Du lịch miền Trung sẵn sàng đón khách quốc tế

Hoàng Huyền
Từ ngày 15/3, ngành du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn với chính sách "nới lỏng" điều kiện khách quốc tế nhập cảnh. Điều này giúp cộng đồng du lịch miền Trung tự tin trở lại "đường đua" đưa khách quốc tế đến với Việt Nam.

du-lich-mien-trung-san-sang-don-khach-quoc-te1-dulichgiaitrivn-du-lich-1647753004.jpg
Khách du lịch đến tham quan Bà Na Hills (Đà Nẵng) trong ngày 18/3 - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Đà Nẵng sẵn sàng mở cửa, chào đón khách du lịch

Ghi nhận tại Đà Nẵng, sau khi lãnh đạo Chính phủ khẳng định thông điệp Việt Nam mở cửa giao thương, giao lưu quốc tế từ ngày 15/3, Bộ VHTT&DL chốt phương án mở cửa du lịch, TP. Đà Nẵng đã triển khai phương án hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới với thông điệp "Đà Nẵng sẵn sàng mở cửa, chào đón khách du lịch".

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố cho biết, phương án tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm công tác chuẩn bị nguồn nhân lực và bảo đảm chất lượng dịch vụ; chuẩn bị sản phẩm mới; công tác đảm bảo an ninh - an toàn phục vụ khách và kế hoạch truyền thông, xúc tiến thị trường.

Ngành du lịch Đà Nẵng đặc biệt chú trọng đến giải pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch xây dựng và triển khai phương án phòng, chống dịch tại địa điểm kinh doanh. Riêng các cơ sở lưu trú du lịch khi hoạt động kinh doanh phục vụ khách phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương án phòng, chống dịch COVID-19, trong đó yêu cầu bố trí khu vực, phòng riêng bảo đảm các điều kiện về y tế để tiếp nhận điều trị F0 thể nhẹ là yêu cầu bắt buộc.

Sở Du lịch Đà Nẵng liên kết Hiệp hội du lịch, cơ sở đào tạo triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp du lịch bồi dưỡng kỹ năng, thái độ phục vụ khách du lịch; tổ chức các chương trình giữ lửa nghề cho lao động; tư vấn các chương trình đào tạo tại chỗ; tập huấn phòng, chống dịch COVID-19… bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

Doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện các quy định về đăng ký, niêm yết giá sản phẩm, dịch vụ; tuyệt đối không tùy tiện tăng giá, ép khách, găm giữ phòng, gây sốt giá, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Thành phố.

Ông Trương Văn Trình, Phó Giám đốc sở Y tế TP. Đà Nẵng cho biết, đồng hành với chủ trương của Chính phủ, của Thành phố, ngành y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tốt nhất đến các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho du khách. Đặc biệt sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất tiếp nhận, xử lý nếu có ca mắc COVID-19 xảy ra trong thời gian khách lưu trú tại Đà Nẵng.

Hiện thị trường quốc tế trọng điểm mà Đà Nẵng hướng đến là Hàn Quốc. Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng Hàn Quốc luôn là thị trường khách trọng điểm đứng đầu các thị trường khách đến Đà Nẵng, với lượng khách năm 2019 đạt hơn 1,7 triệu lượt. Sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng trong những năm qua là minh chứng cho sự hấp dẫn của điểm đến Đà Nẵng, Việt Nam trong con mắt du khách xứ sở kim chi.

Dịp này, TP. Đà Nẵng công bố mở cửa bầu trời quốc tế sau 2 năm gián đoạn vì dịch COVID-19 Theo đó, từ ngày 27/3-29/10 dự kiến có 7 hãng hàng không khai thác các chuyến bay quốc tế nối Đà Nẵng với Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ với tần suất 41 chuyến/tuần. Từ ngày 1/4-29/10 dự kiến có 6 hãng hàng không khai thác đường bay Đà Nẵng–Hàn Quốc với tần suất 49 chuyến/tuần.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP. Đà Nẵng chia sẻ: "Cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi với chính sách mở cửa của Chính phủ từ ngày 15/3, phù hợp với nguyện vọng của doanh nghiệp. Với sự quyết liệt của Bộ VHTT&DL, sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan, chúng ta đã có một khung pháp lý khá thuận lợi, có khả năng cạnh tranh cao, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng xúc tiến việc phục hồi nguồn khách quốc tế".

du-lich-mien-trung-san-sang-don-khach-quoc-te2-dulichgiaitrivn-du-lich-1647753023.jpg
Đông đảo du khách đến tham quan Đại Nội Huế - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Cơ hội "hút" khách du lịch quốc tế trở lại vùng đất Cố đô

Trong khi đó, những tín hiệu phục hồi khả quan từ du lịch nội địa trong những tháng đầu năm đã và đang tạo đà cho ngành du lịch Thừa Thiên Huế có sự chuẩn bị khá bài bản về các chương trình, sản phẩm du lịch để mở cửa lại thị trường khách quốc tế.

Theo Kế hoạch mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế và phục hồi, kích cầu du lịch vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành, Tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo việc triển khai các giải pháp chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật đón khách của các doanh nghiệp du lịch; định hướng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch bền vững, du lịch an toàn, du lịch gắn với thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe.

Hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường như sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe, khu vui chơi gắn với thiên nhiên, các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá...; xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng, sinh thái là sản phẩm OCOP.

Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai giảm một số loại phí, chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp, nghỉ việc tạm thời đối với nguồn nhân lực trong ngành du lịch. Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá điểm đến, liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương và doanh nghiệp, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tổ chức xuyên suốt các hoạt động phục vụ Festival bốn mùa.

Tăng cường liên kết đẩy mạnh hợp tác giữa các điểm du lịch, vùng liên kết du lịch và các địa phương du lịch nhằm hỗ trợ và nâng cao giá trị các điểm đến du lịch để đón khách. Chấn chỉnh nghiêm các hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch như nạn chèo kéo, ăn xin, cò mồi, sự mất trật tự giao thông của xích lô, xe thồ…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình khẳng định việc mở cửa hoàn toàn trong thời điểm này là cơ hội để ngành du lịch thu hút khách, đặc biệt khách du lịch quốc tế trở lại Thừa Thiên Huế, giúp doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ hồi phục dần mà vẫn bảo đảm an toàn cho người dân và du khách.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết thêm, để chuẩn bị đón khách quốc tế, ngoài việc kiểm kê lại hệ thống khách sạn, khu lưu trú, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế yêu cầu các đơn vị tăng cường chỉnh trang, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách.

Ngành du lịch tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch ở các doanh nghiệp, vận động các nhà cung cấp dịch vụ trong tỉnh liên kết với nhau để hình thành, cung cấp các chương trình, sản phẩm trọn gói hấp dẫn, giá cả ưu đãi kết hợp với chính sách kích cầu chung (giảm phí tham quan các điểm di tích, hỗ trợ các đoàn khách charter, teambuilding và MICE) của chính quyền cho du khách đến Huế cũng như các đơn vị lữ hành.

Nhật Anh-Lưu Hương