Diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức trong cuộc sống bình thường mới”: Bàn giải pháp để vượt qua những khó khăn thách thức trong cuộc sống

dulichgiaitri
Diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới” đã cung cấp thêm những kiến thức, kỹ năng xử lý các vấn đề trong gia đình ở bối cảnh bình thường mới. Đặc biệt, tại Diễn đàn các diễn giả, chuyên gia cũng phân tích khá sâu những thông tin liên quan đến việc làm, xu hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Ngày 7/11, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã tổ chức Diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

dien-dan-gia-dinh-tre-thach-thuc-trong-cuoc-song-binh-thuong-moi-dulichgiaitrivn-thanh-nien-bao-du-lich-1-1636292652.jpg
"Diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới” là dịp để nhận định về thách thức trước mắt trong cuộc sống bình thường mới, cùng bàn giải pháp để vượt qua những khó khăn thách thức đó trong cuộc sống" - Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Hải Minh

Phát biểu tại chương trình Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Hải Minh cho biết, chương trình “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc”, giai đoạn 2021 -2025 với 03 nội dung gồm: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về hạnh phúc gia đình trong thanh niên; tuyên dương “Gia đình trẻ tiêu biểu” và tổ chức các hoạt động xây dựng “Gia đình trẻ hạnh phúc”. Trong đó chương trình giao lưu trực tiếp và trực tuyến với thanh niên theo chủ đề “Gia đình trẻ hạnh phúc, ấm no, tiến bộ” nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm gìn giữ gia đình hạnh phúc, xây dựng các giá trị của gia đình hiện đại, truyền đạt kinh nghiệm cho các bạn trẻ trước khi kết hôn.

Liên quan đến chủ đề “Gia đình trẻ hạnh phúc, ấm no, tiến bộ” còn có các sự kiện, cuộc thi để giúp thanh niên hiểu rõ giá trị của gia đình đối với bản thân và xã hội; tổ chức các chiến dịch truyền thông “Gia đình trẻ hạnh phúc”, tuyên dương “Gia đình trẻ tiêu biểu”… hướng tới đối tượng các gia đình trẻ có vợ hoặc chồng vượt qua hoàn cảnh khó khăn xây dựng hạnh phúc gia đình ấm no hạnh phúc, các gia đình do điều kiện công tác không ở gần nhau như cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trang ở vùng biên giới, hải đảo hoặc đang làm nhiệm vụ đặc biệt; các thầy giáo, cô giáo, các y, bác sĩ đang công tác ở vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người lao động trẻ phải xa gia đình, quê hương.

“Diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức trong cuộc sống bình thường mới” cũng là dịp để nhận định về thách thức trước mắt trong cuộc sống bình thường mới; cùng nhau bàn giải pháp để vượt qua những khó khăn thách thức đó trong cuộc sống” - Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Hải Minh cho hay.

dien-dan-gia-dinh-tre-thach-thuc-trong-cuoc-song-binh-thuong-moi-dulichgiaitrivn-thanh-nien-bao-du-lich-1636292703.jpg
Trong Diễn đàn, các khách mời, diễn giả đã chia sẻ những thống kê về tác động của dịch COVID-19 đến cuộc sống các gia đình; đồng thời trao đổi, tư vấn các giải pháp vượt qua những khó khăn trong bối cảnh "bình thường mới"

Trong Diễn đàn, các khách mời, diễn giả đã chia sẻ những thống kê về tác động của dịch COVID-19 đến cuộc sống các gia đình; đồng thời trao đổi, tư vấn các giải pháp vượt qua những khó khăn trong bối cảnh "bình thường mới".

Ông Khuất Quang Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, việc giãn cách đã đem lại cho gia đình những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, khơi dậy những giá trị truyền thống gia đình. Đó là, các thành viên gia đình được ở bên nhau nhiều hơn, cha mẹ, anh chị em được gần nhau hơn, cùng nhau chia sẻ, tâm tư, nguyện vọng, vui chơi, học tập, giải trí, đặc biệt có nhiều bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương, mối quan hệ trong gia đình bền chặt… Nhưng thời gian giãn cách cũng phát sinh những khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh để lại những hệ lụy, đó là việc làm, thu nhập hộ gia đình giảm sút, ảnh hưởng kinh tế.

Theo ông Quý, hầu hết các hộ gia đình đang phục hồi thu nhập, nhưng mức độ phục hồi lại không đồng đều giữa các nhóm, dù nền kinh tế và tình hình xã hội trong nước được duy trì tương đối ổn định. Thu nhập của các hộ gia đình ở nhóm thấp nhất vẫn giảm, trong khi thu nhập ổn định ở các nhóm còn lại. Cho dù hộ gia đình chủ động về kinh tế nhưng thu nhập từ lao động vẫn giảm. Điều này đã giảm chất lượng cuộc sống và tác động lớn trên các khía cạnh phi kinh tế của đời sống hộ gia đình; sức khỏe tinh thần trở thành vấn đề nhức nhối đang nổi lên. Giãn cách xã hội gây tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng, trong đó có phụ nữ, trẻ em, gây khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ xã hội.

dien-dan-gia-dinh-tre-thach-thuc-trong-cuoc-song-binh-thuong-moi-dulichgiaitrivn-thanh-nien-bao-du-lich-2-1636292766.jpg
Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng ứng xử trong gia đình nhằm hạn chế các mâu thuẫn, tranh chấp và kiểm soát tốt nhất hành vi dẫn đến bạo lực gia đình là một trong những giải pháp cần thực hiện để “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc”

Từ góc độ lĩnh vực văn hóa nhằm giúp các gia đình trẻ ổn định cuộc sống trong trạng thái bình thường mới, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình cũng đề xuất một số giải pháp như: Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng ứng xử trong gia đình nhằm hạn chế các mâu thuẫn, tranh chấp và kiểm soát tốt nhất hành vi dẫn đến bạo lực gia đình; triển khai nhiều hơn các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần, hướng dẫn rèn luyện thể dục, thể thao tại nhà nhằm hỗ trợ các gia đình giải tỏa áp lực căng thẳng do thực hiện giãn cách xã hội...

Tham luận tại diễn đàn về “Tình hình việc làm của thanh niên trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và các hàm ý chính sách về phát triển việc làm thanh niên trong điều kiện bình thường mới”, bà Trịnh Thu Nga, Viện phó Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ về sự dịch chuyển lao động trẻ trong thời gian giãn cách xã hội bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid – 19 và dự báo xu thế và các giải pháp để giải quyết việc làm cho lao động trẻ trong trạng thái bình thường mới và các cơ chế, chính sách đối với người lao động.

Đồng thời, bà Nga đề nghị cần tiếp tục rà soát đối tượng để hỗ trợ người lao động, trong đó có thanh niên chưa được hưởng các chính sách ngắn hạn (đặc biệt là hỗ trợ tiền mặt cho người lao động tự do) từ các gói hỗ trợ lần thứ hai và lần thứ ba của Chính phủ; khuyến khích người lao động trở lại các thành phố, các khu công nghiệp, khu chế xuất làm việc; thực hiện có hiệu quả các chính sách thị trường lao động chủ động và bị động cho thanh niên; tăng cường vai trò của hệ thống dịch vụ việc làm địa phương và đoàn thanh niên trong giải quyết việc làm cho thanh niên...

Đại diện các gia đình trẻ, hội viên, thanh niên cũng đã được nghe chia sẻ về những vấn đề các doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua, và xu hướng sử dụng lao động trong thời gian tới; tư vấn về cách chuyển đổi việc làm thời Covid của Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận Lê Trí Thông.

Tại diễn đàn, T.S Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cũng đã chia sẻ về những vấn đề xã hội trong trạng thái bình thường mới. Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn cũng gợi ý những giải pháp để cân bằng tâm lý trong gia đình khi bị cách ly và trong trạng thái bình thường mới. Đặc biệt, bác sĩ Hà Thị Hương Giang, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, thành viên Mạng lưới tư vấn sức khỏe cũng đã tư vấn cách phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 khi cách ly và trong trạng thái bình thường mới ở chỗ ở và nơi làm việc…

ANH HOA