Nhộn nhịp thị trường biểu diễn ca nhạc Thủ đô
Trong khoảng 3 tháng trở lại đây, thị trường biểu diễn ca nhạc Hà Nội trở nên sôi động đến mức kinh ngạc khi tuần nào các nhà hát cũng sáng đèn. Thậm chí, trong câu chuyện hậu trường, các đơn vị sản xuất còn có một cuộc đua ngầm để giành suất diễn ở những nhà hát có vị trí đắc địa như: Nhà hát Lớn, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Trung tâm hội nghị Quốc gia… Trăm hoa đua nở, các show diễn với đủ mọi đề tài, thể loại âm nhạc lần lượt được giới thiệu đến công chúng. Góp vào sự sôi động ấy là cuộc trở về náo nức của các nghệ sĩ hải ngoại với tâm thế mong chờ, khát khao được đứng trên sân khấu quê hương sau mấy năm trời cách biệt vì đại dịch.
Những gì đã diễn ra từ đại dịch Covid-19 không chỉ khiến nghệ sĩ Việt thay đổi mà nghệ sĩ quốc tế cũng có nhiều thay đổi. Các nhà sản xuất show diễn quốc tế cho biết, các nghệ sĩ dường như mở lòng hơn, dễ tính hơn khi Việt Nam đặt vấn đề mời họ về biểu diễn. Đó cũng là lý do vì sao, Việt Nam đón nhiều nghệ sĩ quốc tế đến biểu diễn. Tháng 8, Hay festival đã quy tụ hàng loạt nghệ sĩ quốc tế huyền thoại, gắn liền với thế hệ khán giả 7x, 8x: The Moffatts, 911, A1, Blue. Và theo dự kiến, từ nay đến đầu năm sau, sân khấu Thủ đô sẽ tiếp tục đón các nghệ sĩ, ban nhạc lừng lẫy thế giới mà ca khúc của họ chỉ cần cất lên là vạn người có thể hát theo.
Điểm nhấn của sự sôi động trên thị trường biểu diễn ca nhạc Thủ đô phải kể đến sự bùng nổ liveshow cá nhân của nghệ sĩ. Tính từ nay đến cuối tháng 12, Hà Nội có ít nhất 6-7 liveshow cá nhân của ca sĩ, nhạc sĩ và đều là những chương trình được đầu tư lớn, mức độ quảng bá rất mạnh. Chưa kể đến các nghệ sĩ hải ngoại đua nhau làm các tour liveshow từ Hà Nội đến vòng quanh đất nước. Nhiều người bày tỏ lo lắng rằng như vậy thì sự cạnh tranh quá lớn, khán giả dễ bội thực.
Đạo diễn Phạm Hoàng Giang, người đang đảm nhận đạo diễn đến 3 liveshow cá nhân của các nghệ sĩ dịp cuối năm cho biết: “Việc các nghệ sĩ đua nhau thực hiện liveshow là kết quả tất yếu khi bị kìm nén bởi mấy năm đại dịch, họ rất thèm làm những dự án nghệ thuật để đến gần với khán giả của mình hơn. Tuy nhiên, cũng không cần lo lắng về khả năng bị “bội thực” bởi mỗi nghệ sĩ đều có khán giả riêng của mình và số khán giả đó cũng chưa thấm vào đâu so với một thị trường rộng lớn như Hà Nội”.
Cần chính sách để phát triển thị trường nghệ thuật biểu diễn
Nhiều nhà sản xuất cho rằng, thị trường khán giả Hà Nội rất rộng lớn và còn nhiều tiềm năng khai thác, vì vậy việc các show diễn bùng nổ không phải là điều quá lo ngại. Ông Nguyễn Thuỳ Dương, Giám đốc sản xuất của IB Group Việt Nam cho rằng, sự khác biệt của sản phẩm văn hoá nghệ thuật là có màu sắc, cá tính riêng đồng nghĩa với việc có lượng khán giả khác biệt, sự cạnh tranh tuy có nhưng không quá gay gắt. Vì vậy, khi khai thác tốt địa hạt của mình, các nhà sản xuất có đủ tự tin để chinh phục những tệp khán giả riêng. Điều đó cũng lý giải hiện tượng dịp kỷ niệm ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 vừa qua, dù các chương trình nghệ thuật dày đặc nhưng đa phần đều “cháy vé”. Trong số đó, khán giả từ các tỉnh, thành đổ về rất đông.
Chị Vũ Thanh (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cùng bạn bè thân về Hà Nội xem chương trình “Chuyện của mùa thu” dịp 20/10 chia sẻ, chị và các bạn vẫn thường về Hà Nội để xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật bởi Hà Nội là “thánh đường” của những chương trình nghệ thuật lớn. Trong nhiều chương trình khác, nhất là các chương trình lễ hội âm nhạc quốc tế còn chứng kiến sự trở về của nhiều khán giả hải ngoại, du học sinh, sự quan tâm tham gia của du khách nước ngoài… Sự đổ bộ của khán giả các tỉnh, thành, du khách được cho là một trong những tín hiệu của sự phát triển, hướng đến công nghiệp văn hoá của thị trường biểu diễn ca nhạc Thủ đô mà chúng ta đang mong chờ.
Ở tất cả các Thủ đô lớn trên thế giới, thị trường biểu diễn ca nhạc luôn được coi là mũi nhọn trong công nghiệp văn hoá đem đến lợi nhuận lớn, tạo nên nét đẹp văn hoá, sức hút cho đô thị, từ đó quảng bá hình ảnh thành phố, thu hút du lịch. Với sự sôi động và sức hút của thị trường biểu diễn Hà Nội năm nay, các chuyên gia cho rằng đó là tín hiệu tích cực cho tiến trình đi lên công nghiệp văn hoá của lĩnh vực biểu diễn âm nhạc. Điều này không chỉ thể hiện ở việc hấp dẫn khán giả ở mọi miền về Thủ đô tham quan, xem ca nhạc mà còn khích lệ tinh thần các nhà sản xuất, nghệ sĩ hăng say sáng tạo, cống hiến, đem đến nhiều chương trình cho mọi lứa tuổi, mọi gu âm nhạc khác nhau.
Theo các nhà sản xuất, sân khấu biểu diễn Hà Nội càng sôi động, càng có nhiều lựa chọn sẽ càng thu hút, hấp dẫn du khách, khán giả muôn nơi. Đó là yếu tố quan trọng để đi lên công nghiệp văn hoá trong biểu diễn ca nhạc.
Hà Nội hướng đến là thành phố nằm trong nhóm các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu, lĩnh vực biểu diễn được xác định là một trong những mũi nhọn. Sự hồi phục và phát triển mạnh mẽ của thị trường biểu diễn ca nhạc mang đến nhiều tín hiệu khả quan cho công nghiệp văn hoá Thủ đô, nhưng theo bà Ngọc Châm, Giám đốc chuỗi chương trình “Vàng son một thuở” thì hiện nay sự phát triển này đa phần là do tự phát, nên có thể bùng nổ và cũng có thể “xẹp” theo nhu cầu thị trường.
“Vấn đề quan trọng là phải xây dựng tính bền vững đối với thị trường biểu diễn Thủ đô nếu chúng ta hướng đến công nghiệp văn hoá. Muốn vậy, chúng ta cần sự quy hoạch, định hướng, đặc biệt là việc tạo điều kiện, hỗ trợ ưu tiên hết sức cho các đơn vị sản xuất từ phía thành phố, các cơ quan quản lý… Như vậy nhà sản xuất chúng tôi mới thỏa sức sáng tạo để liên tục đem đến những chương trình nghệ thuật chất lượng cao, thu hút khán giả ở khắp nơi đổ về Thủ đô” - bà Châm nhấn mạnh.
HOÀNG NHI