Nhiều mục tiêu từ dự án đường nghìn tỷ
Ban Quản lý dự án (BQLDA) Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (sau đây gọi tắt là Ban QLDA) đã có báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Trước đó, ngày 10/4/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 659/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông Tp.Buôn Ma Thuột.
Theo đó, Ban QLDA được giao làm chủ đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông Tp.Buôn Ma Thuột và triển khai các thủ tục theo quy định hiện hành.
Mục tiêu của dự án nhằm từng bước hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, từng bước hoàn thiện và đồng bộ đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 66 ngày 19/11/2013 của Quốc hội và Quyết định số 194 ngày 15/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, dự án nhằm góp phần đưa Tp.Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, là đầu mối giao lưu kinh tế - xã hội, văn hóa giữa Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung.
Đồng thời, là cực tăng trưởng tác động lan tỏa tới các tỉnh trong vùng, là trung tâm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối giao lưu buôn bán hợp tác trong khu vực tam giác Việt Nam – Lào – Campuchia theo kết luận số 67 ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị.
Mặt khác, dự án cũng góp phần cải thiện và nâng cao năng lực khai thác nhằm phát huy vai trò của tuyến đường Hồ Chí Minh trong việc kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội – dân sinh cũng như củng cố thế trận bảo vệ an ninh – quốc phòng cho khu vực Tây Nguyên.
Ngoài ra, tổ chức cho các dòng xe liên tỉnh tránh qua Tp.Buôn Ma Thuột, góp phần làm giảm mật độ phương tiện trên quốc lộ 14 qua trung tâm thành phố, tăng năng lực thông hành, giảm thiểu tai nạn giao thông và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan môi trường đô thị.
Theo quyết định số 659 ngày 10/4/2020 của Bộ Giao thông Vận tải, chiều dài của dự án khoảng 39km, với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.512 tỷ đồng. Trong đó, điểm đầu giao với quốc lộ 14 tại khoảng Km1758+946, thuộc địa phận xã Ea Đrơng, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk. Điểm cuối giao với quốc lộ 14 tại khoảng Km1790+400, thuộc địa phận xã Hòa Phú, Tp.Buôn Ma Thuột.
Đến ngày 30/9/2020, Bộ Giao thông Vận tải có quyết định số 1872/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông Tp.Buôn Ma Thuột.
Theo quyết định này, tổng chiều dài tuyến khoảng 39,7km. Trong đó, điểm đầu tại Km0+00 (giao quốc lộ 14 tại Km1758 +900) thuộc địa phận xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk. Điểm cuối tại Km39+606,77 (giao quốc lộ 14 tại Km1790+445) thuộc địa phận xã Hòa Phú, Tp.Buôn Ma Thuột.
Tổng mức đầu tư của dự án lúc này là hơn 1.509 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 893,3 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án hơn 9,2 tỷ đồng; chi phí tư vấn hơn 51,5 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) hơn 394,2 tỷ đồng, chi phí khác hơn 21,5 tỷ đồng...
Chậm tiến độ do vướng mặt bằng, thời tiết
Đến tháng 7/2022, Ban QLDA đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành công tác kiểm đếm GPMB là 105,19ha/116,99ha, đạt 90%, tương ứng khoảng 34,38/39,6km. Đồng thời, đã bàn giao mặt bằng thi công 18/39,6km, đạt 45,4%.
Theo báo cáo của Ban QLDA, quá trình thực hiện GPMB để thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc mua bán, chuyển nhượng thời điểm thực hiện dự án rất lớn, dẫn đến biến động về chủ sở hữu đất nên việc liên hệ được chủ sở hữu đất trong quá trình kiểm đến hiện trạng gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ vậy, hiệu ứng thực hiện dự án giao thông nên đất đai khu vực dự án biến động về giá cả chuyển nhượng thị trường rất lớn, dẫn đến khó khăn trong việc chi trả tiền bồi thường hỗ trợ vì hộ dân cho rằng giá bồi thường hỗ trợ thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chi trả.
Bên cạnh đó, người sử dụng đất ở nhiều địa phương khác nhau dẫn đến việc thu thập thông tin hồ sơ pháp lý và tiếp cận chủ sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian.
Trước tình hình này, Ban QLDA đang tiếp tục tăng cường, bám sát hiện trường, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện giải quyết tháo gỡ vướng mắc GPMB. Đồng thời, chủ động, phối hợp với UBND các huyện, xã và các phòng ban liên quan tổ chức vận động, tuyên truyền các hộ dân kiểm đếm và bàn giao mặt bằng phục vụ công tác thi công...
Về tiến độ thi công xây dựng, đến nay sản lượng thực hiện dự án khoảng 78,67/971 tỷ đồng, đạt 8,1%.
Ban QLDA đánh giá, tiến độ khởi công và thi công xây dựng dự án chậm khoảng 19% so với kế hoạch. Nguyên nhân chậm do vướng mắc mặt bằng và diễn biến thời tiết hiện nay trên địa bàn tỉnh rất phức tạp, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới thường xuyên có mưa lớn, kéo dài.
Dẫn đến, việc xây dựng kế hoạch thi công hàng tháng, quý, năm luôn bị thay đổi, chưa chính xác và việc điều động nhân lực, thiết bị thi công bị động, phụ thuộc vào thời gian bàn giao mặt bằng thi công.
Hiện các nhà thầu, đơn vị giám sát và chủ đầu tư thường xuyên bám sát công trình để điều hành tiến độ thi công đối với các đoạn đang thi công, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Đồng thời, lập tiến độ thi công chi tiết theo quý đối với các đoạn đã có mặt bằng thi công...
Về công tác giải ngân vốn, theo báo cáo của Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, tổng số vốn đã bố trí đến nay là hơn 1.044,6 tỷ đồng; giải ngân từ đầu dự án đến nay là hơn 566 tỷ đồng, đạt 54,2%.
Ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc BQLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk khẳng định, khó khăn lớn nhất hiện nay trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông Tp.Buôn Ma Thuột và nút thắt vẫn là công tác giải phóng mặt bằng. Tất cả các dự án chậm trễ là do công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, liên quan đến tiến độ công trình là nguồn cung cấp đất thải, bãi thải, đất đắp... để phục vụ cho công trình.
“Để giải quyết khó khăn này, Thường trực Tỉnh ủy có thông báo xác định được 66 điểm khai đất, giao cho Sở Tài nguyên Môi trường hướng dẫn thủ tục cấp phép khai thác. Bên cạnh đó, về công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh và Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm 321, chỉ đạo toàn diện công tác các dự án. Từ đó, chỉ ra những thiếu sót, vướng mắc để tập trung các sở, ngành vào xử lý...”, ông Bách cho hay.
Kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư
Theo báo cáo của Ban QLDA, sau khi dự án được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, đến nay đã có 3 địa phương nơi có dự án đi qua phê duyệt phương án bồi thường GPMB là huyện Cư Mgar, huyện Krông Pắk, huyện Cư Kuin. Đồng thời, đã giải ngân cho công tác GPMB tính đến thời điểm tháng 7/2022 là 219,1/394,299 tỷ đồng, đạt 55,6%. Chi phí còn lại cho công tác GPMB là 175,199 tỷ đồng.
Hiện nay, BQLDA đang triển khai lập phương án bồi thường GPMB cho 3 xã: Ea Kao, Hòa Khánh và Hòa Phú thuộc địa phận Tp.Buôn Ma Thuột. Theo khai toán phương án bồi thường GPMB cho 3 xã nêu trên và phạm vi vận động bàn giao mặt bằng là khoảng 280 tỷ đồng. Vì vậy, với chi phí còn lại cho công tác GPMB sẽ không đủ để thực hiện GPMB hoàn chỉnh cho dự án. Thực tế theo khai toán các phương án bồi thường GPMB đã được thẩm định và phê duyệt với tổng giá trị là 500 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với chi phí GPMB theo tổng mức đầu tư được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.
Trên cơ sở đó, Ban QLDA kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét chấp thuận chủ trương điều chỉnh dự toán xây dựng công trình và điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư của dự án để bổ sung cho chi phí GPMB.
Khánh Ngọc