6 nhóm chính sách lớn
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Trình bày tóm tắt tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng để khơi thông các điểm "nghẽn", tạo đột phá, có sức lan toả lớn trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Cùng với đó, đóng góp lớn hơn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước là cần thiết và phù hợp với mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 45, Kết luận số 96.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: Media Quốc hội).
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 6 nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể, bao gồm: Quản lý đầu tư 2 chính sách); Quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước (4 chính sách); Quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường (9 chính sách); Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (8 chính sách); Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Hải Phòng quản lý (1 chính sách); Thành lập và các cơ chế, chính sách trong Khu Thương mại tự do thế hệ mới tại thành phố Hải Phòng (17 chính sách).
Trong đó, các cơ chế, chính sách trong Khu Thương mại tự do Hải Phòng nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong Khu Thương mại tự do thế hệ mới Hải Phòng, dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù ưu đãi như: Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, kinh doanh; thủ tục xuất nhập khẩu; thủ tục xuất nhập cảnh, tạm trú và giấy phép lao động; Thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng; Tối ưu hóa ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế; Hoạt động đầu tư, kinh doanh khác trong Khu Thương mại tự do Hải Phòng.
Thể hiện rõ chính sách phân cấp, phân quyền
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành việc ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 35 về chính sách đặc thù phát triển Tp. Hải Phòng. Hồ sơ cơ bản đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề nghị: Cùng với việc thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng về thay đổi địa giới hành chính, Tờ trình cần đánh giá tổng thể, từ đó mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết này cho địa bàn mới được sáp nhập; xây dựng chính sách đột phá, sáng tạo, bao quát, toàn diện.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi (Ảnh: Media Quốc hội).
Đối với phần địa bàn mở rộng sau sáp nhập, đề nghị có chính sách đặc thù phù hợp để phát huy lợi thế, đặc điểm riêng biệt về vị trí địa lý, kinh tế, văn hóa...
Ông Phan Văn Mãi cũng nêu rõ quan điểm của cơ quan thẩm tra đối với các nội dung cụ thể tại dự thảo Nghị quyết liên quan tới các nhóm chính sách.
Về thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới tại Hải Phòng, Thường trực Ủy ban cho rằng, đây là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị làm rõ tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội; tính lan tỏa vùng miền....
Cơ chế quản lý rủi ro, cơ chế giám sát bảo đảm một mặt thông thoáng song giữ vững an toàn tài chính, an ninh kinh tế, trật tự xã hội; bổ sung hệ thống giám sát định kỳ; trách nhiệm trong triển khai của các cá nhân, tổ chức liên quan.
Về chính sách ưu đãi thuế trong Khu Thương mại tự do, Thường trực Ủy ban tán thành việc áp dụng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do chỉ tương tự như mức áp dụng với Khu kinh tế; song thời gian áp dụng dài hơn.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc thời hạn ưu đãi; Trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì thực hiện nộp thuế theo quy định tương ứng. Về ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, dự thảo chưa giới hạn thời gian áp dụng, do vậy đề nghị quy định rõ để có căn cứ thực hiện.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Trung ương, Quốc hội, Chính phủ kiến tạo và giám sát.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (Ảnh: Media Quốc hội).
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các chính sách về phân cấp, phân quyền cần thể hiện rõ và mạnh mẽ hơn nữa trong dự thảo nghị quyết.
Về đề xuất cho phép thành phố Hải Phòng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa quy mô trên 500 ha, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng nên xem xét, nghiên cứu thêm về quy mô lớn hơn, đặc biệt là sau khi tỉnh Hải Dương sáp nhập với thành phố Hải Phòng.
Cùng với đó, cần có chế tài chính, ngân sách ưu đãi hơn; cho phép phát hành trái phiếu đặc thù như trái phiếu xanh, trái phiếu hạ tầng với lãi suất ưu đãi.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đến các chính sách khoa học công nghệ cần đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, thí điểm các dự án kinh tế xanh, hoặc sử dụng năng lượng tái tạo trong các khu công nghiệp.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết và thống nhất trình Quốc hội hồ sơ dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Đề nghị Chính phủ tiếp thu, nghiên cứu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của các cơ quan thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội.