Du lịch Việt Nam, lãi một lo mười

Admin
Lâu nay, tôi cứ băn khoăn với một câu hỏi tự mình đặt ra cho mình: Du lịch, thực chất là một hoạt động kinh tế hay là một hoạt động văn hóa?

Không phải ngẫu nhiên câu hỏi này được đặt ra. Bởi vì, một mặt, thật chẳng khó khăn gì để tôi, cũng như nhiều người khác, đọc thấy trên sách báo, nghe thấy trên đài phát thanh hoặc xem thấy trên tivi người ta nói, với một niềm tin xác quyết, rằng du lịch là ngành công nghiệp không khói, là con gà đẻ trứng vàng của nền kinh tế quốc gia.

Rằng ở nhiều nước trên thế giới, những nước chẳng có nguồn tài nguyên nào đáng kể ngoài vẻ kỳ tuyệt của cảnh quan thiên nhiên rừng biển, vẻ cổ quái hoang sơ của núi non hang động như là kết quả sau hàng  triệu năm kiến tạo địa chất địa hình tự nhiên, nhưng họ, nếu biết cách “đánh thức” cái vẻ kỳ tuyệt, vẻ cổ quái hoang sơ ấy, quảng bá nó rộng ra với toàn thế giới, ắt dòng tiền sẽ nhanh chóng theo chân các đoàn du khách thuộc đủ màu da, đủ tiếng nói mà đổ về đây.

Thậm chí có những quốc gia, như Vương quốc Thái Lan ở châu Á hay Cộng hòa Hy Lạp ở châu Âu, nguồn lợi kinh tế mà du lịch mang lại còn chiếm một tỷ lệ rất cao trong tổng sản phẩm quốc nội, cao hơn nhiều so với công nghiệp, nông nghiệp hoặc các ngành dịch vụ.

Thế nhưng mặt khác, trong cấu trúc quyền lực nhà nước ở ta hiện nay – hãy chỉ nói nước ta thôi – thì từ “du lịch” xuất hiện trong tổ hợp từ “Văn hóa, Thể thao & Du lịch”, tên gọi của một Bộ, chỉ/ trỏ quyền quản lý nhà nước trong một lĩnh vực hoạt động thực tế mà ai nấy đều hiểu rằng nó thuộc về “đời sống tinh thần của xã hội”.

Xi nhan Trái Phải - Du lịch Việt Nam, lãi một lo mười

Ngành du lịch, từ quan điểm “vĩ mô”, là một hoạt động văn hóa chứ không phải một hoạt động kinh tế. Ảnh minh họa từ TTXVN

Nghĩa là ngành du lịch, từ quan điểm “vĩ mô”, là một hoạt động văn hóa chứ không phải một hoạt động kinh tế. Có nhiều ý kiến giải thích cho sự cắc cớ này, đại để: văn hóa là khái niệm rất rộng, chỉ tất cả những hoạt động tác động đến, làm phong phú đa dạng và tạo sự thoải mái cho đời sống tinh thần của cả xã hội cũng như của mỗi cá nhân, vì thế mà du lịch, cũng như thể thao, được xem như một hoạt động văn hóa.

Tôi thấy khó mà chia sẻ được với quan điểm này. Đồng ý rằng khái niệm văn hóa rất rộng – nó rộng đến mức mà học giả Đoàn Văn Chúc từng cho rằng văn hóa là cái “vô sở bất tại”, nghĩa là chẳng có chỗ nào, chẳng ở đâu mà văn hóa lại không có mặt; còn học giả Phan Ngọc thì khẳng định rằng văn hóa không chỉ/ trỏ một vật thể hay một hoạt động cụ thể, nhưng bất kỳ một vật thể nào do con người tạo ra, hoặc bất kỳ một hoạt động nào do con người thực hiện, can dự, thì “đều có phương diện văn hóa của nó cả” – nhưng không phải vì nó rất rộng mà có thể tùy thích đưa vào nó bất cứ thứ gì, hoặc gán ghép nó với bất cứ cái gì một cách vô căn cứ. Mà đây, đáng tiếc thay, lại là điều đã và đang xảy ra khá phổ biến trong hoạt động du lịch ở ta.

Hãy xem: chúng ta có đủ các dạng thức, nội dung cho hoạt động du lịch. Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, du lịch mua sắm, du lịch sinh thái, du lịch di sản, du lịch tâm linh, du lịch về nguồn v.v..., và với đà phát triển này, chẳng ai biết còn những loại hình du lịch nào nữa sẽ ra đời?

Về mặt nào đó, phải ghi nhận tính tích cực của sự đa dạng hóa du lịch này. Bởi du lịch, hiểu theo cách phổ quát và “cổ điển” nhất, là đi chơi, là xê dịch trong những không gian khác với không gian sống quen thuộc, là mở rộng kinh nghiệm và kiến văn, là làm mới cảm giác và cảm xúc bằng việc sống trải những miền đất lạ, những con người lạ, những văn hóa lạ. (Chính cái nhu cầu và thực tế lịch sử của du lịch theo nghĩa này đã làm hình thành trong văn chương nhân loại cả một dòng mạch các tác phẩm du ký, chảy suốt từ cổ, trung đại đến cận, hiện đại và đương đại, trong số đó có không ít tác phẩm đáng gọi là danh tác).

Tuy nhiên, trong đời sống công nghiệp hóa chặt chẽ như hiện nay, không mấy người có điều kiện và tâm thế du lịch chỉ để “thỏa chí tang bồng” như trước nữa. Sự xê dịch của họ là tương đối ngắn hạn và thường được gắn với những mục đích khá cụ thể: nghỉ dưỡng, chữa bệnh, mua sắm, hồi tưởng, cầu cúng v.v... Vì thế mà sự đa dạng hóa các loại hình du lịch trở nên là cần thiết.

Nhưng cũng vì thế mà những bất cập hay thái quá trong hoạt động du lịch mới có điều kiện phát sinh, phát tác, gây ra lắm hệ lụy.

Ví như, bởi du lịch để cầu cúng nên từ “du lịch tâm linh” mới đẻ ra không ít đình chùa giả, đền miếu giả, thánh thần ngụy tạo, ấy là còn chưa kể đến cái nạn “đại tự”, chùa to theo nghĩa đen, được dựng lên chỉ cốt để vét hầu bao du khách mê tín.

Ví như, bởi du lịch để sống hòa thiên nhiên nên từ “du lịch sinh thái” mới có lắm khu sinh thái rởm, cảnh vẻ qua quýt gượng gạo, cây trồng và thú thả là bứng từ nơi khác về, sinh thái đâu chưa thấy nhưng chắc chắn là một vùng đất đã mất đi khá nhiều cái sắc thái tự nhiên hồn hậu của nó.

Ví như, bởi du lịch để trải nghiệm bản địa với những di sản văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc, nguyên gốc, nên từ “du lịch di sản” mới sinh nhiều nghệ nhân non nghề, đàn hát chưa tròn vành rõ chữ, nhảy múa chưa thành khuôn thành dạng, trang phục thì nhập nhằng giữa chất văn công với chất “các cụ để lại”, và đó là điều rất nguy hiểm nếu chẳng may du khách ngộ nhận, cứ nghĩ cái mình xem/ nghe là di sản original, thứ thiệt.

Và ví như, bởi du lịch để thư giãn, lấy lại sức khỏe cho thân thể và tâm trí, tức là để hưởng thụ cái sướng khoái của sự nhàn dật vô ưu, nên từ “du lịch nghỉ dưỡng” mới mọc lên, nhanh một cách thần kỳ, những tổ hợp resort hoành tráng trên núi và ven biển, nhìn gần thì vô cùng sang trọng và hiện đại, phục vụ đến tận chân răng kẽ tóc mọi nhu cầu ăn ngủ nghỉ của khách du, nhưng nhìn xa thì, về cơ bản, là những tàn phá không thương xót cảnh quan tự nhiên vốn dĩ. (Riêng ở ví như về “du lịch nghỉ dưỡng”, tôi muốn thêm một ý: nói như Yuval Noah Harari, sử gia đầy tài năng người Israel, thì du lịch hiện đại rốt cuộc chỉ là để bán vé máy bay hạng thương gia và phòng khách sạn năm sao. Nghĩa là, nó ve vuốt mơn trớn cái cảm giác “đẳng cấp thượng lưu” của du khách. Và với sự hỗ trợ của công nghệ chụp ảnh bằng điện thoại thông minh, mạng xã hội, cùng sự khát khao muốn được công nhận của người thụ hưởng dịch vụ, nó đẩy cảm giác này lên tận độ).

Phải nói cho rõ để tránh mọi sự hiểu lầm và gây tranh cãi không cần thiết: theo tôi, dù là nghỉ dưỡng, chữa bệnh, mua sắm, hay hồi tưởng, cầu cúng v.v... thì đó đều là những nhu cầu chính đáng của con người nói chung.

Và bởi thế, cũng là hợp lý khi ngành/ người làm du lịch có những hồi âm tương ứng, tức là đưa ra các loại hình “du lịch nghỉ dưỡng”, “du lịch mua sắm”, “du lịch tâm linh”, “du lịch sinh thái” hay “du lịch di sản” v.v... Vấn đề là cách thức tổ chức, quản lý các hoạt động này.

Về mặt văn bản pháp quy, chúng ta đã có Luật Du lịch mới nhất, ban hành ngày 19/ 6/ 2017, quy định về tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền và nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng cư dân có hoạt động liên quan đến du lịch; quản lý nhà nước về du lịch. Thế nhưng luật, dẫu có bao quát và chặt chẽ đến mấy, cũng chỉ là “cái chết”. Con người dụng luật mới đích thực là “cái sống”, mà con người dụng luật trong tổ chức, quản lý du lịch ở ta, như tôi nghĩ và đã nêu băn khoăn ngay ở đầu bài viết, dường như là “cái sống” đang mắc kẹt trong nhận thức về thực chất của du lịch: nó là hoạt động kinh tế hay là hoạt động văn hóa?

Về phía cá nhân mình, tôi muốn được khẳng quyết: để tránh việc biến du lịch trở thành một “món” được nhúng trong nồi lẩu thập cẩm của văn hóa – từ đó mà đẻ ra biết bao nhiêu ngộ nhận và phiền toái - hãy xác định nó là hoạt động kinh tế, là kinh doanh.

Người ta có thể lo sợ rằng tư duy duy kinh tế sẽ làm hỏng hoạt động du lịch và môi trường du lịch. Bằng chứng là nhìn vào những cái “ví như” kể trên, thì quả đúng, ham muốn tối đa hóa lợi nhuận kinh tế bằng mọi giá chính là một trong những nguyên nhân của kinh doanh du lịch tệ hại. Nhưng nhìn những cái “ví như” ấy từ một phía khác, ta sẽ thấy: tệ hại là do ở đây, ngoài ham muốn tối đa hóa lợi nhuận kinh tế bằng mọi giá, thì không còn gì nữa. Không có sự hiểu biết về sản phẩm du lịch và tài nguyên du lịch. Không có đạo lý kinh doanh du lịch. Không biết đến hoặc biết đến nhưng cố tình tảng lờ những quy định đã được nêu trong luật Du lịch.

Nếu không muốn những “ví như” như trên, tôi nghĩ, ta có thể chú ý đến một loạt địa điểm du lịch được người Pháp khai phá và phát triển từ lâu, nổi tiếng về cảnh quan đẹp, khí hậu tốt, có nhiều công trình kiến trúc mang giá trị lịch sử văn hóa cao và nhiều di sản văn hóa bản địa độc đáo khác, như Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt, Phú Quốc... Tình trạng chung ở những nơi này là sự khai thác du lịch một cách quá mức, dẫn đến hỗn loạn: nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch. Khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, quán xá thi nhau mọc lên, chen vai thích cánh, đồng lòng phá nát cái quy hoạch tổng thể vốn rất khoa học, hài hòa và đẹp đẽ mà người Pháp đã để lại trên xứ Đông Dương.

Ai đó đã từng đặt chân đến Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt, hay Phú Quốc một lần, mấy năm sau trở lại ắt sẽ không còn nhận ra địa điểm du lịch mà mình từng ghé thăm và yêu mến, bởi các thay đổi, chuyển biến theo hướng lộn xộn, bát nháo hóa, xấu xí hóa đã và đang diễn ra ở những nơi này. Lỗi do các tổ chức và cá nhân kinh doanh du lịch chỉ là một phần. Lỗi do cộng đồng dân cư sống ở địa điểm du lịch cũng chỉ là một phần. Mà lỗi lớn nhất, và phải chịu trách nhiệm nặng nhất cho sự suy bại này, chính là các cơ quan quản lý hoạt động du lịch, các chính quyền sở tại, những người mà, dù nắm trong tay công cụ hữu hiệu là luật và các văn bản dưới luật, dường như vẫn chẳng hề biết gì về việc các môi trường và tài nguyên du lịch ở địa phương mình bị xâm hại nghiêm trọng, các sản phẩm du lịch bị xuống cấp một cách méo mó thảm hại.

Hoạt động kinh tế du lịch được/ bị vận hành với cung cách sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi ấy, với tâm thế cha chung không ai khóc ấy, theo tôi, gây cảm giác du lịch chẳng qua chỉ là cái sự lãi một lo mười...

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.