Theo thông tin từ Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), vào khoảng 16h18'23'' ngày 9/11, một trận động đất có độ lớn M = 3,3 độ xảy ra tại vị trí có tọa độ (22,226 độ vĩ Bắc, 105,344 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 15,6km. Động đất xảy ra tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Cùng ngày, khoảng 5h38', một trận động đất có độ lớn 2,8 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, có độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, động đất ở Phú Thọ khác với loại động đất kích thích xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Động đất kích thích xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy sâu trong lòng đất.
Còn động đất ở Phú Thọ được nhận định là động đất tự nhiên phát sinh trên hệ thống đứt gãy sông Hồng. Theo thống kê 100 năm qua, trong phạm vi bán kính 50km từ khu vực chấn tâm này đã ghi nhận 43 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 5,3. Trong đó, trận động đất có độ lớn M = 5,3 ghi nhận vào năm 1958 tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
Cũng theo Viện Vật lý Địa cầu, trong 10 tháng năm 2024, cả nước đã xảy ra hơn 400 trận động đất nhỏ tại các tỉnh Kon Tum, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Điện Biên, Hà Nội..., trong đó chủ yếu là động đất kích thích xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum.
Hoàng Giang