Chia nhà cho con, bố mẹ trở thành “kẻ ở nhờ”

Admin
(PNTĐ) - Từ ngày ông bà chuyển quyền sở hữu ngôi nhà của mình cho con trai út thì câu cửa miệng của nó với ông bà mỗi lúc bực tức hay cần quyết định vấn đề gì liên quan đến ngôi nhà là “bố mẹ đang ở nhờ trong nhà tôi nên chẳng có quyền gì ở đây”. Mấy đứa con khác sống bên ngoài cũng không còn lối về nhà bố mẹ như xưa.

Ông bà sinh được ba người con (hai trai, một gái), vợ chồng chăm chỉ làm lụng nên cũng tích lũy mua được đất, xây lên ngôi nhà rộng rãi làm chốn an cư cho cả gia đình. Con trai cả có chí học hành nên đỗ đại học. Mấy năm học ở thành phố, nó còn năng động làm thêm để tự lo tiền học phí, đỡ đần cho bố mẹ. Ra trường, nó tự xin việc lập nghiệp ở thành phố luôn.

Đứa con gái học xong cấp ba, chọn ngành sư phạm, học xong ra trường xin vào dạy ở một trường học trong tỉnh. Ông bà chỉ lo mỗi đứa con trai út, nó chẳng có chí nên từ nhỏ đến lớn việc học cứ lẹt đẹt. Học xong cấp 3, ông bà xin cho nó đi học nghề rồi về làm công nhân ở khu công nghiệp trong huyện.

Các con đến tuổi lấy vợ, lấy chồng, ông bà khá yên tâm với con trai cả và con gái, vì đứa nào cũng chọn được bạn đời tâm đầu ý hợp. Nhìn lại, vẫn chỉ có con trai út là yêu đương lăng nhăng chẳng đâu vào đâu khiến ông bà bao phen lâm vào cảnh đau đầu đi giải quyết hậu quả của nó khi con gái người ta mang bụng bầu đến nhà ăn vạ. Cuối cùng, họ cũng buộc nó vào một cuộc hôn nhân trong cảnh “cưới dâu kèm cháu”. Cưới xong, vợ chồng con trai út sống chung với ông bà.

Vợ chồng con trai cả sống ở phố, sự nghiệp thăng tiến tốt nên kinh tế ổn định, mua được nhà, đời sống tiện nghi đầy đủ. Nó vẫn là đứa con mang lại cho ông bà nhiều niềm vui và sự tin tưởng nhất lâu nay. Vợ chồng con gái cũng sống hạnh phúc, thông gia có điều kiện kinh tế nên chúng cũng có nhà cửa đàng hoàng.

Vậy nên, ngôi nhà của ông bà ở quê cũng được con trai cả hỗ trợ tiền bạc sửa lại khang trang. Để tiện cho các gia đình có chỗ nghỉ ngơi đàng hoàng mỗi lần về quê thăm bố mẹ, ăn tết, nghỉ lễ cho con cháu và các em, con trai cả còn bỏ tiền ra mở rộng thêm mấy phòng ngủ. Những ngày có công có việc, đại gia đình ông bà đoàn viên ấm cúng, ai nhìn vào cũng ngưỡng mộ, ao ước.

Chia nhà cho con, bố mẹ trở thành “kẻ ở nhờ” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Một ngày, con trai út ông bà nói đến chuyện chia tài sản. Nó bảo, bây giờ anh cả có nhà cửa đàng hoàng ở thành phố rồi, ngôi nhà ở quê, ông bà cũng nên sang tên cho nó. Nghĩ kỹ, tài sản trước sau gì cũng để lại cho con cái, việc sang tên cho chúng không trước thì sau cũng phải làm. Vậy nên, nhân dịp ngày lễ các con trai, gái về đông đủ, ông bà nói với các con chuyện chia tài sản.

Ý ông bà thuận theo ý con trai út, đó là vợ chồng con trai cả đã có nhà cửa đàng hoàng thì cũng không về đây ở nên ngôi nhà này sẽ sang tên cho con trai út, còn con gái đã lấy chồng rồi thì hưởng phước nhà chồng. Tuy nhiên, vợ chồng con trai cả và con gái không đồng ý, chúng bảo tài sản mà chúng hiện có là của riêng, còn tài sản bố mẹ chia là chuyện khác, không thể phân biệt con khó thì cho, còn con có thì không, rồi thì con gái không được quyền hưởng tài sản. Nếu chia thì vẫn phải công bằng, sau đó, anh em có thể nhường nhịn cho nhau thế nào thì tùy.

Con trai và con gái bà thống nhất bảo, mảnh đất hiện tại, ông bà cứ chia đôi, một nửa cho con trai út, xem như nó khó khăn hơn thì cho phần hơn. Nửa còn lại là của ông bà, con cả và con gái, tuy nhiên, số tài sản này họ sẽ không nhận mà vẫn để tên ông bà coi như làm ngôi nhà chung để anh chị em, các cháu sau này đi về sum họp cho đoàn kết.

Ông bà nghe cũng thuận, nhưng vợ chồng con trai út thì lại không thuận. Chuyện phân chia tài sản bỗng dưng trở thành nguyên nhân khiến mấy đứa con mâu thuẫn. Vì thế, ông bà đành dừng lại.

Chẳng ngờ sau đó, vợ chồng con út sống gần dùng hết chiêu ngọt đến chiêu giận dỗi dọa dẫm bỏ đi khiến ông bà đành âm thầm sang tên quyền sở hữu nhà đất hết cho con trai út. Nó bảo, ông bà cứ làm thế, nó chẳng nói ra, ông bà cũng không nói thì chả ai biết. Đến khi họ qua đời thì mọi sự đã rồi, con trai cả và con gái cũng chẳng trách móc được gì.

Suy cho cùng, họ cũng chẳng về đây ở, còn chuyện anh chị em về quê chơi thì ngôi nhà này vẫn luôn rộng cửa đón họ. Để con trai út không quậy phá, sống yên ổn làm ăn, ông bà đành nghe theo nó. Họ cũng nghĩ, sau này, con trai cả biết được cũng chỉ trách họ chút, còn lại thì cũng chẳng nỡ đấu đá tranh giành mảnh đất quê này với em mình làm gì. Từ trước tới nay, nó là đứa hiểu chuyện, chuyện xây sửa lại nhà cửa cho bố mẹ, tiền đi xin việc cho em trai nó còn bỏ ra lo hết chẳng tính toán gì thì nỡ lòng nào so đo với em khi bố mẹ đã qua đời.

Thấy bố mẹ chẳng nhắc gì đến chuyện chia tài sản tiếp, con trai cả và con gái cứ ngỡ mọi chuyện dừng lại như xưa nên bỏ hết mọi hiềm khích với em trai út, anh chị em lại vui vẻ bình thường. Ai ngờ, một ngày, họ tá hỏa khi bố mẹ gọi về bảo vợ chồng con út đang cắt đất bán, ông bà ngăn cản không cho bán thì nó bảo bây giờ họ đang “ở nhờ” trong nhà nó nên chẳng có quyền ngăn cản.

Bấy giờ, sự thật ông bà chuyển quyền sở hữa hết tài sản cho con út mới lộ ra. Một năm nay, con trai út ham chơi lười làm, sa vào cờ bạc nên nợ nần ngập đầu. Thế là vợ chồng con trai út bàn nhau cắt một nửa đất bán đi lấy tiền trả nợ. Vợ chồng con cả và con gái biết chuyện thì mọi sự đã rồi, chẳng ai có quyền can thiệp em trai út bán đất vì trên pháp lý, tài sản đó hiện đã là tài sản riêng của anh ta.

Chia nhà cho con, bố mẹ trở thành “kẻ ở nhờ” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Con trai út bán một nửa đất, trả nợ xong còn dư một số tiền, thế là nó tự ý sửa lại ngôi nhà bố mẹ đang ở theo ý mình. Nó bảo, đập thông mấy phòng ngày xưa anh cả xây ngăn bí bách chật chội, mở rộng cho nó thoáng. Ông bà ngăn cản, bảo đó là phòng khách, chỗ nghỉ ngơi của con cháu ở xa khi về chơi, bây giờ đập thông ra thì sau này anh em đi về không còn chỗ nghỉ.

Thế nhưng, con trai út không nghe, bảo bây giờ ông bà đang “ở nhờ” thì không nên can thiệp chuyện nhà nó. Mỗi lần nghe nó nói vậy, ông bà điếng người, rõ ràng là nhà của mình, mọi thứ do mình gây dựng nên vậy mà lại trở thành “kẻ ở nhờ”.

Ông bà giận vợ chồng con trai út, hối hận vì sai lầm của mình trong chuyện sớm chuyển nhượng tài sản cho con để giờ lâm vào cảnh mất hết quyền quyết định về tài sản, và cả quyền quyết định mọi việc trong nhà. Tâm sinh bệnh, cả ông và bà cứ ốm đau suốt. Con trai cả và con gái về góp ý, trách móc em trai không nên cư xử nói năng với bố mẹ như thế.

Chẳng ngờ lần nào nói ra, đứa em trai hỗn hào cũng bảo nhà này giờ là nó làm chủ, nó thích làm gì thì làm, thậm chí nếu nó không muốn, chẳng ai có thể bước vào ngôi nhà này cả. Anh chị em lại mâu thuẫn căng thẳng đến mức, con trai và con gái ông bà “thề” sẽ chẳng bao giờ bước chân về ngôi nhà này nữa.

Cứ thế, hơn hai năm nay, ông bà chẳng còn niềm vui được thấy con cháu về quê sum vầy, đoàn tụ. Ngày lễ, ngày Tết, vợ chồng con trai cả và con gái ghé về thăm hỏi, biếu quà cáp bố mẹ rồi nhanh chóng rời đi luôn. Một bữa cơm cũng chẳng ở lại ăn với ông bà cho vui. Mỗi lần ông bà ốm đau, con trai cả đón ra phố chăm sóc tận hiếu. Khỏe mạnh rồi, ông bà lại đòi về quê, bởi người già chẳng muốn rời xa nơi chôn rau cắt rốn, công việc thờ cúng tổ tiên vốn gắn liền với nghĩa vụ của mình.

Từ ngày ngôi nhà được con trai út  sửa lại theo ý mình, nó không còn là ngôi nhà của bố mẹ có chỗ đi về cho con cái như xưa. Giờ đây, ngôi nhà được sắp xếp một phòng cho ông bà, một phòng riêng của vợ chồng nó và một phòng riêng của hai đứa cháu, chẳng còn phòng khách dư ra lấy chỗ nghỉ ngơi cho con cháu ở thành phố về như trước.

Bằng điều đó, con trai út đã khẳng định chủ quyền riêng của mình đối với ngôi nhà ngày. Và ông bà phải mang thân phận “ở nhờ” ngay trong chính ngôi nhà mà mình đã có công tạo dựng nên.