Những người mẹ chưa từng được nhận hoa
Vợ chồng con trai bà Nhân sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Hai người kết hôn được 10 năm, nhưng bà Nhân nhớ, hầu hết các ngày lễ trong năm như Lễ tình nhân, ngày Quốc tế phụ nữ, ngày Phụ nữ Việt Nam, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới… bao giờ con dâu bà cũng được nhận hoa, quà từ chồng. Mỗi lần như thế, cô con dâu lại đăng tin, ảnh lên facebook để khoe với mọi người.
Phía dưới status ấy là rất nhiều lời chúc mừng, cảm thán, ngưỡng mộ, thậm chí là ghen tỵ của mọi người. Nhưng ít ai biết, bà Nhân - người mẹ - lại bị con trai “lãng quên”, bà hầu như chưa từng nhận được món quà từ con trai vào dịp nào, có chăng chỉ là những tin nhắn chúc mừng sáo rỗng, thậm chí là tin nhắn “đại trà”.
Năm nay, nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày, vợ chồng con trai bà Nhân cũng không lựa chọn về quê mà đi du lịch. Mỗi ngày, con dâu bà đều check-in ở những địa điểm du lich khác nhau, với nhiều cung bậc cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng các con không nghĩ, bà cảm thấy rất chạnh lòng, khi nhìn thấy bà con lối xóm, các con đoàn tụ sum vầy, còn gia đình bà thì vẫn vắng vẻ.
Vốn dĩ bà Nhân chỉ có một cậu con trai, lại ở xa nhà, nên bà luôn mong các con về quê vào các dịp lễ cho vui cửa vui nhà. Thế nhưng, dù các con lựa chọn gì, thì với tấm lòng cha mẹ, chưa bao giờ vợ chồng bà Nhân trách móc các con. Những lúc con cần đến mình, bà lại tất tả khăn gói ra Hà Nội. Giờ các cháu lớn, bà về nhà với ruộng vườn, với cây lúa, con gà, rồi dăm bữa nửa tháng gửi “quà quê” cho các con…
Bà Nhân bảo, bà chẳng cần các con phải mua quà nọ quà kia cho mình, chỉ cần các con sống vui vẻ hạnh phúc và vẫn nhớ về quê hương đất tổ là bà vui rồi. Nhưng có lẽ, nhiều khi các con bà còn chưa biết đến những nghĩ suy của mẹ!
Bà Phương, 60 tuổi cho biết, chồng mất từ sớm, một mình bà nuôi dạy con trai trưởng thành. Ngày trước, cuộc sống gia đình còn khó khăn, thiếu thốn, bà vẫn nhịn ăn nhịn mặc để con được ăn học đủ đầy. Khi con đi làm, có lương, cuộc sống của hai mẹ con ổn định hơn. Nhưng con trai bà trầm tính, ít nói, hầu như không tâm sự hay trò chuyện với mẹ. Khi con trai có người yêu, lấy vợ, sự quan tâm dành cho mẹ cũng vơi đi.
Dù sống chung một nhà, không ít lần con trai mua quà tặng vợ, nhưng lại quên sự có mặt của mẹ. “Ngày của mẹ” với con trai bà Phương, có lẽ, chưa bao giờ có. “Tôi không tị nạnh với con dâu nhưng vẫn cảm thấy tủi thân trong lòng” – bà Phương nói.
Bà Phương kể, bà đi giúp việc cho vợ chồng gia chủ, điều đặc biệt là anh chủ nhà luôn quan tâm đến vợ con và cũng không quên mẹ đẻ của mình. Cụ thể là trong những ngày đặc biệt của phụ nữ, anh đều mua một bó hoa to về cắm trong nhà để… chúc mừng cả mẹ và vợ. Khi mua cho vợ bộ đồ mỹ phẩm, cả hai vợ chồng anh lại cùng nhau đi chọn cho mẹ chiếc váy hay áo dài. Khi cả nhà đi ăn trong các ngày lễ đều có mặt mẹ đẻ của anh. “Vợ chồng anh chủ nhà cũng thường tặng quà cho tôi, khi thì cái áo, lúc lại thỏi son dưỡng môi… Như vậy, trong gia đình, không một người phụ nào bị lãng quên vào ngày lễ, kể cả giúp việc” – bà Phương trầm ngâm.
Hãy tặng mẹ sự quan tâm và tình yêu thương
Với những đấng sinh thành - người đã hy sinh suốt cuộc đời cho con được nên người, thành tài, khi các con đã trưởng thành, họ vẫn luôn quan tâm, yêu thương, chưa từng đòi hỏi được đối đáp lại. Dù các con có bận rộn với gia đình mới, hạnh phúc mới mà quên dành tình yêu thương, sự quan tâm đến họ… Tình yêu của mẹ như dòng suối nguồn nâng đỡ chúng ta trưởng thành, đứng vững trước giông tố cuộc đời. Dẫu bao lời ca ngợi cũng không đủ với những vất vả mẹ đã hy sinh.
Trên thế giới, “Ngày của mẹ” được tổ chức vào rất nhiều ngày khác nhau, nhưng hai ngày phổ biến nhất là ngày Chủ nhật thứ hai của tháng 5 theo truyền thống Mother’s Day của Mỹ, tiếp theo là ngày Chủ nhật thứ tư của Mùa Chay theo truyền thống Mothering Sunday (Chủ nhật ngày của mẹ) của Vương quốc Anh.
Hiện nay, “Ngày của mẹ” đã trở thành ngày lễ kỷ niệm tại hơn 65 quốc gia trên khắp thế giới. Đây cũng là một dịp để hàng triệu người trên khắp thế giới tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục, luôn nâng đỡ và khuyến khích của mẹ. Vào ngày này, những người con sẽ biết ơn mẹ của mình bằng cách thể hiện tấm lòng của họ qua những câu chúc, những món quà tặng dù là vật chất hay tinh thần thể hiện mong muốn mẹ của mình được vui vẻ, hạnh phúc.
Ở Việt Nam, bên cạnh ngày 8/3 hay 20/10, lễ Vu Lan báo hiếu thì “Ngày của mẹ” dần được mọi người hưởng ứng. Vào ngày này, những người con nhớ ơn mẹ sẽ dành đến cho mẹ của mình những món quà ý nghĩa, từ vật chất đến tinh thần. Tuy “Ngày của mẹ” tại Việt Nam chưa có bề dày lịch sử như các nước Mỹ, Anh... nhưng tại nhiều gia đình, nhiều người con đã cố gắng bày tỏ lòng hiếu kính, sự tri ân với mẹ bằng nhiều hành động thiết thực. Có những người gửi tặng mẹ những món quà hay lời chúc tốt đẹp hoặc đơn giản, chỉ cần con cái từ nơi xa về sum họp là đủ cho những người mẹ cảm thấy ấm lòng.
Nhưng, đừng đợi chỉ đến một ngày mới thể hiện lòng hiếu thảo. Mà hãy để ngày nào cũng là ngày mà bạn thực hành đạo hiếu đối với đấng sinh thành. Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich ban hành đã có một đoạn phân tích khá sâu sắc về sự ứng xử của con cái dành cho cha mẹ. Theo Bộ tiêu chí, không ít người trong chúng ta chưa chú trọng đến hành vi ứng xử trong gia đình mình, thậm chí nhiều người còn xao nhãng, hời hợt. Họ cho rằng người trong nhà cần gì phải màu mè, khách sáo. Chính vì thế, Bộ tiêu chí đưa ra lời khuyên, trong ứng xử gia đình, con cái nên dành cho cha mẹ sự quan tâm săn sóc tối đa. Mỗi người, dành suốt cuộc đời mình để học nên “người tử tế”, mà điều cần trước hết là phải học ứng xử tử tế ngay với người trong gia đình mình, với đấng sinh thành mình.
Bộ tiêu chí cũng nhấn mạnh, có vô vàn cách để chúng ta thể hiện tình yêu thương, bằng lời nói chân thành, thái độ cởi mở, hành động thiết thực… Những cử chỉ yêu thương từ cái nắm tay, một cái ôm thật chặt, những lá thư hay lời động viên… đều là những bông hoa đẹp của tình yêu thương và biết ơn mà những người con dành cho mẹ.