Chính phủ chỉ đạo, điều hành mang lại hiệu quả cao

Admin
(Chinhphu.vn) - Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 21/10 thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia cũng như đông đảo cử tri cả nước.
Chính phủ chỉ đạo, điều hành mang lại hiệu quả cao- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Tài

Ông Nguyễn Anh Tài, Chuyên gia chính sách kinh tế-đầu tư (TPHCM) đánh giá đây là một báo cáo bao trùm, toàn diện tất cả các vấn đề từ kinh tế, văn hoá xã hội... Báo cáo cho thấy rõ sự quyết tâm rất cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với tinh thần "bàn làm không bàn lùi". Thú vị là, hiện nay cụm từ này được rất được nhiều doanh nghiệp, người dân sử dụng làm kim chỉ nam cho hoạt động hằng ngày, thể hiện sự chuyển động của chính người dân, cộng hưởng cùng quyết tâm hành động với Chính phủ để đạt các mục tiêu đặt ra.

Năm 2024, tình hình thế giới thật sự khó khăn với các diễn biến an ninh, hòa bình khó lường, xung đột lan rộng. Các quốc gia có thu nhập cao cũng thắt chặt chi tiêu. Nhưng chúng ta vẫn thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tốt, xuất khẩu khá; đó là cố gắng rất lớn của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị.

Năm nay, có thể chúng ta đạt được cả 15 chỉ tiêu mà Quốc hội thông qua. Điều ấy nói lên sự điều hành không chỉ cần quyết tâm mà phải có trí tuệ, phương pháp hiệu quả, nhịp nhàng giữa Chính phủ, các bộ ngành địa phương. Đáng chú ý, tiến độ các dự án đầu tư công, đường cao tốc, đường dây 500 kV mạch 3… cho thấy quyết tâm cao của cá nhân Thủ tướng khi quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc qua rất nhiều cuộc họp, chuyến đi thị sát, kể cả dịp lễ Tết.

Qua báo cáo, Thủ tướng cũng đã chỉ rõ các yếu kém, tồn đọng. Tôi mong các "tư lệnh ngành", Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đọc kỹ phần này của Báo cáo, từ đó đề ra giải pháp tháo gỡ.

Hiện nay, tình trạng trên nóng dưới lạnh vẫn diễn ra. Nhiều địa phương chậm triển khai các luật mới như Luật Đất đai... Thủ tướng, Chính phủ đã tích cực đối thoại với các tập đoàn doanh nghiệp lớn từ bất động sản đến ngân hàng… để tháo gỡ khó khăn, đồng hành, tạo điều kiện để doanh nghiệp yên tâm phát triển, nhưng ở địa phương rất ít lãnh đạo tổ chức diễn đàn đối thoại với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Thật sự còn rất nhiều doanh nghiệp gặp khó về thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, vay vốn ngân hàng, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tôi rất mong lãnh đạo các địa phương, nhất là những người đứng đầu, cũng quyết liệt, xắn tay áo vào cuộc như tinh thần và cách làm của Thủ tướng Chính phủ để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

Trong Báo cáo Thủ tướng cũng đã chỉ ra rất cụ thể các mục tiêu và giải pháp cho năm 2025. Nhận định chung là năm tới tình hình trong và ngoài nước vẫn rất phức tạp, có nhiều ẩn số như cuộc bầu cử Mỹ, chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể xảy ra… nên theo tôi, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng đã cao càng phải cao hơn nữa như lời Thủ tướng nhắc nhiều lần. Quan trọng hơn nữa là giải quyết từng đầu việc, dự án cụ thể, có thời gian, tiến độ rõ ràng, công khai để người dân được biết.

Để tiếp tục kích thích nền kinh tế, khơi thông nguồn vốn, ngành ngân hàng quyết liệt hơn nữa, nhất là giữ ổn định lãi suất, thúc đẩy các chương trình hỗ trợ lãi vay cho người dân doanh nghiệp, rà soát kỹ từng khoản vay để tránh nợ xấu.

Thủ tướng, Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm và bản lĩnh cũng như sẵn sàng hạnh động quyết liệt để đạt tất cả các chỉ tiêu cho năm tới, với sự hỗ trợ cao nhất từ Trung ương đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, sự đồng hành của Quốc hội, tôi tin nếu các địa phương vào cuộc quyết liệt, nhất định chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu đặt ra như trong báo cáo trước Quốc hội của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Chính phủ chỉ đạo, điều hành mang lại hiệu quả cao- Ảnh 2.

Cử tri Nguyễn Xuân Việt

Ông Nguyễn Xuân Việt (Hà Nội): Với tư cách là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và cũng là một công dân, tôi vô cùng ấn tượng với những nỗ lực phi thường của Chính phủ trong việc điều hành kinh tế - xã hội năm 2024 và định hướng cho năm 2025, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đầy biến động.

Có thể chỉ ra những điểm sáng nổi bật như mức tăng trưởng GDP đạt 6,8-7% trong năm 2024 không chỉ là con số khô khan, mà là minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ và kiên cường của nền kinh tế Việt Nam. Điều này như một luồng gió mới, thổi bùng niềm tin và khát vọng vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành du lịch.

Ở cấp độ vĩ mô, việc kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá và giảm lãi suất giống như việc đặt nền móng vững chắc cho một ngôi nhà kinh tế lớn. Doanh nghiệp chúng tôi có thể an tâm xây dựng chiến lược dài hạn, dự báo tương lai với tâm thế tự tin hơn.

Đầu tư công có sự bứt phá ngoạn mục, nhất là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như đường cao tốc, cảng hàng không… được đẩy mạnh, mở ra những "mạch máu" mới cho nền kinh tế. Điều này không chỉ thúc đẩy giao thương mà còn mở ra những cung đường mới, điểm đến mới cho du lịch, nâng cao trải nghiệm độc đáo cho du khách.

Thành công trong chuyển đổi số, đặc biệt là Đề án 06, đã tạo nên một cú hích mạnh mẽ, đưa Việt Nam tiến gần hơn tới nền kinh tế số. Kết quả đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí đã giúp doanh nghiệp như chúng tôi linh hoạt hơn trong hoạt động, đồng thời mở ra cơ hội ứng dụng công nghệ mới trong du lịch.

Năm 2024, đất nước cũng đối mặt với nhiều thiên tai, thảm họa như cơn bão số 3 Yagi nhưng hành động kịp thời của Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, thể hiện tinh thần "lá lành đùm lá rách", không để ai bị bỏ lại phía sau. Điều này càng làm tăng thêm niềm tin của người dân vào chính quyền.

Trong thời gian tới, cá nhân tôi cho rằng Chính phủ cần chú trọng hơn một số vấn đề sau đây:

Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp: Dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng doanh nghiệp vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Chúng tôi mong muốn Chính phủ tiếp tục đưa ra những chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn, đặc biệt trong việc tiếp cận vốn tín dụng và giảm chi phí sản xuất, để doanh nghiệp có thể "thở" dễ dàng hơn trong cuộc đua cạnh tranh.

Nâng tầm nguồn nhân lực du lịch: Chất lượng nguồn nhân lực du lịch cần được nâng cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và khắt khe của du khách. Những chương trình đào tạo chuyên sâu, hiện đại, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, là chìa khóa để tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành.

Môi trường đầu tư du lịch hấp dẫn hơn: Cải cách thủ tục hành chính cần được đẩy mạnh hơn nữa, tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thu hút những dự án du lịch chất lượng cao, độc đáo và bền vững.

Hướng tới du lịch bền vững: Phát triển xanh không chỉ là một khẩu hiệu, mà cần được cụ thể hóa trong từng chính sách, từng dự án du lịch. Chúng ta cần bảo vệ môi trường, gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương để du lịch Việt Nam không chỉ phát triển mạnh mẽ mà còn bền vững trong tương lai.

Việc đặt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025 là một thách thức lớn, nhưng cũng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngành du lịch bứt phá, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Tôi tin rằng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và quyết tâm hành động của Chính phủ, cùng với tinh thần đoàn kết của toàn dân, Việt Nam sẽ vượt qua mọi thử thách, đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và những năm tiếp theo. Ngành du lịch sẽ tiếp tục là ngọn cờ đầu, đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng chung của đất nước, đưa hình ảnh Việt Nam vươn xa trên trường quốc tế.

Thúy An-Hải Hoa

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
TOÀN VĂN: Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XVTOÀN VĂN: Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV