy lần tỉ tê, bảo ông xây lại ngôi nhà mới vì ngôi nhà đang ở đã “cổ lỗ sĩ”, cũng nhỏ hẹp rồi. Nhưng ông không đồng ý, ông bảo ăn nhiều ở hết bao nhiêu. Ngôi nhà này vẫn còn tốt, tường chắc chắn vì ngày xưa từ lúc xây, ông đã chủ trương “ăn chắc mặc bền”. Nhà cũ có thể không thời trang, phong cách nhưng ông thấy vẫn rất ổn, mưa chẳng đến mặt, nắng không tới đầu.

Rồi thấm thoắt cũng đến ngày nó đi lấy chồng. Ông xem ra là người vui nhất. Từ hồi bố mẹ nó mất, ông đảm đương nuôi nó lớn khôn thế này. Gặp cháu rể tương lai, ông bảo: “Con đưa em nó đi chọn váy cưới thật đẹp. Trong đám cưới, hai đứa thấy cần gì thì cứ mua, ông sẽ cho thêm tiền”. Nó thấy lạ vì ông vốn tiết kiệm, chẳng mấy khi cho phép mình “tiêu hoang” như thế. Có lẽ hiểu được băn khoăn của nó, tối đó, ông bảo: “Cháu cứ chuẩn bị đám cưới cho tốt. Ông chỉ có một cô cháu gái, ông muốn cháu được hãnh diện với nhà chồng”.

Ngày đón dâu, sau khi phát biểu xong, ông xin phép nhà trai tặng cho nó một cuốn sổ tiết kiệm 300 triệu đồng. Ông bảo ông không có nhiều, đây là tất cả những gì ông tiết kiệm được trong thời gian qua, nay ông cho lại vợ chồng cháu gái để có vốn làm ăn hoặc phòng khi bất trắc. Nhìn ông trong bộ comple được may từ thời ông còn làm “chú rể”, sau đó cất kỹ trong tủ tới giờ mới mang ra mặc lại, mà nó trào nước mắt. Ông vẫn thế, lúc nào cũng vẫn tiết kiệm nhưng rồi, được bao nhiêu tiền thì lại chỉ để cho hết cháu.

Nó thương ông và biết ơn vì ông trời bắt nó mồ côi cha mẹ sớm, nhưng lại cho nó một người ông tuyệt vời.